Review khu vực quận Cầu Giấy

126 đường | 8 phường | 146 trường
Quận Cầu Giấy là một quận khá rộng của Hà Nội chiếm diện tích 12,04km² , nằm ở phía tây nội thành Hà Nội, phía đông giáp quận Đống Đa và quận Ba Đình, phía tây giáp huyện Từ Liêm, phía Nam giáp quận Thanh Xuân, phía bắc giáp quận Tây Hồ. Từ lâu quận đã nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống như Làng nghề làm giấy Sắc Phong tại Nghĩa Đô, Làng Vòng – Dịch Vọng có nghề làm cốm lâu đời, chính là sản phẩm có tại phố Hàng Than, khi một số hộ kinh doanh đã tới khu vực phố cổ để phát triển rộng hơn thứ sản phẩm ngon có tiếng này. Quận được coi là cầu nối gắn kết ngoại thành với phần trung tâm, là nơi cung cấp các sản phẩm để tiêu thụ trong nội thành. Những năm gần đây quận Cầu Giấy có sự thay đổi về mọi mặt, rõ rệt nhất là sự quy hoạch lại diện tích đất, quy hoạch lại đường xá.

 

 

"Sự trỗi dậy" của các con đường quận Cầu Giấy 

Hiện tại, mật độ phương tiện giao thông cũng như lượng người lưu thông trên các tuyến của quận Cầu Giấy khá đông, dân cư làm việc tại trung tâm cũng khá lớn, chính vì thế đây được coi là nút giao thông nối với quận Bắc – Nam Từ Liêm và quận Ba Đình. 

Đường Cầu Giấy có các trục đường chính như trục đường Cầu Giấy, Xuân Thủy, Hồ Tùng Mậu mặt đường rộng phía trên có đường sắt trên cao chạy qua nối từ Nhổn đến Cát Linh. Trục lớn tiếp theo là đường Nguyễn Văn Huyên được mở rộng thông ra hai đường lớn khác là Cầu Giấy và đường Hoàng Quốc Việt. Một số các con đường liên khu vực như đường Nguyễn Phong Sắc, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn, phố Trần Vỹ. Một số tuyến khác đang được cải tạo như Hoàng Sâm, Nghĩa Tân, Chùa Hà, Đặng Thùy Trâm, Phan Văn Trường, đường Quan Hoa chạy dọc sông Tô Lịch. 

Đường giao thông tại khu vực khá tiện với nhiều tuyến bus chạy qua như bus 49 từ Khu Đô Thị Mỹ Đình đến quận Hoàn Kiếm, bus 34 từ bến xe Mỹ Đình đến bến xe Gia Lâm, bus 07 từ trung chuyển Cầu Giấy đến Sân Bay Nội Bài, xe bus 55 từ trung chuyển Cầu Giấy đi quận Tây Hồ, một số tuyến bus đi Thị trấn Phùng, Sơn Tây. ..

Cụ thể là các bãi xe bus, các trạm trung chuyển như : Điểm trung chuyển Cầu Giấy có xe bus 07,20A,20B, 24,26,38,55A,55B, 105 ; điểm trung chuyển Hoàng Quốc Việt như 53A, 38 ; Bến xe Mỹ Đình có 09B, 16,21B, 22B, 30,34,46…; bến xe tại Công viên Nghĩa Đô như 12,39,96,97; bến xe tại Công viên Cầu Giấy như 51,39.

Các bãi đỗ xe tại đây có quy hoạch một số nơi như bãi đỗ xe khu vực Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, bãi đỗ xe khu phố mơi Nam Trung Yên

Đường sắt đô thị của quận có 4 tuyến chạy qua dọc các tuyến đường như vành đai 3, Láng – Hòa Lạc, Thủ Lệ - Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Quốc Việt – Phú Diễn. Dự án đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội đang là một phần của tuyến Trôi – Nhổn – Yên Sở đang được thi công.

 

Hệ thống cây xanh, công viên tại quận Cầu Giấy 

Mật độ cây xanh chủ yếu tập trung tại các trường đại học, khu chưng cư, mật độ cây cổ thụ ít. Tuy nhiên, đang trên đà phát triển nên  các con đường khu vực quận hiện được trồng khá nhiều. Một số các con đường cây xanh như Trần Thái Tông, Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Khánh Toàn. Khu vực phố Quan Hoa có hàng cây xanh chạy dọc theo sông Tô Lịch. 

Quận có các công viên như Công viên Nghĩa Đô, Công viên Cầu Giấy. 

Công viên Nghĩa Đô có lượng cây xanh lớn, toàn bộ khu vực có khuôn viên lên đến 47.000m² , gồm nhiều khu vực như khu vui chơi cho trẻ em, khu tập thể thao, khu vực đi dạo, khu hồ nước, vườn hoa, một không gian sạch để các gia đình, nhóm bạn thư giản vào các dịp cuối tuần hoặc tham gia các hoạt động thể thao cuối ngày. Tại công viên cũng hỗ trợ các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời và đặc biệt khi vào đây sẽ không mất phí mà gửi xe cũng chỉ mất tầm 3 nghìn đến 5 nghìn đồng thôi. Gần công viên là thiên đường ăn uống tại phường Nghĩa Tân, còn đối diện với cổng Nguyễn Văn Huyên chính là bảo tàng Dân tộc học vé vào cửa là 40 nghìn đồng. Có các tuyến bus như 28,12,39. 

Công viên Cầu Giấy với diện tích 6540m² bao gồm hệ thống cây xanh được trồng quy hoạch từ đầu đã tạo nên một khuôn viên thoáng mát và sạch sẽ. Vị trí nằm ngay mặt phố Thành Thái thuộc khu đô thị Dịch Vọng, ngay cổng công viên có tuyến bus 51 và 39. 

Công viên được chia làm 3 phân khu chính là khu thể dục thể thao, khu vui chơi cho trẻ em, khu hồ nước và quảng trường là nơi đi dạo của các cư dân sống quanh khu vực này. Các hoạt động thường ngày như khu vui chơi của trẻ em  trên phần cỏ nhân tạo với nhiều hoạt động từ chơi xích đu, leo dây…Đây thực sự là điểm đến lý tưởng cho người dân tới đây thư giãn, vui chơi sau những ngày làm việc mệt mỏi, áp lực.

 

Kiến trúc quận Cầu Giấy

Quận Cầu Giấy đang trên đà phát triển, là đòn bẩy chung cho kinh tế toàn thành phố, các dự án cũng từ đây được đẩy ra các quận lân cận nối với quận nội thành.

Khu vực có các bệnh viện giải quyết vấn đề quá tải trong các bệnh viện nội thành, có thể kể ra các bệnh viện thuộc quận Cầu Giấy như bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội, bệnh viện E, bệnh viện 19-8 Bộ Công an.  Trên địa bàn quận có nhiều cơ quan nhà nước như Bộ Tài nguyên Môi Trường, Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính Phủ, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng cục Đường bộ, Tổng cục Dân số, Tổng cục Hải Quan, Hội Nông dân Việt Nam, Cục Hàng hải, Cục Đường sông, Cục Đăng kiểm, Sở Công thương Hà Nội. 

Địa thế đất rộng quận có nhiều khu đô thị  lớn như khu đô thị Dịch Vọng gồm một số các hạng mục chưng cư của tập đoàn Hà Đô như chung cư Hado Park View, chung cư CC1…

Khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, khu đô thị Yên Hòa, khu đô thị Trung Yên, Nam Trung Yên, khu đô thị Cầu Giấy, khu đô thị Nghĩa Đô, khu đô thị An Sinh Hoàng Quốc Việt, khu đô thị Constrexim Complex Dịch Vọng, khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, khu đô thị Vimeco II , khu đô thị Mai Dịch, khu tập thể Nghĩa Tân, khu đô thị Mai Dịch, khu đô thị Mandarin Garden…

 

Ngon bổ rẻ chính là các món ăn tại quận Cầu Giấy

Nếu đến quận Cầu Giấy mà chưa vào các tụ điểm dưới đây thì chưa phải tín đồ ẩm thực Hà Nội, mình sẽ bật mí ngay cho các bạn đây.

Đầu tiên, khu vực Nghĩa Tân, Nghĩa Đô, Tô Hiệu có một khu chợ tên là Nghĩa Tân được coi là thánh địa ăn vặt, nhìn đâu cũng thấy đồ ăn. Với các món ăn ngon nức lòng như món bánh mì chảo, bánh mì sốt vang. Nghĩa Tân nổi tiếng với món bánh mì chảo cốt điện có các thành phần chính như xúc xích, thịt, pate, trứng ốp la, khoai tây nghiền nóng hổi toàn bộ được đựng trên một chiếc chảo gang nhỏ. Nước sốt ngon xuất sắc, nước sánh lại quyện màu đỏ nóng hổi, chầm cùng miếng bánh mì không chê vào đâu được. Món tiếp theo là tào phớ, lát tào phớ được vớt nhẹ cho vào bát mềm mượt bùi ngậy, ăn cùng nước đường, trân châu, thạch đen hay thạch găng ăn ngọt thanh và khá mát. Tại đây còn có món sụn nướng, các loại chè, món cháo trai nóng hổi. 

Một cái tên khá lạ nữa là bánh đa đồng nát, bún riêu thập cẩm tại C3 Nghĩa Tân, miến ngan trộn số 10 Chùa Hà, bún đậu mắm tôm quán Làng Mơ  số 104 C3 Nghĩa Tân, Xôi gà và tào phớ dâu tằm tại Trần Quốc Hoàn, bún ngan, chân gà luộc tại số 3 Chùa Hà. 

Các quán ăn đặc sắc khác thuộc quận Cầu Giấy như quán Gà rán Kuccu năm tại số 23 ngõ 26 Đỗ Quang, quán có món gà nướng mật ong và gà sốt cay rất ngon. Đồ ăn ở đây đắt nhưng sắt ra miếng rất bõ cong bỏ tiền ra mua. Hay như quán mì cay Hàn Quốc Sasin nằm tại số 75 Phạm Tuấn Tài, nổi tiếng với quán mì cay Hàn Quốc cấp độ 7, khách ở đây chủ yếu là sinh viên, lúc nào cũng trong tình trạng kín chỗ.

Bò nhúng dấm 555, nằm tại số 56 Trung Hòa,Cầu Giấy. Miếng thịt bò của quán luôn tươi mới, vị tẩm ướp đậm đà, đặc biệt phần nước lẩu có vị chau thanh mát ăn rất ngon. Hay như món bún chả Sinh Từ số 2 Nguyễn Phong Sắc, bún chả tại đây mang hương vị truyền thống kết hợp với chả băm cuốn lá đặc biệt khiến món ăn vô cùng đẹp mắt và hấp dẫn. Một suất bún chả ở đây khá nhiều, từ bún, rau sống cho đến thịt nướng và nước chấm thơm ngon, đậm đà.

Nem lụi Nha Trang nằm tại ngõ 130 Xuân Thủy, quán khá ngon chỉ có 25k một suất vừa cho 1 người ăn. Không lúc nào thấy ghế trống cứ nhóm này ăn xong lại đến nhóm kia vào. Nhiêu hôm thấy grap, shipper xếp hàng dài để chờ đến lượt nhận bill.

Đồ ăn ở đây rất phong phú, các quán đồ uống nổi tiếng về trà sữa, trà Phúc Long các thương hiệu đồ uống nổi tiếng của thế giới cũng có nhiều cơ sỏ tại đây, các quán ăn sang trảnh, phòng chiếu phim cũng có tại tòa IPH nằm tại Xuân Thủy.

Dân cư tại quận Cầu Giấy.

Thuộc vùng dân cư cổ của Hà Nội xưa, quận trước gồm các vùng dân cư cổ như Vùng Kẻ Bưởi (nay là Nghĩa Đô); vùng Kẻ Vòng (Dịch Vọng, Mai Dịch); vùng Kẻ Cót-Giấy (Quan Hoa, Yên Hòa); vùng Giàn Kính Chủ (Trung Hòa). Từ lâu dân Cầu Giấy có truyền thống hiếu học, là một trong những cái nôi văn hiến, có rất nhiều người học giỏi, đỗ cao, nhiều vị tiến sĩ đã làm rạng rỡ đất nước, quê hương, nhiều hiền tài được ghi danh trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám, được giữ các chức vụ quan trọng trong triều đình. Cầu Giấy còn là vùng đất thơ văn, các tác giả để lại các tác phẩm thơ văn, lịch sử có giá trị đối với quê hương và đối với cả nước: tiến sĩ văn học, nhà thơ Nguyễn Khả Trạc (Mai Dịch); soạn chế, biểu, chiếu, thơ, phú có Nguyễn Đình Hoàn (Nghĩa Đô). Thời cận đại có Hoàng Thúc Trâm - bút danh Hoa Bằng (Yên Hòa) mà nay có một con phố tên Hoa Bằng nằm gần khu vực Nguyễn Khang và Công viên Cầu Giấy.,biên soạn nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt tác phẩm Quang Trung (1788-1792), viết trước cách mạng, được tái bản năm 1988 với tiêu đề “Quang Trung người anh hùng dân tộc”, tác phẩm được giải Thưởng nhà nước năm 2000. Thời hiện đại, ở Cầu Giấy còn có nhiều người nổi danh trong cả nước với sự nghiệp phát triển khoa học kỹ thuật văn hóa, giáo dục như giáo sư Hoàng Xuân Sáng - chuyên gia vật lý nguyên tử thuộc Trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học Pari, nữ Giáo sư - Tiến sĩ toán học Hoàng Xuân Sính…

Ngày nay lượng nhập cư từ các tỉnh thành khác về đây khá nhiều, đất đai của vùng mở rộng các khu đô thị mọc lên, đất dành cho nhà ở cũng phát triển tại điều kiện cho dân tỉnh lẻ an cư lạc nghiệp.