“Những nỗ lực vươn mình theo năm tháng”
Cách quận 1 chỉ đúng một con rạch Bến Nghé, một cây cầu Khánh Hội mà thế giới như trái ngược nhau hoàn toàn. Nếu một bên là giàu có, sang trọng, nhộn nhịp, tươi mới thì bên còn lại là nghèo khó, bần hàn, u buồn và tối tăm. Từ một vùng đất cù lao nằm trong thế cô lập, giờ đây đã thông thương sang các khu vực trung tâm, các quận lân cận bời những cây cầu hiện đại. Về phía bắc, cầu Khánh Hội cạnh Bến Nhà Rồng, cầu Calmette, cầu Ông Lãnh sẵn sàng đưa khách tham quan từ các trung tâm thương mại, vui chơi của quận 1 sang. Về phía tây và phía nam, cầu Nguyễn Văn Cừ và cầu Tân Thuận nối liền quận 5, quận 4 và quận 7. Những hướng còn lại, quận 4 giáp quận 2 với ranh giới là sông Sài Gòn, giáp quận 8 với ranh giới là kênh Tàu Hũ. Hệ thống giao thông vận tải thuận lợi, phát triển cả về đường bộ lẫn đường sông giúp mảnh đất này trở thành nơi an cư, lạc nghiệp.
Sau bao tháng năm, nhiều đường mới được mở và mạng lưới giao thông giờ đây dựa vào các trục đường chính như: đường Nguyễn Tất Thành, đường Bến Vân Đồn, đường Đoàn Văn Bơ, đường Hoàng Diệu, đường Khánh Hội và đường Tôn Đản. Trong đó, đại lộ Nguyễn Tất Thành trở thành con đường lớn, quan trọng nhất khi trải dài xuyên suốt khu vực quận – từ hướng cầu Khánh Hội đến cầu Tân Thuận 1 và 2. Bên cạnh đó, góp phần phát triển mạng lưới giao thông đường bộ còn có đường Bến Vân Đồn – con đường duy nhất nối liền quận 1 theo các cây cầu lớn.
“Nhiều công viên với quy mô lớn và nhỏ”
Bên cạnh yếu tố thuận lợi về giao thông, đường sá thì quận là nơi có nhiều công viên nhất thành phố. Từ những công viên lớn như: công viên Khánh Hội, công viên Tôn Thất Thuyết, công viên Nguyễn Tất Thành đến những công viên vừa và nhỏ tập trung khu căn hộ cao cấp, chung cư cao tầng. Công viên ở địa bàn quận có nhiều cây xanh, không khí trong lành, thoáng đãng và trở thành nơi cư dân đến tập thể dục, vui chơi. Đặc biệt, công viên Khánh Hội – công viên lớn nhất địa bàn quận. Bên cạnh việc có nhiều cây xanh, hoa cỏ thì công viên còn có khu trò chơi, sân khấu ca nhạc, khu ăn uống và khu vui chơi thiếu nhi Kizciti. Trong đó, Kizciti chính là thành phố hướng nghiệp, nơi đầu tiên và duy nhất kết hợp mô hình hướng nghiệp với các hoạt động thể thao và giải trí dưới nước dành riêng cho trẻ em.
Ngoài ra, khi đặt chân đến địa bàn quận, nhiều hàng cây xanh chạy dọc hai bên đường. Những cung đường nhiều cây xanh như: đường Bến Vân Đồn, đường Hoàng Diệu, đường Khánh Hội, đường Tôn Thất Thuyết…
“Trên nhiều đường là các toà cao ốc, chung cư cao tầng tạo nên nét hiện đại cho mảnh đất này”
Khoác trên mình cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại, quận đã và đang từng bước công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Quận thu hút được nhiều đầu tư từ doanh nghiệp , hàng loạt dự án bất động sản với quy mô lớn. Hiện nay, giá nhà mặt tiền, phố của quận là 201 triệu/m2, giá căn hộ là 53 triệu/m2, giá nhà hẻm, ngõ khoảng 105 triệu/m2 và giá nhà đất trên 28 triệu/m2. Những đường Bến Vân Đồn, đường Nguyễn Tất Thành, đường Tôn Thất Thuyết có vị trí “nóng” thu hút nhiều dự án triển khai. Các dự án giải toả đất để quy hoạch chung cư cao cấp và dự án di dời cảng Sài Gòn, đầu tư phát triển thành khu du lịch đã khiến quận 4 trở thành vùng đất tiềm năng cho việc thúc đẩy kinh tế và tăng cường sự giao lưu giữa các khu vực.
“Niềm tự hào của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh”
Nhắc đến công trình kiến trúc quận 4, ta sẽ nghĩ ngay đến những di tích có ý nghĩa lịch sử, gắn liền dấu ấn thời gian. Không chỉ là niềm tự hào của thành phố nói riêng mà còn của cả nước Việt Nam nói chung. Những địa điểm ấy có thể kể đến như: Cầu Mống, Chùa Kim Liên, Chùa Giác Nguyên, Đình Khánh Hội, Đình Vĩnh Hội. Và không thể không nhắc đến, Bến Nhà Rồng – nơi Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước.
Trong hơn 20 năm hoạt động, bến Nhà Rồng đã thu hút hơn 20 triệu lượt khách tham quan khắp nơi từ trong đến ngoài nước. Bến cảng được xây từ giữa năm 1862 và đến cuối năm 1863 thì hoàn thành. Nơi đây được xây dựng theo kiến trúc phương Tây nhưng mang lối trang trí quen thuộc của đền, chùa Việt Nam – với hình ảnh “lưỡng long chầu nguyệt”. Đến năm 1955, bến cảng được tu sửa mái ngói và thay thế hình ảnh hai con rồng với tư thế quay đầu ra bên ngoài. Hiện nay, Bến Nhà Rồng là bảo tàng Hồ Chí Minh – chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, nằm trong hệ thống các bảo tàng di tích lưu niệm về Hồ chủ tịch trong cả nước.
Ngoài bến cảng, bạn có thể ghé và tham quan cầu Mống – một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng và còn giữ lại cho đến ngày nay tại Sài Gòn. Cầu Mống là cây cầu bắc qua kênh Tàu Hủ, Bến Nghé và nối liền khu vực quận 1 với quận 4. Cầu có màu sơn xanh đặc trưng, với thành cầu uốn cong hình vòng cung giống với cầu vồng, vì thế tên gọi cầu Mống được bắt nguồn từ đó. Cây cầu hơn trăm tuổi này giờ đã thành cầu đi bộ, là nơi chụp ảnh cưới, xem pháo hoa mỗi dịp lễ, Tết của người dân nơi đây. Không những thế, vào mỗi tối, đây là nơi của nhiều bạn trẻ, đặc biệt là những cặp đôi tụ họp về đây để ngắm cảnh đêm, vui chơi và thưởng thức những món ăn đường phố nổi tiếng.
“Nhắc đến ẩm thực mà thiếu quận 4 thì thật thiếu sót”
Quận 4 tuy có diện tích khiêm tốn nhất Sài Gòn và không có nỗi nhà hàng, quán ăn đắt đỏ nhưng lại là điểm đến quen thuộc của giới trẻ. Vì đây là nơi nhiều hàng quán bán buôn những món ăn vặt, vừa bình dân lại phong phú, đa dạng với hàng ngàn món ăn vừa lạ, vừa ngon. Chỉ cần bạn dắt chiếc xe máy, chạy quanh những con đường lớn, hẻm nhỏ, bạn sẽ thấy tấp nập xe đẩy, gánh hàng, bàn ghế khắp nơi. Vào mỗi buổi sáng tinh mơ, quận 4 “khoác” trên mình vẻ mơ màng, không nhiều quán, nhưng các quán cơm tấm, hủ tiếu mì, phở… vẫn phục vụ cho nhiều thực khách hoặc những người đi làm sớm. Đến chiều tối, đây mới là thời điểm mảnh đất trở nên rộn ràng. Cứ về chiều là càng nhiều quán ăn mở ra, từ những quán nổi cồn cho đến những quán lân cận.
Bạn sẽ dễ dàng tìm được món ăn yêu thích của mình tại đây. Hoặc bạn phân vân chẳng biết ăn gì, đừng lo lắng mà hãy chạy đến những “con đường ăn uống” như: đường Đoàn Văn Bơ, đường Xóm Chiếu, đường Vĩnh Hội. Từ những thực khách khó tính nhất cũng phải ngả mũ trước sự đa dạng về món ăn nơi đây. Nếu bạn yêu thích món nướng, món lẩu: những quán thịt xiên thơm nồng vị khói trên đường Vĩnh Hội sẽ khiến bạn không ngần ngại mà gọi ngay để thưởng thức. Ngoài ra, là quận với ẩm thực đi đầu, ở góc đường Hoàng Diệu – Đoàn Văn Bơ: món vịt nướng lá mắc mật rất đáng để bạn trải nghiệm đấy. Thịt vịt mềm, mọng nước, nướng vừa chín mà không bị khô thêm tí vị thơm thơm, lạ lạ thảo mộc của lá mắc mật sẽ khiến bạn nghiện lúc nào không hay. Những món ăn đặc trưng vùng miền khác như: bún đậu, bún chả, bún bò Huế hay mì quảng… cũng là lựa chọn sáng giá tại đây. Ngoài ra, các món ăn vặt như há cảo, bánh tráng trộn, bánh flan, rau câu là những món vừa rẻ, mà luôn “làm mưa làm gió” trên khắp các trang mạng xã hội, những trang đánh giá ẩm thực, những bạn trẻ phải tấm tắc khen ngon.
Những món nổi tiếng đã khiến tên tuổi quận 4 nổi bần bật hơn hết, chính là ốc, cơm chiên da gà giòn, phá lấu và mì ốc hến. Đầu tiên, về món ốc. Nhiều quận khác rất nổi các món ốc – đặc biệt là quận 1, nhưng khi đến đây, ốc luôn chiếm vị trí hàng đầu. Không chỉ nổi bật về chủng loại, cách chế biến mà hình thức còn là thứ khiến thực khách phải ghi nhớ rõ. Chẳng hạn như: quán ốc Tô ở đường Xóm Chiếu, ốc Oanh tại đường Vĩnh Khánh. Về phá lấu, những hàng quán phá lấu lâu đời như: quán cô Oanh và quán dì Nủi luôn đông đúc vào mỗi tối. Đặc biệt nhất, món mì ốc hến cũng như quán mì ốc hến dì Lan trên đường Ngô Văn Sở. Không chỉ nổi, món ăn này còn khiến nhiều người vừa ăn, vừa hít hà khen ngon. Với vị cay nồng của ớt, đậm đà của sa tế được nấu kiểu chua chua, ngọt ngọt cùng thịt hến, ốc, bạch tuộc tươi ngon, giòn ngọt. Món ăn này đã gây thương nhớ không biết bao nhiêu người đến đây.
“Giang hồ quận 4. Trấn lột quận 4”
Đây chính là nhận định, là câu nói quen thuộc mỗi khi người ta nhắc đến quận 4 ngày xưa. Trước đây, quận có nhiều khu ổ chuột, con người nơi đây sống trong nghèo khổ, tệ nạn xảy ra liên tục, cướp giật, trộm cắp không thể kiểm soát khiến tiếng xấu lan xa. Từ đấy, quận 4 trở thành “đất dữ” trong mắt mọi người. Ngoài ra, đây còn là nơi các đại ca giang hồ có gốc gác. Chỉ từ số nhỏ những hình xăm, khói thuốc, kim tiêm mà nhiều người dân quận 4 bị mang tiếng. Đã có thời, người ta dị ứng gay gắt không cho lấy vợ gả chồng, không cho kết bạn với dân quận 4. “Sống trong cảnh đấy, thì thể nào cũng như thế thôi”.
Thế nhưng, từ khi quận 4 phát triển và đô thị hoá, lúc ẩm thực và kiến trúc nơi đây nổi cồn thì quận đã không còn là nơi đáng sợ đối với nhiều người nữa. Sau khi tiếp xúc, người ta thấy dân quận 4 cũng là người bình thường. Họ cũng văn minh, hiện đại và đầy tình nghĩa. Họ vẫn mang nét mộc mạc, giản dị của dân Sài Gòn – Nam Bộ. Họ chất phác, hiền lành và tử tế. Họ cũng là người thích uống cà phê đêm, vừa uống vừa chuyện trò và ngẫm nghĩ về công việc, cuộc sống tương lai hoặc bồi hồi về quá khứ xưa cũ.
Phần lớn dân quận 4 là người Kinh, số ít là người Hoa và những dân tộc khác sinh sống. Vì thế, họ được đánh giá là người giỏi kinh doanh, có tài nấu ăn và thân thiện, hiếu khách.
Tóm lại, quận 4 giờ đây không còn là “mảnh đất dữ”, không còn là cù lao với địa thế hiểm trở. Mà nay, nơi đây đã thông thương với các quận khác, trở thành một trong những nguồn xanh lớn tại thành phố, phát triển kinh tế bậc nhất gắn liền sự nghiệp hiện đại hoá của nước nhà.