Những công trình kiến trúc ở Việt Nam là sự giao thoa và kết tinh của nhiều văn hóa kiến trúc khu vực và thế giới. Cho đến hôm nay, kiến trúc nước nhà đã trải qua 4 quá trình phát triển là cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Vậy đâu là những công trình mang Việt Nam nổi danh khắp toàn cầu? Hãy cùng khám phá ngay trong bài viết dưới đây nhé!
Những công trình kiến trúc ở Việt Nam nổi tiếng
Đất nước ta được chia làm 3 khu vực chính là Bắc, Trung và Nam. Mỗi vùng sẽ có nét văn hóa đặc trưng riêng, chính vì thế ngay cả những công trình kiến trúc ở Việt Nam cũng có những đặc điểm khác biệt giữa các vùng miền.
Khu vực miền Bắc
Miền Bắc là một trong những khu vực có đa dạng các công trình kiến trúc. Những công trình ở đây thường được xây dựng theo phong cách cổ điển và mang yếu tố văn hóa Việt Nam. Hầu hết các địa điểm nổi tiếng đều quy tụ tại thủ đô nước ta. Đây là một số công trình kiến trúc nổi bật ở miền Bắc mà không ai không biết đến:
Chùa Một Cột
Vị trí: Phía sau phố Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, Hà Nội.
Chùa Một Cột (hay còn có tên gọi khác là Liên Hoa Đài) là một điện thờ được xây dựng vào năm 1049 và được đặt trên một cột trụ duy nhất. Chùa được nằm trong quần thể kiến trúc Chùa Diên Hữu và được công nhận Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1962. Bên cạnh đó, Chùa Một Cột còn được xem là một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Đến năm 2012, chùa vinh hạnh khi được công nhận là “Ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nhất” bởi Tổ chức Kỷ luật châu Á.
Hồ Gươm
Vị trí: Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Hồ Gươm còn có một số tên gọi khác như hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng hay hồ Thủy Quân (bởi đây là hồ đã từng là nơi các thủy binh chiến đấu huấn luyện). Tuy nhiên, đến thế kỉ XV, hồ Gươm chính thức được có tên gọi khác là hồ Hoàn Kiếm (trả gươm). Nguồn gốc cho cái tên này là sự tích trả gươm báu của vua Lê Thái Tổ cho rùa vàng. Từ đó đến nay, hồ Gươm không chỉ đơn thuần là một công trình kiến trúc mà còn là di tích lịch sử văn hóa có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của cả nước nói chung và thủ đô nói riêng.
Xem thêm: Kiến Trúc Baroque: Nghiên Cứu Nguồn Gốc Và Đặc Trưng Nổi Bật
Bamboo Dailai Complex
Vị trí: Xã Ngọc Thanh, huyện Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Năm 2014, công trình Bamboo Dailai Complex đã được Hội kiến trúc sư châu Á trao tặng giải “Công trình của năm”. Công trình được bắt đầu xây dựng vào năm 2012 và trở thành nơi phục vụ ăn uống, tiệc tùng, tổ chức sự kiện cho du khách trong và ngoài nước. Kiến trúc của công trình nổi bật và độc đáo ở chỗ sử dụng tre kết hợp với phương pháp lắp ráp khác biệt. Điều này đã mang đến sự mới lạ cho không gian của công trình và những trải nghiệm thú vị cho du khách.
Văn Miếu Quốc Tử Giám
Vị trí: 58 Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội
Đây là công trình được ra đời vào năm 1070 trên khuôn viên có diện tích khoảng 54.331 m2 và trải qua khá nhiều lần tu sửa. Văn Miếu Quốc Tử Giám có lẽ là một trong những công trình kiến trúc ở Việt Nam mang những giá trị văn hóa lâu đời và là niềm tự hào của Việt Nam. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều khu vực khác nhau như khu Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử), hồ Văn, Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của Việt Nam), Đại Thành Môn, giếng Thiên Quang, Khuê Văn Các, Đại Trung Môn,…
Xem thêm: Kiến trúc là gì? Vai trò của kiến trúc trong đời sống, xã hội
Bảo tàng Hà Nội
Vị trí: Xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội.
Bảo tàng Hà Nội là nơi giới thiệu và trưng bày về thủ đô Hà Nội từ khi dựng nước cho đến ngày nay. Có thể nói đây là nơi chứa đựng những tinh hoa, những nét đẹp đặc trưng nhất của Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử. Với tổng diện tích đất gần 54.000 m2, kiến trúc của bảo tàng mang sự độc đáo với thiết kế theo hình kim tự tháp ngược, giật cấp với 2 tầng hầm và 4 tầng nổi. Năm 2010, bảo tàng Hà Nội được đánh giá là một trong những công trình kiến trúc ở Việt Nam ấn tượng nhất và cũng là bảo tàng đẹp nhất cả nước.
Khu vực miền Trung
Miền Trung là khu vực có địa hình đa dạng nhất nước ta và có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa. Từ những ngôi chùa cổ kính, những cây cầu huyền thoại hay những thành trì đầy uy nghi, tất cả đều là sự kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và cổ điển. Các công trình thuộc khu vực miền Trung cũng rất nổi tiếng trong nước và nước ngoài.
Kinh Thành Huế
Vị trí: Tọa lạc tại 4 phường: Đông Ba, Tây Lộc, Thuận Hòa và Thuận Lộc, Tp. Huế.
Kinh thành Huế xây dựng năm 1805 và hoàn thành năm 1832. Đây là một tòa thành ở cố đô Huế được xây dựng trên tổng diện tích đất 520 ha. Kinh thành bao gồm nhà dân, nhà quan lại và nơi ở, làm việc của vua, hoàng gia (được gọi là Hoàng Thành). Đến năm 1993, Kinh thành Huế vinh dự là một trong số các công trình kiến trúc ở Việt Nam thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Cầu Rồng
Vị trí: Đường Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.
Cầu Rồng là công trình dài 568 mét và rộng 37,5 mét, được xây dựng vào năm 2009 với số tiền gần 1,5 nghìn tỷ đồng. Đây là dự án được thiết kế bởi Ammann & Whitney Consulting Engineers và Tập đoàn Louis Berger. Cầu Rồng không chỉ có thiết kế hình con rồng độc đáo mà còn có khả năng phun nước trong ba phút và phun lửa trong hai phút. Hiệp hội Cầu đường Thế giới đã công nhận thiết kế này là một trong những công trình kiến trúc mới lạ và độc đáo nhất.
Tìm hiểu thêm: Kiến trúc Pháp và những đặc trưng nổi bật bạn nhất định phải biết!
Cầu Vàng
Vị trí: Sun World Bà Nà Hill, Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng
Với hình ảnh đôi bàn tay khổng lồ nâng đỡ lối đi giống như một dải lụa vàng giữa mây trời Đà Nẵng, Cầu Vàng ở Việt Nam gây ấn tượng với du khách trong và ngoài nước. Ngay khi vừa hoạt động, cầu trên đỉnh Bà Nà đã gây ra nhiều sức hút lớn và nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên thế giới. Có thể nói, đây là một trong những công trình kiến trúc ở Việt Nam vươn tầm thế giới và đánh dấu cho sự phát triển vượt bậc về nền kiến trúc nước nhà.
Cầu quay sông Hàn
Vị trí: An Hải Bắc, Sơn Trà, Đà Nẵng
Khác với các dự án cầu đường khác, ngân sách cho việc xây cầu được quyên góp bởi chính người dân Đà Nẵng. Do đó, cầu sông Hàn Đà Nẵng trở nên quan trọng hơn đối với người dân thành phố. Cầu sông Hàn dài gần 500 mét và rộng gần 13 mét với mỗi nhịp kéo dài khoảng 33 mét. Cây cầu này có khả năng xoay 90 độ và điều này đã trở thành điểm đặc biệt của nó. Phần giữa cầu sẽ tách làm hai khi xoay và mở ra một con đường lớn để tàu thuyền có thể đi qua.
Xem thêm: 20+ Các Phong Cách Kiến Trúc Từ Cổ Đại Đến Hiện Đại
Ngôi nhà Điên Đà Lạt
Vị trí: Phường 4, Thành Phố Đà Lạt, Tĩnh Lâm Đồng
Kiến trúc sư Đặng Việt Nga đã thiết kế công trình này và không ít lần bị dư luận chỉ trích vì nó quá phá cách. Tuy nhiên, từ góc độ khác, công trình này đã được Archdaily đưa vào danh sách những ngôi nhà kỳ lạ nhất thế giới. Chính sự độc đáo và kỳ lạ này khiến nó trở thành một tác phẩm nổi tiếng trên toàn cầu. Tác giả muốn tạo ra một phong cách kiến trúc vừa mới lạ vừa khoa học bằng cách lấy cảm hứng từ thiên nhiên và cách xây dựng giống như những hình dáng của một thân cây cổ thụ.
Khu vực miền Nam
Miền Nam Việt Nam được coi là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất cả nước. Chính vì thế nơi đây sở hữu nhiều công trình kiến trúc hiện đại và độc đáo, đặc biệt là Sài Gòn. Tất cả đã thể hiện rõ nét sự phát triển, phồn thịnh của miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung. Cùng điểm qua một số kiến trúc nổi bật tại khu vực miền Nam trù phú.
Nhà thờ Đức Bà
Vị trí: Số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Nhà thờ Đức Bà được xem là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận TP. Hồ Chí Minh. Đây không chỉ là một trong những biểu tượng nổi bật của Công giáo Việt Nam mà còn là công trình kiến trúc mang vẻ đẹp độc đáo của Sài Gòn. Nhà thờ sở hữu những đặc điểm nổi bật về kiến trúc như vật liệu xây dựng nhập khẩu hoàn toàn từ Pháp, nội thất được thiết kế với cấu trúc 1 lòng chính, 2 lòng phụ và 2 dãy nhà nguyên, thiết kế móng có thể chịu tải trọng gấp 10 lần, tường được trang trí bằng 56 cửa kính miêu tả và tái hiện các nhân vật hoặc sự kiện,…
Đọc thêm: Công Thức Phối Màu Gạch Nhà Vệ Sinh Đẹp, Thịnh Hành Nhất Ưu Nhược Điểm
Tháp Landmark 81
Vị trí: Số 208 Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, Tp. HCM.
Đây là tòa nhà cao nhất Việt Nam với 81 tầng cao 461.2m. Đây cũng là tòa nhà cao thứ 15 thế giới và đứng thứ 2 Đông Nam Á vào năm 2021. Đây được coi là biểu tượng cho sự thịnh vượng, phát triển và hiện đại của miền Nam nói riêng và cả nước nói chung. Với tổng diện tích sàn xây dựng là 241.000 m2, tòa tháp có cấu trúc là các khối chụm lại nhau. Kiến trúc tòa nhà cao nhất Việt Nam này được lấy cảm hứng từ hình ảnh những bó tre truyền thống mang ý nghĩa đại diện cho sự đoàn kết của toàn bộ dân tộc Việt Nam.
Tháp Sài Gòn Bitexco
Vị trí: Số 19 – 25 Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. HCM.
Bitexco Financial Tower, công trình kiến trúc ở Việt Nam có chiều cao 262m, 68 tầng, được coi là một trong những biểu tượng kiến trúc của Thành phố Hồ Chí Minh và là minh chứng cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Thiết kế của tòa tháp được lấy cảm hứng từ hình ảnh búp sen – quốc hoa của nước ta – thể hiện truyền thống và khát vọng vươn lên của người Việt Nam.
Tìm hiểu thêm: Kiến Trúc Đông Dương Là Gì? Hành Trình Thế Kỷ Của Kiến Trúc Đông Dương
Pullman Vũng Tàu
Vị trí: Phường Thắng Tam, Tp. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tổng diện tích của khách sạn Pullman Vũng Tàu là 29.304,4 mét vuông với tổng số tiền đầu tư lên đến 1.800 tỷ đồng. Với bốn khối công trình chính, Khách sạn 5 sao đầu tiên của TP. Vũng Tàu bao gồm Trung tâm Hội nghị triển lãm Quốc tế (Block A), Căn hộ cao cấp (Block B), Khách sạn 5 sao (Block C) và Dịch vụ Thể thao. Để làm nổi bật một công trình thành phố biển hiện đại, thiết kế đã mô phỏng hình ảnh cách điệu từ các đợt sóng và trở thành nét đặc trưng của Vũng Tàu.
Nhà 5 khối phủ cây xanh
Sau khi vượt qua hàng trăm công trình kiến trúc, House for trees (Nhà cho cây xanh) đã xuất sắc giành chiến thắng ở hạng mục Nhà ở tại Festival Kiến trúc Thế giới 2014. Đây được đánh giá là một trong những chương trình trong lĩnh vực kiến trúc có độ uy tín và chất lượng cao. Đây là công trình kiến trúc ở Việt Nam đầu tiên được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốp pha tre. Toàn bộ phần mái của thiết kế này được bao phủ bởi những tán xanh mát mang lại bầu không khí tươi mới, trong lành và giúp ngôi nhà trở nên mát mẻ hơn.
Đọc thêm: Thiết Kế Nhà Siêu Nhỏ 12m2 Đầy Đủ Tiện Nghi Và Có Tính Thẩm Mĩ Cao
Điểm nổi bật của các công trình kiến trúc Việt Nam
Mặc dù đất nước ta có sự hội nhập quốc tế mạnh mẽ, nhanh chóng và đã có những sự giao thoa về thiết kế, kiến trúc và văn hóa với các nước bạn. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc ở Việt Nam vẫn giữ được những nét đặc trưng, những dấu ấn mang đậm tinh thần Việt Nam. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua các điểm nổi bật dưới đây, những đặc điểm chỉ thuộc về đất nước ngàn năm văn hiến.
- Vật liệu tự nhiên: Trong giai đoạn phát triển như hiện nay, đất nước ta có đa dạng các loại vật liệu cao cấp để ứng dụng trong kiến trúc nhưng tre, gỗ, đá,… vẫn là những vật liệu được sử dụng phổ biến trong kiến trúc Việt Nam.
- Kết cấu nhà sàn: Rất nhiều thiết kế được làm theo kiểu nhà sàn phổ biến ở nhiều vùng miền. Điều này phù hợp với văn hóa xa xưa của chúng ta và giúp thích nghi với điều kiện khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều.
- Trang trí tinh xảo: Bên cạnh các công trình với các họa tiết, phong cách hiện đại, nước ta vẫn luôn duy trì và phát huy nghệ thuật điêu khắc tinh xảo. Các họa tiết hoa văn, điêu khắc trên các công trình kiến trúc thể hiện sự tinh tế và thẩm mỹ của người Việt Nam.
- Thiết kế theo phong thuỷ: Phong thủy luôn là yếu tố được người dân quan tâm, do đó, mỗi thiết kế đều được tính toán, sắp xếp cẩn thận để không làm trái lại các yếu tố phong thủy.
Trên đây là tổng hợp những công trình kiến trúc ở Việt Nam có nét thiết kế độc đáo, ấn tượng và có tên tuổi trên khắp thế giới. Có thể nói nền kiến trúc ở Việt Nam rất có tiềm năng phát triển và sẽ còn vươn xa hơn trong tương lai. Hãy theo dõi Mogi.vn để cập nhật những thông tin mới nhất!
Đọc thêm:
- Phong Cách Industrial Là Gì? Cách Ứng Dụng Trong Decor Phòng Ngủ
- Kiến Trúc Đông Dương Là Gì? Hành Trình Thế Kỷ Của Kiến Trúc Đông Dương
- Áp Dụng Phong Cách Tropical Vào Thiết Kế Nội Thất Như Thế Nào?