spot_img
Trang chủTin bất động sảnThông tin quy hoạchĐiểm tin sáng 28-3: Chính quyền lo ngại vụ nhồi cao ốc...

Điểm tin sáng 28-3: Chính quyền lo ngại vụ nhồi cao ốc 18 tầng

Chính quyền lo ngại vụ nhồi cao ốc 18 tầng, Công an Hà Nội điều tra một số dự án, danh sách “đen” 22 khách sạn tại Khánh Hòa…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 28-3 trên News Mogi.

Dân phản đối, chính quyền lo ngại về việc nhồi cao ốc thêm 18 tầng của Vinaconex. Theo báo Tiền Phong, sau việc Tổng Công ty Vinaconex đề xuất xây cao ốc 24 tầng tại khu đất “siêu mỏng” trong Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính (Hà Nội) không chỉ bị người dân sinh sống ở đây phản đối quyết liệt mà ngay cả chính quyền sở tại cũng lo ngại về những hệ lụy.

Tại văn bản này, UBND phường Nhân Chính cho biết, trước đề xuất của Tổng công ty Vinaconex về việc điều chỉnh quy hoạch khu đất ký hiệu CN (có diện tích khoảng hơn 4.300m2) thuộc Khu đô thị mới Trung Hòa – Nhân Chính để xây dựng Tòa nhà gara cao tầng, văn phòng kết hợp thương mại dịch vụ với quy mô 18 tầng nổi và 3 tầng hầm, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp với cư dân, hệ thống chính trị khu dân cư để lấy ý kiến cộng đồng. Tuy nhiên, qua các buổi họp, 100% cư dân đều phản đối Vinaconex xin điều chỉnh quy hoạch xây dựng dự án tại ô đất trên.

Theo UBND phường Nhân Chính, tại các buổi họp, các cư dân rất bức xúc, không đồng ý việc triển khai dự án và đề nghị các cấp không nên triển khai dự án. Nếu có triển khai thì tại vị trí khác và xem xét sử dụng khu đất theo quy hoạch đã được phê duyệt để xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi giải trí phục vụ cho mục đích công cộng.

Đảng ủy, HĐND, UBND phường đã có nhiều buổi làm việc với hệ thống chính trị, chi bộ Khu đô thị cố gắng giữ ổn định dân cư, tránh bức xúc của cư dân do việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần tại khu vực. UBND phường nhân chính đề nghị UBND quận đề xuất với thành phố đánh giá tổng thể cơ sở hạ tầng chung cư khu vực, tăng hiện tích sử dụng cây xanh, sân chơi, nhà hội họp,… Đồng thời, cần đầu tư sửa chữa, sơn sửa các tòa nhà khang trang hơn.

“Việc cư dân và hệ thống chính trị không đồng ý điều chỉnh quy hoạch để thực hiện dự án, cơ quan chức năng nên cân nhắc kỹ việc điều chỉnh quy hoạch, vị trí chỗ đỗ xe ô tô…. để xây dựng khu đô thị văn minh, tránh thành điểm nóng”, UBND phường Nhân Chính kiến nghị.

Không chỉ vậy, cư dân ở đây cũng căng băng rôn phản đối việc Vinaconex xây tòa nhà cao 18 tầng tại ô đất ký hiệu CN trong Khu đô thị mới Trung Hòa Nhân Chính. Ảnh cư dân cung cấp.

100% người tham gia dự họp không đồng ý điều chỉnh quy hoạch để đầu tư dự án. Các giải pháp đảm bảo môi trường, giải quyết tắc đường cục bộ khi xe ra, vào gara,… càng áp lực lên cơ sở hạ tầng của khu đô thị.

Tòa phán quyết về chia tài sản khối bất động sản vợ chồng cà phê Trung Nguyên. Theo đó, bà Thảo và ông Vũ có 4 con. Năm 2015, sau thời gian dài có nhiều mâu thuẫn, bà Thảo đơn phương ly hôn, đề nghị được nuôi các con. Với cổ phần các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, bà đề nghị hưởng 51% (tương đương 2.114 tỷ đồng) trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên – công ty nòng cốt chiếm phần lớn giá trị của tập đoàn.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên mỗi người 15% (khoảng 814 tỷ đồng), Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên – G7, mỗi người 7,5% (43 tỷ đồng). Đối với cổ phần của vợ chồng tại 4 công ty còn lại, bà Thảo đồng ý chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Ông Vũ chấp thuận việc các con sống với mẹ, ông cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm. Hai bên thống nhất để bà Thảo và các con sống ở căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3), các nhà đất khác chia đôi. Với tài sản hơn 2.100 tỷ đồng tại ngân hàng, ông Vũ đòi chia theo tỷ lệ phần hơn 70/30.

Phía ông Vũ cũng đề nghị hưởng 70% giá trị cổ phần tại tất cả công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại. Cả hai đều giành quyền điều hành công ty mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên.

Trong phiên làm việc sáng nay, HĐXX xác định khối tài sản 2.100 tỷ đồng đứng tên bà Thảo trong các ngân hàng chỉ còn lại 1,3 tỷ. Phía bà Thảo thừa nhận số tài sản có trong ngân hàng trước đó hình thành trong thời kỳ hôn nhân, song phủ nhận đó là tài sản chung của hai vợ chồng, đề nghị tòa bác yêu cầu chia 70/30 của ông Vũ.

Dân đầu tư bất động sản “lướt sóng” Đà Nẵng bắt đầu hấp hối. Sau một thời gian đất nền Đà Nẵng tăng “chóng mặt” với việc hàng loạt các “cò” tung chiêu thổi giá đất. Làn sóng “cắt lỗ” cùng với thanh khoản giảm khiến nhiều “cò đất” kêu trời vì khách quen giục ra hàng mà không bán được.

Ghi nhận từ báo VietNamNet, làn sóng “cắt lỗ” cùng với thanh khoản giảm khiến nhiều “cò đất” kêu trời vì khách quen giục ra hàng mà không bán được.

Một số nhà đầu tư đã đặt cọc đất nền khu vực Tây Bắc cũng đã bắt đầu tháo chạy và rao bán giấy cọc giá rẻ. Theo một tay môi giới đất nền khu vực vùng ven Đà Nẵng, sau mỗi đợt sốt nóng, việc nhà đầu tư kiểu “lướt sóng” cắt lỗ gần như đã thành quy luật. Do đó, anh luôn chuẩn bị dòng tiền để mua gom những sản phẩm giá tốt. Năm nào anh cũng mua được hàng bán tháo của nhà đầu tư với hình thức này.

“Thời điểm thị trường bất động sản giảm nhiệt, người mua chủ yếu là nhà đầu tư lâu dài. Dĩ nhiên, nhóm người mua lướt sóng hầu như là không có. Mà ngược lại đây là thời điểm người lướt sóng cắt lỗ. Vậy nên, có người số tiền lãi khi đất sốt không bù được số tiền họ chấp nhận lỗ trong thời điểm này”, anh Phạm Hùng, một nhà đầu tư đất Đà Nẵng chia sẻ.

Theo ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Phu Vinh Investment, nhà đầu tư cần lưu ý nguyên tắc lời khi mua chứ không phải khi bán. Do đó, cần theo sát thị trường, thẩm định, so sánh để chọn được sản phẩm bằng hoặc thấp hơn giá thị trường là tốt nhất.

Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ bùng nổ bất động sản nghỉ dưỡng. UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã có cuộc họp với các Sở, ban, ngành liên quan để nghe Công ty Korea Infrastructure Corporation (Hàn Quốc) trình bày phương án đầu tư dự án du lịch nghỉ dưỡng Felice City tại khu đất chuyển giao từ ngân hàng Công thương, TP.Vũng Tàu.

Theo đó, Công ty Korea Infrastructure Corporation đã đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư Dự án du lịch nghỉ dưỡng Felice City theo hướng một khu đô thị thông minh với điểm nhấn là thương mại, dịch vụ.

Ngoài ra, khu đô thị này còn đáp ứng các tiện ích về y tế, học tập, nghiên cứu, vui chơi, giải trí, thư giãn, tìm hiểu văn hóa, nghệ thuật, thể dục – thể thao, gặp gỡ và sinh hoạt cộng đồng. Khu đô thị có các phân khu chức năng gồm: Nhà hát, trung tâm triển lãm quốc tế, trung tâm văn hóa, bảo tàng, cầu đi bộ và vườn trên cao, văn phòng, trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp, căn hộ khách sạn, câu lạc bộ thể thao biển, bến du thuyền, công viên ven bờ biển, công viên và quảng trường trung tâm, công viên chủ đề, công viên văn hóa, công viên vui chơi giải trí…

Tuy nhiên, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết tính đến nay đã có 4 đơn vị xin đầu tư vào khu đất chuyển giao từ Ngân hàng Công thương, TP. Vũng Tàu. Quan điểm của tỉnh là khách quan, công tâm và minh bạch nhằm lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án. UBND tỉnh đã đề nghị các Sở, ngành hỗ trợ nhà đầu tư trong việc tiếp cận dự án để hoàn chỉnh ý tưởng, trình Ban thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.

Cần biết một điều rằng, Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thống kê, trong năm 2018 địa phương thu hút 23 dự án bất động sản với tổng mức đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng. Và tính đến nay trên địa bàn tỉnh có 157 dự án bất động sản với tổng diện tích hơn 3.400ha; tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 35.000 tỷ đồng. Dự kiến năm 2019, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ thu hút thêm 124 dự án bất động sản khác.

Tất nhiên với số liệu trên, đủ thấy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Bà Rịa – Vũng Tàu đang trở thành “điểm nóng” hút các nhà đầu tư không chỉ ở hiện tại mà còn cả tương lai.

Công an Hà Nội tiến hành điều tra một số dự án. Theo báo Tiền Phong, sáng 25-3, HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên giải trình về trật tự xây dựng. Theo báo cáo của UBND thành phố, có 12 kết luận thanh tra về trật tự xây dựng gồm 1 kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ; 3 kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng; 7 kết luận Thanh tra của Thanh tra thành phố và 1 kết luận thanh tra của Sở Xây dựng. Có 25 công trình/dự án vi phạm trật tự xây dựng theo kết luận thanh tra. Đã xử lý xong 4 công trình/dự án. 21 công trình/dự án đang tiếp tục xử lý, trong đó có 10 công trình/dự án đang xem xét chuyển cơ quan cảnh sát điều tra. Phụ lục báo cáo của UBND thành phố nêu tên nhiều chủ dự án, công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Trong đó, có Dự án Khu đô thị Văn Quán – Yên Phúc, quận Hà Đông do Tổng Cty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở và Trung tâm thương mại Hà Đông do Cty TNHH Huyndai RNC làm chủ đầu tư; Khu đô thị Thanh Hà- Cienco 5; các dự án xây dựng bãi đỗ xe kết hợp khuôn viên cây xanh và dịch vụ công cộng tại các ô đất ký hiệu DX1, DX2, DX3, DX4, CX1, CX2 khu đô thị mới Đông Nam đường Trần Duy Hưng, Cầu Giấy; dự án 93 Lò Đúc; dự án 8B Lê Trực…

Riêng đối với dự án Khu đô thị Thanh Hà – Cienco 5, UBND thành phố Hà Nội cho biết, nội dung vi phạm theo kết luận là diện tích xây dựng thêm tại tầng áp mái tại 9 tòa nhà chung cư thuộc các ô đất B1.4-HH01 và B1.4-HH02. Nguyên nhân tồn tại chưa xử lý được là do cơ quan an ninh điều tra bộ Công an đang tiến hành điều tra trong việc cho phép Cienco 5 Land thực hiện dự án.

Với việc thanh tra đối với việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng (một số dự án), kinh doanh bất động sản các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, khu nhà ở của Xí nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu và Cty Cổ phần Sản xuất – Xuất nhập khẩu BEMES làm chủ đầu tư, kể cả các dự án là nhà đầu tư thứ cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội… UBND thành phố cho biết, nội dung vi phạm theo kết luận gồm:

Dự án Khu nhà ở Xa La, Phúc La, Hà Đông: xây dựng thêm tầng; vi phạm mật độ xây dựng; diện tích căn hộ, biệt thự. Dự án có chức năng hỗn hợp Đại Thanh, Tả Thanh Oai, Thanh Trì: Xây vượt 2 tầng + tầng áp mái; vi phạm mật độ xây dựng và mục đích sử dụng. Dự án công trình hỗn hợp nhà ở và trung tâm thương mại CT5, xã Tân Triều, Thanh Trì: Xây sai quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch được duyệt là 25 tầng +2 tầng KT +3 tầng hầm; thực tế: 35 tầng+1 tầng áp mái + 1 tầng hầm. Vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng.

Dự án tổ hợp chung cư và DVTM tại ô HH3 thuộc lô CC6 Khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở Linh Đàm, Hoàng Mai: xây 1 tầng hầm, trong khi quy hoạch được duyệt là 3 tầng hầm.

Dự án Tổ hợp chung cư cao cấp và TM Bemes, Kiến Hưng, Hà Đông: Sai quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch được duyệt 31 tầng +1 tum thang +2 tầng hầm nhưng thực tế 31 tầng +tầng áp mái+ 1 tầng hầm. Xây tăng số lượng căn hộ thấp tầng được duyệt.

Dự án tòa nhà hỗn hợp dịch vụ thương mại, văn phòng cho thuê và nhà ở cao tầng tại ô đất VP3, bán đảo Linh Đàm, Hoàng Mai: Sai quy hoạch. Cụ thể quy hoạch được duyệt 29 tầng +2 tầng KT +2 tầng hầm nhưng thực tế 31 tầng +1 tầng áp mái +1 tầng hầm.

Dự án tổ hợp chung cư và dịch vụ TM tại ô HH4 thuộc lô CC6, Linh Đàm, Hoàng Mai: Sai quy hoạch. Cụ thể quy hoạch 3 tầng hầm nhưng thực tế 1 tầng hầm.

Về lý do tồn chưa xử lý, UBND thành phố Hà Nội cho biết, cơ quan an ninh điều tra đang tiến hành điều tra.

Khách sạn Mường Thanh Luxury Khánh Hòa
Khách sạn Mường Thanh Luxury Khánh Hòa.

Sở Du lịch Khánh Hòa cảnh báo 22 khách sạn nằm trong danh sách “đen”. Theo báo VietNamNet, Sở Du lịch Khánh Hòa vừa công bố rộng rãi danh sách 22 khách sạn không đảm bảo điều kiện kinh doanh lưu trú.

Theo danh sách 22 khách sạn không đủ điều kiện lưu trú mà Sở Du lịch Khánh Hòa công bố thì có đến 21 khách sạn nằm tại Nha Trang, 1 khách sạn còn lại nằm ở địa bàn thị xã Ninh Hòa. Trong đó có nhiều khách sạn, khu du lịch chuẩn 4 đến 5 sao như: Khách sạn Mường Thanh Luxury Khánh Hòa, Mường Thanh Viễn Triều; khách sạn Skylight; Khu du lịch nghỉ mát Ninh Phước Wild Beach Resort & Spa Ninh Hòa.v.v…

Theo Thượng tá Nguyễn Xuân Cảnh – Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Khánh Hòa (thành viên đoàn kiểm tra) cho biết: “Qua kiểm tra trước đó, vi phạm của 22 khách sạn trong danh sách công bố chủ yếu là: không đảm bảo các quy định, tiêu chuẩn về công tác phòng cháy chữa cháy, không đúng thiết kế xây dựng ban đầu, không đảm bảo an ninh trật tự.v.v…”.

Liên quan tới vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó giám đốc sở Du lịch Khánh Hòa cho biết thêm: “Việc UBND tỉnh Khánh Hòa công bố danh sách trên là hợp lý. Thứ nhất, qua danh sách trên, các doanh nghiệp, khách sạn năm trong danh sách phải sớm khắc phục để phục vụ khách an toàn nhất. Thứ 2, trong thời điểm trước khi diễn ra Festival biển, việc công bố danh sách trên sẽ giúp du khách biết và có sự lựa chọn cho riêng mình”.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

Võ Hương
Võ Hương
Minh Hương Pynie - Hiện là Content Marketer Manager của báo Mua&Bán - ấn phẩm thông tin quảng cáo phía nam của báo công thương, Bộ Công Thương Việt Nam.
spot_img

TIN LIÊN QUAN