Mâm quả đám cưới được xem là một nét văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Tùy theo từng vùng miền mà mâm quả cưới sẽ có sự khác biệt về số lượng, cách trang trí hay những sính lễ bên trong. Vậy thì ý nghĩa của mâm quả cưới hỏi này là gì? Mâm quả cưới hiện đại có khác biệt so với mâm quả cưới truyền thống không? Mâm quả đám cưới miền Tây có gì khác so với miền Trung, miền Bắc?
Đồng thời, theo truyền thống của người xưa, khi đàng trai muốn qua nhà đàng gái xin phép thưa chuyện cưới hỏi, đàng trai cần phải mang theo quà cưới, sính lễ. Trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, vua Hùng đã yêu cầu hai chàng trai phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật làm sính lễ để cưới công chúa. Và đó chính là mâm quả cưới ngày nay của chúng ta.
Theo sự phát triển của văn hóa trong dòng thời gian, tục thách cưới ngày nay đã không còn quá “khắc nghiệt”, không còn là rào cản với bất kỳ cuộc hôn nhân nào. Tuy nhiên, mâm quả đám hỏi hay mâm quả đám cưới vẫn là nét văn hóa được lưu giữ cho đến ngày nay. Tuy nhiên, phần quà này sẽ do nhà trai tùy ý lựa chọn và chuẩn bị theo khả năng, không đặt nặng về vấn đề vật chất.
Ý nghĩa của mâm quả cưới
Mâm quả đám cưới là một nét đẹp trong nghi lễ đám cưới của người Việt. Mâm quả này trước tiên thể hiện sự cảm ơn chân thành và sâu sắc từ đàng trai đến bậc sinh thành của đàng gái. Món quà này được xem là lời giao kết tình cảm giữa hai bên gia đình, cảm ơn bố mẹ của cô dâu đã có công sinh thành, dưỡng dục để nhà trai có một người dâu đảm, vợ hiền như hôm nay.
Bên cạnh đó, viết sắp xếp và trang trí mâm quả không chỉ có ý nghĩa về mặt thẩm mỹ. Một mâm quả đám cưới chỉn chu, đẹp đẽ sẽ thể hiện sự nâng niu của gia đình nhà trai đối với cô dâu. Điều này như một lời hứa “ngầm” rằng gia đình chú rể sẽ luôn trân trọng và yêu thương con dâu như con ruột, không có bất cứ sự phân biệt nào.
>>> Xem thêm: Lễ Hằng Thuận Là Gì? Ý Nghĩa Và Nghi Thức Tổ Chức Lễ Chuẩn Nhất
Mâm quả cưới gồm những gì?
Trên thực tế, mâm quả đám cưới sẽ có sự tinh chỉnh khác biệt giữa từng gia đình, từng vùng miền. Nhưng nhìn chung, một mâm quả đám cưới chuẩn mực nhất sẽ bao gồm đầy đủ những yếu tố như sau:
- Trầu – cau
- Trà – rượu
- Mặn – ngọt (có tráp món mặn như các loại xôi và món ngọt như các loại bánh)
Những yếu tố này đại diện cho sự tròn trịa, vẹn toàn, thể hiện đầy đủ những cung bậc cần có trong cuộc sống hôn nhân. Thông thường, cách sắp xếp các sính lễ vào tráp sẽ có thứ tự như sau:
- Mâm 1: Trầu cau
- Mâm 2: Trái cây
- Mâm 3: Các loại bánh
- Mâm 4: Trà – rượu
- Mâm 5: Gà – Xôi – Heo quay
- Mâm 6: Quần áo
Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về mâm quả đám cưới của miền Bắc, miền Nam và miền trung như sau:
Mâm quả ngày cưới miền Bắc gồm những gì?
Mâm quả đám cưới ở miền Bắc thường được gọi là tráp cưới, được trang trí theo phong cách rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Các lễ vật thường không được đặt bên trong mâm quả đám cưới, mà sẽ được sắp xếp và cố định theo dạng hình tháp cao, xung quanh trang trí thêm nơ ruy băng và hoa tươi.
Số lượng tráp cưới của người miền Bắc thường là số lẻ, nhưng số lễ vật bên trong đó phải là số chẵn. Chẳng hạn có 5 tráp cưới, nhưng bên trong mỗi tráp sẽ có 2 món sính lễ như 2 bình rượu, 2 gói trà, 50 bánh,…
Một mâm quả đám cưới chuẩn ở miền Bắc thường có những sính lễ như sau:
- Trà
- Trầu cau
- Mứt hạt sen
- Rượu và thuốc lá
- Bánh cốm
- Bánh phu thê
- Trái cây
Mâm quả đám cưới miền Nam gồm những gì?
Mâm quả đám cưới ở miền Nam có sự đa dạng, vì đây là tụ họp của người dân từ nhiều vùng miền khác nhau. Vì vậy, sự sắp xếp và lựa chọn mâm quả cưới ở miền Nam thường phụ thuộc vào văn hóa của gia đình. Với mâm quả đám cưới của một gia đình miền Nam chính gốc, họ sẽ có sự xem trọng về tính “đôi, cặp” trong sính lễ. Điều này có nghĩa là số lượng mâm quả và số lượng sính lễ đều phải theo số chẵn.
Đồng thời, những món sính lễ này khi nói ghép lại với nhau phải có một ý nghĩa tốt đẹp nào đó, thể hiện sự chúc phúc cho đôi tân lang – tân nương. Chẳng hạn như họ thường sẽ chọn có 60, 80 cái bánh trong một mâm quả, thể hiện lời chúc “60 năm/80 năm cuộc đời hạnh phúc”.
Bên cạnh đó, người miền Nam cũng thường lựa chọn số lượng mâm quả là 6. Con số này vừa đủ để thể hiện sự trang trọng, chỉn chu, lại vừa không quá phô trương hay xa hoa không cần thiết. 6 mâm quả đám cưới miền Nam thường có những sính lễ như:
- Trầu cau
- Trà – Đèn – Rượu
- Bánh phu thê
- Trái cây
- Xôi gấc
- Bánh kem
>>>Xem thêm: Lễ Dạm Ngõ Là Gì? Giải Đáp Quy Trình, Thủ Tục Và Ý Nghĩa Của Lễ Dạm Ngõ
Mâm quả đám cưới miền Trung gồm những gì?
Mâm quả đám cưới ở miền Trung có đặc trưng là đơn giản, gần gũi, phóng khoáng nhưng không kém phần đầy đủ và chỉn chu. Sở dĩ điều này bắt nguồn từ tính chất chân chất, thật thà nhưng vẫn luôn luôn giữ được phong thái tinh tế, giữ được chất truyền thống của vùng đất cố đô kinh kỳ. Thông thường, số lượng mâm quả sẽ dao động từ 4, 6, 8,… Trong đó, cố định cần phải có rượu trà, trầu cau, bánh phu thê và nến tơ hồng. Những mâm quả còn lại nhà trai có thể tự do chọn sính lễ phù hợp với điều kiện.
Mâm quả đám cưới miền Tây gồm những gì?
Ở vùng Tây Nam Bộ, người dân có tính cách chất phác, chân phương và cực kỳ hào sảng. Điều này cũng tác động phần nào đến cách lựa chọn và sắp xếp sính lễ trong các mâm quả ngày cưới. Mâm quả cưới của người dân miền Tây thường có số lượng lớn, nhiều gia đình có thể đi đến 20 mâm quả. Trong mỗi mâm quả sẽ có những sính lễ như sau:
- Rượu trà
- Trầu cau
- Trái cây địa phương
- Bánh ngọt
- Xôi gấc
- Heo quay, gà luộc
- Trang sức vàng, đá quý
- Bánh kem hoặc những loại sính lễ khác
Mâm quả đám hỏi khác gì với mâm quả cưới?
Nếu xét về mặt ý nghĩa và sính lễ bên trong mâm quả, mâm đám cưới và mâm đám hỏi không có gì khác biệt. Nhưng nếu xét về số lượng, mâm quả đám cưới ngày nay được xem là lớn hơn, cầu kỳ hơn, cần nhiều lễ vật, sính lễ hơn so với mâm quả đám hỏi. Ví dụ như người miền Bắc thường sẽ đi 5 mâm quả trong đám hỏi, 7 mâm quả trong đám cưới; Người miền Nam lại đi 4 mâm quả trong đám hỏi, 6 mâm quả trong đám cưới.
Nhưng nếu xét theo phong tục truyền thống của người xưa, đám hỏi (lễ đính hôn hay lễ ăn hỏi) lại được xem là đại đăng khoa, lễ cưới chỉ là tiểu đăng khoa. Theo đó, sính lễ và cách tổ chức đám hỏi cũng sẽ long trọng hơn, lớn hơn so với đám cưới. Ngày nay, một số địa phương ở vùng Tây Nam Bộ vẫn giữ hình thức tổ chức các nghi lễ cưới hỏi theo cách này.
>>> Xem thêm: Song Hỷ Lâm Môn Là Gì? Nguồn Gốc Và Ý Nghĩa Trong Văn Hóa Việt
Ý nghĩa của từng sính lễ trong mâm quả đám cưới
Liệu bạn có bao giờ thắc mắc tại sao mâm quả đám cưới lại có những món sính lễ này mà không phải là những loại khác. Để lý giải được điều này, bạn cần phải tìm hiểu qua ý nghĩa của từng món sính lễ trong lễ cưới dưới đây:
Tráp tiền nạp tài
Trong những nghi lễ cưới hỏi ngày xưa, tráp tiền nạp tài là phần tiền mà nhà gái yêu cầu nhà trai đáp ứng nếu muốn họ gả con gái. Tuy nhiên ngày nay, số tiền này là do phía nhà trai tự chủ động chuẩn bị, không còn đặt nặng về vấn đề thách cưới hay vật chất như xưa.
Tiền nạp tài được xem là khoản chi phí nhà trai đóng góp để nhà gái chuẩn bị các khoản phí cho lễ cưới, hỏi. Đồng thời, trang sức và tiền bạc mà hai bên gia đình dành tặng cho cô dâu chú rể cũng được xem là tài sản để dành của hai vợ chồng trên bước đường tương lai sau này.
Tráp trầu cau
Trầu cau vốn đã là hình ảnh quen thuộc trong mọi lễ nghi quan trọng của người Việt. Tràu có vị cay, vôi có vị nồng, khi hòa quyện với nhau tạo thành màu đỏ rực rỡ, thể hiện cho sự nồng cháy, sắt son và thủy chung trong tình yêu đôi lứa. Ngoài ra, một số gia đình còn có tục dâng vôi lên bàn thờ gia tiên như một sự cung kính, tỏ lòng biết ơn đến thế hệ đi trước.
Tráp trà – rượu – đèn (nến)
Trong những cuộc vui của người Việt, trà và rượu có lẽ sẽ là những món không thể thiếu. Trò chuyện bên những chén trà sẽ giúp cho mọi người thêm gần gũi, thân thiết, thể hiện sự mến khách của gia đình. Những bình rượu quý sẽ giúp cho cuộc vui thêm sôi động, hào hứng. Việc dùng trà và rượu trong lễ cưới như một cách để thể hiện sự sum vầy, đoàn tụ của dịp lễ quan trọng này.
Bên cạnh đó, việc dân trà và rượu lên bàn thờ tổ tiên vừa bày tỏ sự hiếu kính, lại vừa xin phép ông bà chứng giám và độ trì cho cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng luôn hạnh phúc, suôn sẻ.
Tráp trái cây
Tráp trái cây cũng là một trong những mâm quả đám cưới phổ biến nhất ở cả 3 miền. Thông thường trong mâm trái cây sẽ có 5 loại trái cây khác nhau, là biểu tượng của “mâm ngũ quả”. Trong thuyết ngũ hành, số 5 là là biểu tượng của sự hòa hợp giữa đất và trời, giữa âm và dương.
- Mâm quả đám cưới trái cây miền Bắc: Lê, hồng, cam, táo, đào.
- Mâm quả đám cưới trái cây miền Nam: Thanh long, mãng cầu, táo, nho, xoài.
Tráp bánh phu thê
Bánh phu thê là một loại bánh truyền thống, dân dã của người Việt. Có một điều đặc biệt là dù cùng một tên gọi giống nhau, nhưng bánh phu thê miền Bắc hoàn toàn khác biệt so với bánh của miền Trung và Nam.
Bánh phu thê miền Bắc có dạng hình tròn, lớp vỏ bên ngoài nhiều màu sắc và được bọc trong giấy kính. Bánh phu thê miền Trung và miền Nam có nhân từ đậu xanh hoặc dừa, lớp vỏ ngoài màu trắng, được bọc trong những hộp lá dứa hoặc lá dừa có hình vuông, hình lục giác. Món bánh này mang những ý nghĩa như sau:
- Hình dáng bánh thể hiện cho sự hài hòa giữa hai cực âm dương và đất trời.
- Phần nhân được bao bọc gọn trong lớp vỏ thể hiện cho sự che chở và yêu thương lẫn nhau.
- Màu sắc của bánh thể hiện triết lý ngũ hành, thể hiện sự kết hợp hài hòa, cân bằng giữa vạn vật.
Tráp bánh cốm
Bánh cốm là một loại bánh nổi tiếng của vùng đất thủ đô. Bánh có dạng hình tròn, được xem là biểu tượng của bầu trời có tính cực dương, mang ý nghĩa chúc phúc ấm no và thịnh vượng cho đôi vợ chồng son.
Tráp bánh kem
Bánh kem không phải là loại bánh truyền thống của Việt Nam, nhưng loại bánh này lại xuất hiện trong rất nhiều nghi lễ truyền thống của người Việt. Bánh kem được xem như một lời chúc hạnh phúc, mong cho cuộc sống đôi lứa của hai người sẽ luôn đẹp và ngọt ngào như mùi vị của bánh kem. Thêm vào đó, nghi thức cùng cắt bánh và dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên thể hiện sự tình cảm gắn bó, luôn đồng lòng và đồng hành cùng nhau trong suốt chặng đường về sau.
Tráp xôi gấc (gà)
Theo quan niệm của người Việt, màu đỏ là tượng trưng của những điều son sắt và may mắn. Vì vậy trong lễ cưới sẽ luôn có một mâm quả đám cưới xôi gấc nổi bật. Xôi gấc thường được nặn khuôn thành hình trái tim, bên trên được in thêm chữ “Hỷ”. Một số gia đình còn đặt thêm một con gà luộc đã thiến lên trên mâm xôi, tượng trưng cho hình ảnh “gà đẻ trứng vàng”, chúc cặp đôi sớm có thêm tin vui.
Tráp heo quay
Theo quan niệm của ông bà ta, việc cúng heo quay trong những dịp lễ quan trọng sẽ mang đến nhiều điều may mắn, thịnh vượng. Heo vốn là một con vật luôn có nét vui tươi, hiền hòa, là biểu tượng của sự sung túc, đủ đầy và ấm no.
>>> Xem thêm: Cách Trang Trí Phòng Cưới Ở Nông Thôn Chuẩn Phong Thủy
Mâm hỏi đám cưới người Hoa có gì?
Lễ cưới của người Hoa cũng có những nghi thức đậm chất truyền thống rất thú vị và hay ho. Theo tập tục của người Hoa, số lượng mâm quả đám cưới càng nhiều càng thể hiện khả năng kinh tế và thể hiện sự trân trọng đối với nhà gái. Thông thường, người Hoa thường đi từ 8 – 12 mâm quả để thể hiện đầy đủ sự chỉn chu và tỉ mỉ.
Bộ mâm quả đám cưới của người Hoa thường có những món sính lễ như sau:
- 4 Món ăn hải vị biểu tượng cho 4 phương, bao gồm mực khô, nấm đông cô, tóc tiên và tôm khô.
- 1 Mâm quýt có dán chữ Hỷ lên từng quả quýt.
- 1 Mâm có cặp gà trống và gà mái sống.
- 1 Con heo quay
- 1 Mâm bánh bà xã (một loại bánh truyền thống của người Hoa)
Các câu hỏi thường gặp về chuẩn bị mâm quả cưới hỏi
Bạn đang có ý định tổ chức đám cưới và muốn tìm hiểu chi tiết hơn về chi phí mâm quả đám cưới, chất liệu làm mâm quả hay cách trang trí mâm quả? Cùng Mogi xem chi tiết hơn trong phần dưới đây:
Chi phí của mâm hỏi đám cưới ra sao?
Chi phí của một mâm quả đám cưới sẽ có nhiều mức giá khác nhau, phụ thuộc chủ yếu vào:
- Chất liệu làm mâm quả
- Đường kính của mâm quả
- Số lượng của mâm quả
- Loại sính lễ bên trong mâm quả
Một mâm quả có mức giá tiết kiệm sẽ dao động từ 2.000.000 – 3.000.000VNĐ; Mâm quả có mức giá trung bình từ 4.000.000 – 5.000.000VNĐ; Mâm quả cao cấp với nhiều sính lễ sẽ có giá từ 15.000.000 – 20.000.000VNĐ.
Các chất liệu làm mâm quả?
Hiện nay có 2 loại mâm quả phổ biến nhất:
- Mâm quả đám cưới có phủ lớp sơn tĩnh điện: chi phí thấp, được sử dụng phổ biến.
- Mâm quả đám cưới sơn mài: chắc chắn, sang trọng, có mức giá cao.
Mâm quả có những kích thước nào?
Mâm quả hiện nay có những kích thước đường kính thông dụng như sau:
24cm, 30cm, 32cm, 34cm, 36cm, 38cm, 40, 46cm
Mâm quả có kích thước càng nhỏ, để được ít sính lễ hơn thì mức giá sẽ càng thấp. Nhưng nhìn chung, kích thước của mâm quả sẽ không có tác động quá nhiều đến chi phí làm mâm quả.
Mâm quả cưới hỏi có những màu nào?
Theo như quan niệm của người xưa, những món lễ vật được dùng trong dịp Hỷ này phải luôn được “sơn son, thếp vàng”. Vì vậy, mâm quả đám cưới thường có màu đỏ nổi bật là chủ đạo, bên trên được in hoặc vẽ lên những họa tiết có sắc vàng sang trọng, nổi bật. Hiện nay, màu sắc của tráp quả cưới đã có sự đa dạng hơn, bạn có thể chọn những màu tone pastel nhẹ nhàng như xanh, hồng, cam,… Bạn nên lưu ý chọn màu của mâm quả tương hợp với màu sắc trang trí trong đám cưới để có sự đồng bộ, hài hòa.
Có nên tự trang trí mâm quả cưới không?
Bạn hoàn toàn có thể tự trang trí mâm quả cưới theo ý thích nếu có khả năng và thời gian. Tuy nhiên vào những ngày cận kề lễ cưới, cô dâu chú rể cùng hai bên gia đình sẽ rất bận rộn trong việc chuẩn bị. Để giảm bớt áp lực cho bản thân lúc này, bạn nên đặt mâm quả cưới ở những dịch vụ tổ chức chuyên nghiệp. Các đơn vị này sẽ làm mâm quả theo yêu cầu, sở thích và mức ngân sách do bạn đưa ra.
>>> Xem thêm: Ý Nghĩa Các Ngón Tay Đeo Nhẫn Ở Nam Và Nữ Có Thể Bạn Chưa Biết
Trên đây là một số thông tin liên quan đến mâm quả đám cưới. Mogi.vn hy vọng rằng những điều này sẽ giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất cho những dịp trọng đại. Đừng quên theo dõi Mogi thường xuyên để cập nhật nhiều tin tức về phong thủy và nhà đất thú vị nhé!