Kiến trúc phố cổ là một nét đẹp văn hóa gây ấn tượng mạnh mẽ bởi nó khơi gợi về lịch sử lâu đời của nước ta cũng như sự giao thoa giữa bản sắc Việt và phong cách Pháp độc đáo. Hãy cùng khám phá sâu hơn về lối kiến trúc này trong bài viết sau đây của Mogi.vn nhé!
Giới thiệu chung về kiến trúc phố cổ
Nhắc đến kiến trúc phố cổ, người ta thường nghĩ ngay đến các con phố nhỏ đan xen dọc ngang theo dạng bàn cờ cùng với những ngôi nhà đã phai màu sơn nằm san sát nhau theo kiểu “chồng bao diêm”. Phần lớn các ngôi nhà được lợp mái ngói nghiêng đặc trưng và thường có chiều ngang hẹp nhưng lại sâu hun hút.
Ở Việt Nam, bạn sẽ dễ dàng quan sát lối kiến trúc này tại hai địa điểm du lịch nổi tiếng, chính là phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An.
Xem thêm: Phong Thủy Nhà Hướng Đông Bắc Tốt Không? Cách Xem Và Hóa Giải
Phố cổ Hà Nội
Ở Hà Nội, khu vực phố cổ được hình thành từ thời Lý – Trần vào thế kỷ thứ XI. Thời đó, nơi đây là địa điểm sầm uất bậc nhất kinh thành Thăng Long với hoạt động giao thương sôi nổi.
Sau khoảng một thập kỷ trôi qua, nơi đây đã thay đổi rất nhiều so với thuở ban đầu nhưng vẫn là một khu vực tấp nập người qua. Hiện nay, phố cổ Hà Nội hay còn được biết đến với cách gọi quen thuộc Hà Nội 36 phố phường với mỗi con phố đều kinh doanh một ngành nghề hoặc loại hàng hóa đặc trưng như Hàng Mã, Hàng Thiếc, Hàng Đồng,…
Kiến trúc nhà ở phố cổ Hà Nội thường được phân thành 3 lớp. Lớp nhà ngoài được tận dụng để bán hàng, tiếp khách và làm không gian thờ phụng. Lớp giữa thường là nơi sinh hoạt của gia đình. Và lớp trong cùng là khu vực phụ dành cho nhà vệ sinh và kho cất trữ hàng hóa. Giữa những lớp nhà thường được ngăn cách bởi một khoảng sân nhỏ.
Phố cổ Hội An
Ra đời vào khoảng thế kỷ XVI dưới thời nhà Lê, Hội An từng là một thương cảng hưng thịnh, nơi gặp gỡ của các thương buôn Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây. Trải qua nhiều biến cố lịch sử, đến nay phố cổ Hội An được biết đến là một địa điểm du lịch hút khách bởi cuộc sống yên ả và ẩm thực địa phương độc đáo.
Dọc các con đường ở phố cổ Hội An hiện nay, không khó để bạn bắt gặp những ngôi nhà 1 – 2 tầng với kết cấu khung gỗ, hai bên có tường gạch ngăn cách. Khác với nhà ở phố cổ Hà Nội, nhà phố ở Hội An được cấu thành từ 3 phần không gian kiến trúc gồm không gian buôn bán, không gian sinh hoạt và không gian thờ cúng. Những vật liệu chính được dùng để xây dựng nhà ở Hội An đều có sức chịu lực và độ bền cao, thích nghi với đặc điểm khí hậu khắc nghiệt và bão lũ hàng năm của vùng này.
Bên cạnh nhà ở, kiến trúc phố cổ Hội An còn được thể hiện qua nhiều di tích lịch sử độc đáo như hội quán người Hoa, nhà thờ tộc, các ngôi chùa – đền – miếu.
Xem thêm: Nhà hướng Bắc hợp tuổi nào? Luận phong thủy nhà hướng Bắc
Đặc trưng của kiến trúc phố cổ theo từng thời kỳ
Xuất hiện từ thời đại phong kiến cho đến ngày nay, cả phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An đều đã chứng kiến nhiều sự thay đổi mang đậm dấu ấn lịch sử. Hãy cùng Mogi.vn tìm hiểu những nét kiến trúc đặc trưng của từng thời kỳ lịch sử ngay sau đây.
Kiến trúc phố cổ thời kỳ đầu (Lý, Trần, Lê)
Những ngôi nhà được xây dựng ở thời Lý, Trần, Lê thường ưa chuộng các vật liệu như gỗ và gạch nung. Phần lớn là nhà một tầng, mái nhọn được lợp ngói âm dương, hai bên hông nhà là tường hồi vượt cao lên khỏi mái. Phong cách xây dựng mang hơi hướng kết hợp giữa Việt Nam và Trung Hoa.
Xem thêm: Giải Đáp: Hướng Bếp Ngược Hướng Nhà Có Xấu Không?
Kiến trúc phố cổ thời Pháp thuộc
Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, kiến trúc phố cố cũng chịu nhiều ảnh hưởng. Thiết kế của các ngôi nhà dần có sự giao thoa giữa kiến trúc truyền thống Việt Nam và phong cách Pháp. Nhà ở được xây dựng kiên cố hơn, bắt đầu được nâng cấp lên 2 – 3 tầng và mái ngói cũng dần được thay thế bằng mái tôn.
Kiến trúc phố cổ hiện nay
Ngày nay, kiến trúc phố cổ chủ yếu được bảo tồn và phát huy nhằm gìn giữ nét truyền thống cổ xưa. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời gian và sự phát triển của quá trình đô thị hóa, một số ngôi nhà và công trình công cộng ở phố cổ đã bị hư hỏng, xuống cấp. Để hạn chế tình trạng này, các chính quyền địa phương thường đưa ra nhiều biện pháp như hạn chế xây dựng các công trình cao tầng, khuyến khích người dân nâng cấp các ngôi nhà cổ, triển khai các kế hoạch trùng tu,…
Xem thêm: Xem ngày tốt nhập trạch tháng 5 năm 2024 để thu hút may mắn
Một số công trình kiến trúc phố cổ nổi bật
Bên cạnh nhà ở, lối kiến trúc phố cổ còn được thể hiện qua nhiều công trình công cộng ở Hà Nội và Hội An. Cùng Mogi.vn điểm qua một vài địa điểm tiêu biểu nhé!
Bưu điện Hà Nội
Địa chỉ: Số 75 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 dưới thời thuộc địa Pháp, kiến trúc Bưu điện Hà Nội thể hiện sự hòa quyện giữa phong cách cổ điển Pháp và đường nét truyền thống Việt Nam.
Toàn bộ công trình được phủ một màu trắng ngà cổ kính nhưng cũng không kém phần sang trọng. Bưu điện có thiết kế đơn giản với 4 dãy nhà 2 tầng, sử dụng cầu thang gỗ để di chuyển giữa các tầng. Phần mái bên trên có gắn đồng hồ lớn 4 mặt và được lợp ngói ardoise màu đen cũng là điểm nổi bật khi nhắc đến kiến trúc của Bưu điện Hà Nội.
Nhà hát lớn Lớn Hà Nội
Địa chỉ: Số 1 phố Tràng Tiền, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật, được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911. Ý tưởng xây dựng nơi đây được lấy mẫu từ Nhà hát Opéra Garnier ở Paris nhưng với quy mô nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với điều kiện khí hậu tại Hà Nội. Ngay từ khi hoàn thành, Nhà hát Lớn đã trở thành một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của thủ đô, nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hóa – nghệ thuật.
Xem thêm: Hướng dẫn cách xem hướng nhà theo tuổi và 8 hướng trong phong thủy
Di tích Nhà tù Hỏa Lò
Địa chỉ: Số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nhà tù Hỏa Lò là một di tích lịch sử quan trọng ở Hà Nội, được xây dựng bởi thực dân Pháp vào cuối thế kỷ 19. Không gian nhà tù bao gồm các khu giam giữ chật hẹp, phòng tra tấn và khu hành quyết.
Hiện nay, nhà tù Hỏa Lò đã được chuyển đổi thành bảo tàng, trưng bày các hiện vật và tư liệu lịch sử về cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam. Đây là điểm tham quan không thể bỏ qua khi đến với vùng đất thủ đô, giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử và tinh thần bất khuất của nhân dân Việt Nam.
Chợ Đồng Xuân
Địa chỉ: Phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Nằm trong khu phố cổ Hà Nội, chợ Đồng Xuân không chỉ là trung tâm mua sắm sầm uất mà còn là nơi giao thoa văn hóa của người dân địa phương. Chợ được thành lập từ năm 1889 với vẻ ngoài đậm chất kiến trúc tân cổ điển Pháp và là một trong những khu chợ lớn và lâu đời nhất của thủ đô.
Chợ có kiến trúc đặc trưng với mái vòm và không gian rộng lớn, bày bán đa dạng các mặt hàng từ quần áo, thực phẩm đến đồ lưu niệm. Đây là điểm đến hấp dẫn cho cả người dân địa phương và du khách muốn khám phá đời sống và văn hóa Hà Nội.
Xem thêm: Phong Thủy Nhà Hướng Tây Bắc Tốt Hay Xấu? Có Bị Nóng Không?
Nhà cổ Mã Mây
Địa chỉ: Số 87 phố Mã Mây, Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Ngôi nhà được xây dựng vào đầu thế kỷ 19 và là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội còn giữ được cấu trúc gần như nguyên vẹn. Kiến trúc của ngôi nhà nổi bật với hệ thống cột, dầm và kèo gỗ, cùng phần tường bao quanh là tường gạch được đúc thủ công bằng vữa vôi, không sử dụng xi măng. Bên cạnh đó, không gian bên trong nhà cũng giữ được nhiều nét đặc trưng của nhà ở thời kỳ Pháp thuộc, khiến nhiều người thích thú khi đến đây tham quan.
Đền Bạch Mã
Địa chỉ: Số 76 phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Là một trong Thăng Long tứ trấn, đền Bạch Mã không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là điểm đến tín ngưỡng linh thiêng của người dân Hà Nội và du khách gần xa. Nơi đây là một công trình kiến trúc cổ kính, được xây dựng theo phong cách truyền thống Việt Nam vào thế kỷ thứ 9.
Ngôi đền có kiến trúc gồm ba gian tiền đường và hai gian hậu cung. Toàn bộ khung nhà được xây dựng từ các cột gỗ lim lớn với các họa tiết chạm khắc tinh xảo bên trên, phản ánh nghệ thuật điêu khắc cổ truyền độc đáo. Đặc biệt, không gian nổi bật với hai tông màu đỏ và vàng, càng khiến ngôi đền trông uy nghi, trang nghiêm hơn.
Xem thêm: Góc phong thủy – Hướng nhà Đông Nam hợp tuổi nào?
Ô Quan Chưởng
Địa chỉ: Nằm trên phố Thanh Hà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Đây là một di tích hiếm hoi còn sót lại của kinh thành Thăng Long xưa. Bởi sau khi chiếm được Hà Nội, thực dân Pháp đã phá hầu hết các cửa ô nhằm mở rộng thành phố, duy chỉ còn Ô Quan Chưởng là được giữ lại nhờ vào sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân ta.
Ô Quan Chưởng được xây dựng theo lối kiến trúc phong kiến nhà Nguyễn, với kiểu vọng lâu hai tầng. Tầng 1 có ba cửa dạng vòm cuốn, trong đó cửa chính giữa cao và rộng 3m, hai cửa phụ hai bên cao 2,5m và rộng 1,65m. Bên ngoài hai cửa phụ có bậc thang dẫn lên tầng 2. Tầng 2 là vọng lâu với bốn mái, nơi quân lính thời xưa đứng canh gác. Trong vọng lâu có một bàn thờ nhỏ để thờ viên Chưởng cơ và các binh lính đã hy sinh vào năm 1873 khi ra sức bảo vệ thành Hà Nội.
Chùa Cầu Hội An
Địa chỉ: Đường Nguyễn Thị Minh Khai, P. Minh Khai, Hội An, tỉnh Quảng Nam
Chùa Cầu được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỷ 17. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết con quái vật Namazu với phần đầu ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi ở Nhật Bản. Mỗi khi con quái vật này cựa quậy sẽ gây ra lũ lụt và động đất. Do đó, ngôi chùa được xây dựng như một cách phong ấn để ngăn nó gây náo loạn, mang lại yên bình và phát triển cho ba quốc gia.
Chùa Cầu còn được biết đến tên gọi khác là Cầu Nhật Bản hoặc Lai Viễn Kiều. Đây là một địa điểm du lịch độc đáo mang đậm phong cách Nhật Bản, bạn nhất định phải ghé tham quan khi đến với Hội An.
Xem thêm: Hướng Dẫn Xem Hướng Nhà Theo Tuổi Đơn Giản Và Chuẩn Phong Thủy
Nhà thờ tộc Trần
Địa chỉ: Số 21 Lê Lợi, Phường Minh An, Hội An, tỉnh Quảng Nam
Nhà thờ tộc Trần ở Hội An nằm trên khu đất khoảng 1.500m2, được cho xây dựng vào năm 1802 bởi ông Trần Tứ Nhạc.
Không gian nhà mang đậm nét hoài cổ, đặc trưng theo lối kiến trúc Trung Hoa với đủ 3 gian, 2 nếp, 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Các vật phẩm trong nhà đều được bày biện theo phong thủy nhằm mong cầu may mắn, bình an cho con cháu đời sau của Trần tộc.
Nhà cổ Tấn Ký
Địa chỉ: Số 101 Nguyễn Thái Học, Hội An, tỉnh Quảng Nam
Nhà cổ Tấn Ký được xây dựng vào năm 1741 và đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1990. Kiến trúc của ngôi nhà là kết quả giao thoa tinh túy của 3 nền văn hóa Trung – Nhật – Việt với cấu tạo 3 gian, 2 tầng. Ngôi nhà được xây dựng chủ yếu từ các loại gỗ quý như phần kèo và sườn từ gỗ Lim, phần cửa từ gỗ mít,… Không gian phòng khách được dùng để trưng bày những cổ vật quý giá cũng như bày bán những món quà lưu niệm nhỏ xinh để du khách có thể mua về làm quà.
Hội quán Phúc Kiến
Địa chỉ: Số 46 Trần Phú, Hội An, tỉnh Quảng Nam
Được xây dựng từ thế kỷ 16, hội quán Phúc Kiến vừa là một trong những công trình kiến trúc độc đáo tại phố cổ Hội An vừa là địa điểm tâm linh, thờ cúng nghiêm trang. Nơi đây nổi bật giữa lòng phố cổ bởi kiến trúc nguy nga, được tô điểm bởi sắc đỏ rực rỡ và hoa văn tinh xảo.
Bên ngoài, cổng Tam Quan được khảm toàn bộ bằng sành sứ, có 3 lối với ý nghĩa đại diện cho “Thiên, Địa, Nhân”. Bên trong gian chính điện có thờ Thiên hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát, Thần Tài, 12 bà mụ và 3 bà chúa sanh thai nên nơi đây cũng được khá nhiều người lui tới thường xuyên để cúng bái các vị.
Lời kết
Như vậy là Mogi.vn đã chia sẻ đến bạn những thông tin cơ bản về lối kiến trúc phố cổ độc đáo, nổi bật với hai địa điểm là phố cổ Hà Nội và phố cổ Hội An. Với danh sách các công trình mang dấu ấn kiến trúc phố cổ kể trên, hy vọng có thể giúp bạn khám phá thêm về phong cách kiến trúc này.
Bên cạnh đó, để theo dõi thêm nhiều bài viết thú vị và hữu ích khác liên quan đến mẹo vặt cuộc sống, làm đẹp, phong thủy,… đừng quên truy cập Mogi.vn thường xuyên nhé!
Có thể bạn quan tâm:
- Kiến Trúc Pháp Và Những Đặc Trưng Nổi Bật Bạn Nhất Định Phải Biết!
- 22+ Mẫu nhà mái ngói đẹp mang phong cách truyền thống và hiện đại
- Top 15 nhà tiền chế dưới 100 triệu tiết kiệm chi phí mà xinh lung linh