Tết Dương lịch và Tết Âm lịch (Tết Nguyên Đán) là 2 ngày lễ lớn trong năm, học sinh – sinh viên và người lao động đều được nghỉ vào những ngày này. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ nghỉ, lên kế hoạch đặt vé về quê, sắm đồ Tết, … hãy cùng Mogi đếm ngược còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2025 nhé!
Còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2025?
Càng cận Tết, giá vé, giá quần áo, đồ đạc ngày càng tăng, thậm chí là hết vé, hết hàng. Để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ lễ, bạn nên xem còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2025 và lên kế hoạch chuẩn bị phù hợp.
Tết Dương lịch
Tết Dương lịch sẽ rơi vào thứ 4, ngày 01/01/2025 (dương lịch). Nếu tính từ hôm nay ngày 15/10/2024, còn 78 ngày nữa đến Tết Dương lịch.
Dưới đây là bảng đếm ngược Tết Dương lịch 2025:
Tết Âm lịch
Tết Nguyên Đán năm 2025 (Tết Ất Tỵ) là ngày 1/1/2025 (Âm lịch), sẽ rơi vào thứ tư, ngày 29/01/2025 (Dương lịch). Nếu tính từ hôm nay, còn 106 ngày nữa đến Tết.
Dưới đây là bảng đếm ngược Tết Nguyên Đán (Tết Ất Tỵ 2025):
Lịch nghỉ Tết Ất Tỵ 2025
Vừa qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã thống nhất phương án nghỉ Tết năm 2025 như sau:
Lịch nghỉ Tết Dương lịch
Năm 2025, theo Bộ luật Lao động 2019, người lao động sẽ được nghỉ làm 01 ngày Tết Dương lịch 01/01/2025 và hưởng nguyên lương.
Lịch nghỉ Tết Âm lịch
Phương án nghỉ Tết Âm lịch 2025 (Tết Nguyên Đán) sẽ kéo dài 9 ngày liên tục. Bắt đầu từ ngày 25/01/2025 đến hết ngày 02/02/2025 Dương lịch (tức từ ngày 26/12/2024 đến 05/01/2025 Âm lịch).
Xem thêm: Tết Nên Đi Du Lịch Ở Đâu? Địa Điểm Du Lịch Tết Cho Gia Đình, Cặp Đôi
Các hoạt động chính ngày Tết 2025
Thông thường, các hoạt động sắm sửa cho ngày Tết bắt đầu từ khoảng 23 tháng chạp (23/12 âm lịch). Dưới đây là một số hoạt động chính của ngày Tết:
Cúng ông Táo
Cúng ông Táo thường diễn ra vào sáng hoặc trưa ngày 23 tháng Chạp (23/12/2024 Âm lịch), tức là ngày 22/01/2025 dương dịch. Theo quan niệm của người Việt, ông Táo là người ghi chép tất cả những việc làm tốt xấu của gia đình. Vào ngày này ông Táo sẽ lên chầu trời để gặp Ngọc Hoàng và báo cáo những vấn đề tốt xấu của năm cũ đã qua.
Lễ cúng ông Táo thường bao gồm nhang, nến, vàng mã, hoa quả, 2 mũ đàn ông, 1 mũ đàn bà và 3 con cá chép để ông Táo có thể về trời. Cá chép có thể là cá chép thật hoặc cá chép bằng giấy kèm theo cỗ mũ. Ngoài ra, tùy vào gia đình mà bàn thờ ông Táo sẽ có thêm những món ăn hoặc các đồ cúng khác nhau.
Cúng Tất Niên
Ngày Tất niên là ngày cuối cùng trong một năm, có thể là ngày 30 tháng Chạp (nếu là năm đủ) hoặc 29 tháng Chạp (đối với năm thiếu). Đây thường là ngày đại gia đình sum họp đoàn tụ với nhau để cùng ăn cơm và buổi tối sẽ làm mâm cúng tất niên.
Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày mùng 1 tháng Giêng, vào giờ Tý (tức 0 giờ 0 phút 0 giây) chính là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, là sự chuyển giao năm cũ và năm mới và được gọi là Giao thừa. Người ta thường làm hai mâm cỗ, một là mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng thiên địa ở sân trước nhà.
Xông đất đầu năm
Xông đất (hay đạp đất) đầu năm là một tục lệ lâu đời ở Việt Nam. Nhiều người quan niệm rằng vào ngày này, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn, cả năm cũng sẽ gặp thuận lợi. Ngay sau thời khắc giao thừa diễn ra, bất cứ người nào đi từ ngoài vào nhà mình kèm theo lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ.
Vị khách đến thăm nhà đầu tiên trong năm cũng rất quan trọng. Do đó, cứ đến cuối năm mọi người thường tìm những người có tính cách tốt hoặc hợp tuổi để nhờ sang thăm nhà. Ngoài ra, người đến xông đất thường chỉ đến chúc Tết chừng 5 – 10 phút, cầu cho mọi việc của chủ nhà trong năm cũng được thuận buồm xuôi gió chứ không ở lại quá lâu.
Xem thêm: Tự mình xông đất nhà mình có được không? Điều bạn cần biết về xông đất
Ba ngày Tân Niên
Ba ngày Tân Niên chính là 3 ngày đầu năm mới, đây cũng chính là 3 ngày Tết chính trong năm. Trong đó:
* Ngày mùng 1 Tết (tức 29/01/2025 dương lịch):
Đây là ngày quan trọng nhất, mọi người thường không ra khỏi nhà và chỉ bày mâm cỗ cúng Tân niên, ăn tiệc nhẹ và chúc nhau năm mới trong gia đình. Nhiều người quan niệm nếu ngày mùng 1 may mắn, thì cả năm sẽ được may mắn. Đối với các gia đình đã tách khỏi cha mẹ, họ thường sẽ đến chúc Tết các ông bố theo phong tục: Mồng Một Tết cha.
* Mùng 2 Tết (tức ngày 30/01/2025 dương lịch):
Đây là ngày có hoạt động cúng lễ tại gia vào sáng sớm. Sau đó, người ta chúc Tết những bà mẹ theo tục Mồng Hai Tết mẹ. Ngoài ra, đối với những đàn ông chuẩn bị lập gia đình cũng cần phải đến nhà cha mẹ vợ tương lai để chúc Tết.
* Ngày mùng 3 Tết (tức ngày 31/01/2025 dương lịch):
Đây là ngày cúng cơm tại gia cuối cùng theo lệ cúng ít nhất đủ ba ngày Tết. Vào ngày Mồng 3, các học trò thường đến chúc Tết thầy/cô đã từng dạy mình theo tục Mồng Ba Tết thầy. Trong những ngày này, người ta thường về quê, hỏi thăm nhau về những điều đã làm trong năm cũ và chia sẻ những điều sẽ làm trong năm mới.
Ngoài ra, đối với những người Công giáo tại Việt Nam, vào ba ngày đầu năm họ thường tham dự thánh lễ ở nhà thờ và cầu nguyện cho từng ngày: mồng Một cầu bình an cho năm mới, mồng Hai cầu nguyện cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ có sức khoẻ tốt nếu họ còn sống và tưởng nhớ những người đã qua đời, mồng Ba cầu nguyện thánh hóa cho công việc và học tập trong năm mới được tốt đẹp.
Xem thêm: Mùng 1 Tết Mặc Màu Gì Để Cả Năm Thăng Tiến, May Mắn Đầy Nhà?
Xuất hành, hái lộc
Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên của năm mới, tục lệ này thường được thực hiện vào ngày tốt đầu tiên trong năm để đi tìm may mắn cho gia đình và bản thân. Trước khi xuất hành, người ta thường sẽ chọn ngày Hoàng đạo, giờ Hoàng đạo và hướng tốt hợp mệnh để mong gặp được may mắn, các quý thần, tài thần,…
Bên cạnh đó, vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc, nhiều người sẽ ra khỏi nhà xem hướng chiều gió thổi và có thể dự đoán năm mới hên hay xui chẳng hạn như:
- Gió Nam: Chỉ đại hạn
- Gió Tây Nam: Chỉ bệnh dịch tả
- Gió Tây: Chỉ cướp bóc loạn lạc
- Gió Bắc: Chỉ được mùa vừa phải
- Gió Tây Bắc: Chỉ được mùa đậu, đỗ
- Gió Đông: Chỉ có lụt lớn
Chúc Tết, mừng tuổi
Tục chúc Tết, mừng tuổi thường sẽ diễn ra vào mồng Một Tết, con cháu tụ họp tại gia thờ cúng Tổ Tiên và “chúc thọ” ông bà. Đồng thời, thăm viếng họ hàng cũng là để gắn kết tình cảm gia đình trong dòng họ. Bên cạnh đó, những người lớn thường sẽ mừng tuổi (hay còn gọi là lì xì) trẻ em một số tiền bỏ trong một bao giấy đỏ kèm theo những lời chúc tuổi mới ăn mau và chóng lớn.
Xem thêm: Tổng Hợp Câu Chúc Lễ Tết Hay Và Ý Nghĩa Nhất Năm
Một số hoạt động truyền thống ngày Tết
Dọn dẹp, trang trí
Dọn dẹp và trang trí nhà cửa trong dịp Tết là phong tục quan trọng của người Việt. Một số vật dụng để trang trí như: cây nêu, mâm ngũ quả,… . Cây nêu ở đây có thể là cây tre hoặc trúc, thường được dựng trước nhà và mang ý nghĩa xua đuổi tà ma và cầu mong bình an cho gia đình.
Mâm ngũ quả là mâm trái cây có khoảng năm thứ trái cây khác nhau, đại diện cho mong muốn về sự sung túc, đủ đầy trong năm mới và thường có trong ngày Tết Nguyên Đán của người Việt. Mỗi loại quả có ý nghĩa khác nhau, và cách bày mâm ngũ quả cũng khác biệt theo từng miền:
- Miền Bắc: Mâm ngũ quả sẽ bao gồm: chuối, đào, bưởi, hồng, quýt hoặc có thể thay thế bằng chuối, cam, lê-ki-ma, táo, mãng cầu. Hầu hết, người miền Bắc không có phong tục khắt khe về mâm ngũ quả và tất cả các loại quả đều có thể trưng bày được, miễn là có nhiều màu sắc.
- Miền Nam: Không quy định khắt khe những loại trái cây bắt buộc, có thể bao gồm các loại quả như: mãng cầu, dừa, sung, đu đủ, xoài với ngụ ý “cầu dừa sung đủ xài”. Ngoài ra, người miền Nam thường kiêng kỵ chưng trái có tên mang ý nghĩa xấu như: cam – cam chịu, lê – lê lết, sầu riêng, bom , lựu – lựu đạn,… và những trái có vị đắng.
Đi chợ sắm Tết
Vì những người bán hàng trong chợ hầu như sẽ nghỉ vào dịp Tết, do đó, người dân thường mua sẵn đồ dùng trong Tết cho đến khi chợ mở lại. Chợ Tết là những phiên chợ sẽ mở từ 25 tháng Chạp cho đến 30 tháng Chạp, thường bán các mặt hàng như lá dong, lá chuối để gói bánh chưng, gạo nếp, gà trống, hoa và các loại trái cây, … Vào những ngày này, các phiên chợ sẽ bán hầu như suốt đêm, kèm theo các phiên chợ hoa nhằm vui xuân.
Xem thêm: Gợi Ý 7749 Món Quà Tết Sang Trọng, Tinh Tế Cho Gia Đình, Đồng Nghiệp
Ẩm thực ngày Tết
Vào ngày Tết, mỗi miền sẽ có những món khác nhau, có một số món truyền thống như bánh chưng, bánh tét, bánh giầy, … là những món bánh đặc trưng cho phong tục truyền thống của nước ta. Ngoài ra, các gia đình từng vùng miền sẽ chuẩn bị những món ăn đặc trưng, cụ thể như:
- Miền Nam: Thường có thêm món thịt kho nước dừa và nồi khổ qua, nem bì, dưa giá, củ kiệu ngâm, … để ăn trong mấy ngày Tết.
- Miền Bắc: Có thêm cơm rượu, dưa hành, thịt đông,… trong mâm cơm ngày lễ Tết.
- Miền Trung: Có dưa món, chả thủ, thịt chua và tai heo, người Huế có thêm món me ngâm đường.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình cũng chuẩn bị các loại bánh kẹo, mứt Tết, trái cây, rượu ngâm,… để dọn ra đãi khách khi đến thăm nhà.
Lời kết
Bài viết trên đã giải đáp thắc mắc Còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2025. Mogi.vn hy vọng rằng những thông tin này sẽ mang lại giá trị hữu ích cho bạn. Ngoài ra, đừng quên truy cập vào website Mogi.vn thường xuyên để theo dõi thêm nhiều thông tin thú vị về phong thủy, nhà đất, hay mẹo vặt cuộc sống,… bạn nhé!
Nguồn: Báo lao động, Wikipedia
Có thể bạn quan tâm:
- Cách xông nhà đơn giản giúp hóa giải xui xẻo, tẩy uế, trừ tà
- Cách Đốt Phong Lông Giải Vận Xui Cực Đơn Giản Mà Hiệu Quả
- Nhà Có Tang Nên Kiêng Gì Vào Ngày Tết? Những Điều Cần Kiêng Kỵ Trong Ngày Đầu Năm