Phố cổ Hội An nổi tiếng là nơi lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và lịch sử hàng trăm năm thông qua những ngôi nhà cổ kính, các con phố yên bình. Không chỉ vậy, Hội An còn làm say lòng du khách với đa dạng món ăn đặc sản cùng nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian đặc sắc. Nếu bạn muốn hiểu thêm về điểm đến vừa thơ mộng vừa đậm chất riêng này, hãy theo dõi bài viết sau đây của Mogi.vn nhé.
Vài nét về Phố cổ Hội An
Hội An là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng thu hút du khách cả trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp cổ kính, yên bình. Nếu bạn đang có kế hoạch đến du lịch Hội An thì bên dưới đây sẽ là những thông tin cần thiết dành cho bạn.
Vị trí
Phố cổ Hội An là một khu vực nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc địa phận thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 30km về phía Tây Nam và cách thành phố Tam Kỳ khoảng 50km về phía Đông Bắc. Vị trí thuận lợi giúp bạn dễ dàng kết hợp tham quan Hội An cùng với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác trong khu vực miền Trung.
Thời điểm đẹp nhất để tham quan Phố cổ Hội An
Thời gian lý tưởng nhất để du lịch Hội An là từ tháng 1 đến tháng 3 hàng năm, khi thời tiết mát mẻ, dễ chịu, ít mưa và nắng cũng không quá gắt. Điều này sẽ giúp cho du khách thuận tiện trải nghiệm tham quan Hội An cũng như dễ dàng có được những bức ảnh check-in đẹp mắt.
Ngoài ra, từ tháng 4 đến tháng 7 cũng là khoảng thời gian mà bạn có thể cân nhắc. Vào lúc này, thời tiết thường khá đẹp nhưng đôi lúc có nắng gắt vào buổi sáng. Còn nếu bạn chọn đến Hội An vào những tháng khác, hãy nhớ theo dõi thời tiết để chuẩn bị kỹ lưỡng cho chuyến đi nhé.
Xem thêm: Chùa Linh Ứng Đà Nẵng – Chốn tâm linh hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ
Hướng dẫn di chuyển đến Phố cổ Hội An
Có nhiều phương tiện để bạn di chuyển đến Hội An như máy bay, tàu hỏa, xe khách hay phương tiện cá nhân.
- Máy bay: Cách đến Hội An nhanh nhất chính là đi máy bay đến sân bay Đà Nẵng (cách khu Phố cổ khoảng 30km). Ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã có nhiều hãng hàng không khai thác đường bay này với thời gian bay khoảng 85 phút.
- Tàu hỏa: Bạn có thể chọn đi tàu hỏa đến ga Đà Nẵng. Nếu khởi hành từ Hà Nội hoặc TP.HCM thì thời gian di chuyển sẽ khoảng 16 – 18 tiếng. Giá vé dao động từ 400.000 đến 1.500.000 VNĐ/ghế, tùy vào loại tàu và hạng ghế.
- Xe khách: Bạn có thể chọn di chuyển bằng xe khách từ các nhà xe uy tín. Tuy nhiên, nếu xuất phát từ Hà Nội hoặc TP.HCM, thời gian di chuyển sẽ kéo dài khoảng 15 – 20 tiếng với giá vé từ 550.000 đến 700.000 VNĐ mỗi chiều.
Sau khi đến được Đà Nẵng, bạn có thể lựa chọn thuê xe máy tự lái hoặc đi xe buýt, xe ôm, taxi,… để đi tiếp đến Hội An. Trong đó, giá thuê xe máy dao động từ 120.000 – 150.000 VNĐ/ngày, còn giá vé xe buýt nằm trong khoảng từ 18.000 – 30.000 VNĐ/chiều.
Xem thêm: Malibu Hội An – Chốn nghỉ dưỡng phồn hoa liền kề phố cổ
Lịch sử và ý nghĩa của tên gọi Hội An
Tiếp theo, hãy cùng Mogi.vn tìm hiểu đôi nét về lịch sử hình thành cũng như ý nghĩa tên gọi của Phố cổ Hội An nhé.
Lịch sử
Phố cổ Hội An được hình thành vào nửa cuối thế kỷ XVI, dưới thời nhà Hậu Lê. Năm 1527, Mạc Đăng Dung lật đổ nhà Lê và bắt đầu thời kỳ cai trị của nhà Mạc nhưng khu vực Hội An không được quá chú trọng phát triển.
Đến sau năm 1570, Nguyễn Hoàng cùng con trai Nguyễn Phúc Nguyên đã nắm quyền kiểm soát Quảng Nam, tập trung phát triển kinh tế và xây dựng thành lũy. Từ đó, Hội An dần trở thành một trong những trung tâm thương cảng hàng đầu, nơi giao thương nhộn nhịp giữa Trung Quốc, Nhật Bản và các nước phương Tây.
Đến thời nhà Nguyễn, chính sách đóng cửa đã khiến cảng Hội An suy thoái, dần rơi vào quên lãng cho đến những năm 1980. Năm 1999, Phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đánh dấu sự hồi sinh mạnh mẽ. Từ đó, nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút du khách bởi vẻ đẹp lịch sử được bảo tồn qua nhiều năm tháng.
Ý nghĩa
Hội An xưa kia từng được gọi là Hoài Phố, do vị trí nằm bên bờ sông Hoài, một nhánh của sông Thu Bồn. Và khi các thương nhân Bồ Đào Nha đến đây buôn bán vào thế kỷ 16, họ đã nói trại đi thành “FaiFo”. Từ thế kỷ 17, FaiFo trở thành trung tâm thương mại sầm uất và ngày càng có nhiều thương nhân từ các nước đến đây mua bán, đồng thời tiếp tục sử dụng tên gọi FaiFo.
Còn về “Hội An”, chỉ biết rằng tên gọi này đã xuất hiện vào thế kỷ 17 và dần thay thế cho “FaiFo”, nhưng nguồn gốc cũng như ý nghĩa cụ thể thì vẫn còn nhiều giả thuyết chưa được làm rõ.
Xem thêm: Bảo tàng lịch sử Việt Nam – Nơi lưu giữ những minh chứng hào hùng
Khám phá các địa điểm du lịch tại Phố cổ Hội An
Khi đến với Hội An, bạn nhất định không nên bỏ qua những địa điểm nổi tiếng và hấp dẫn sau đây!
Các tòa nhà cổ mang đậm kiến trúc xưa cũ, độc đáo
Các tòa nhà cổ được xem như biểu tượng đặc trưng khi nhắc đến Hội An. Hãy cùng điểm qua một số công trình nhà cổ tiêu biểu mang đậm dấu ấn thời gian mà bạn nên ghé thăm khi đến đây.
- Nhà cổ Phùng Hưng: Đây là ngôi nhà của một thương gia giàu có bậc nhất khu vực Hội An vào thời kỳ hoàng kim – những năm 1780. Ngôi nhà được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ lim quý, mang đậm kiến trúc truyền thống và phản ánh cuộc sống thịnh vượng của chủ nhân thời đó. Ngày xưa, nơi đây từng là một hiệu buôn chuyên cung cấp các mặt hàng lâm thổ sản như muối, tiêu, tơ lụa, sứ và thủy tinh,…
- Nhà cổ Tấn Ký: Nhà cổ Tấn Ký là sự giao thoa hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản, được thể hiện qua các họa tiết chạm khắc tinh xảo trên cột và bàn ghế. Ngoài ra, điểm đặc biệt của ngôi nhà này còn nằm ở việc nhà không có cửa sổ, ánh sáng tự nhiên được chiếu vào qua các mảnh sân và mái hiên.
- Nhà cổ Đức An: Nhà cổ Đức An được xây dựng nào năm 1830 dưới triều vua Minh Mạng. Đây là một ngôi nhà đậm chất phương Đông, nổi bật với việc sử dụng gỗ kiềng kiềng, loại gỗ đặc trưng của vùng Quảng Nam. Bên trong, căn nhà vẫn còn lưu giữ nhiều đồ đạc gợi nhớ về một thời xa xưa, đặc biệt là biển hiệu “Đức An” mang ý nghĩa “giữ gìn đạo đức để bình an”.
Xem thêm: Lịch Sử Nhà Cổ Tấn Ký – Bảo Tàng Sống Hơn 200 Năm Tuổi Ở Hội An
Hội quán cổ kính nổi tiếng trong khu phố cổ Hội An
Bên cạnh các ngôi nhà cổ thì hội quán cũng là một phần không thể thiếu tại Phố cổ Hội An với một số cái tên tiêu biểu như sau.
- Hội quán Quảng Đông: Được xây dựng bởi một hội thương nhân Quảng Đông Trung Quốc nên hội quán mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa với sự kết hợp tinh tế giữa chất liệu gỗ và đá cùng những họa tiết long, lân chạm khắc tinh xảo. Ngoài tên gọi hội quán Quảng Đông, nơi đây còn được biết đến với tên gọi quán Quảng Triệu hay chùa Ông, vì bên trong thờ Quan Công.
- Hội quán Triều Châu: Hội quán Triều Châu, còn được gọi là chùa Ông Bổn, nổi bật với lối kiến trúc cầu kỳ với những họa tiết trang trí dựa theo truyền thuyết dân gian được đắp nổi bằng sành sứ. Tính đến nay, công trình đã tồn tại hơn 170 năm và ghi dấu nhiều thăng trầm của lịch sử.
- Hội quán Phúc Kiến: Nơi đây được đánh giá là hội quán lớn và đẹp nhất trong khu vực Phố cổ Hội An. Hội quán không chỉ là nơi để cộng đồng người Phúc Kiến hội họp mà còn là nơi thờ bà Thiên Hậu Thánh Mẫu cùng các vị thần khác. Do đó, bạn có thể đến đây thắp hương cầu mong sức khỏe và tài lộc.
Xem thêm: Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Gợi ý lịch trình khám phá trọn vẹn trong ngày
Nhà thờ tộc Trần
Nằm tại địa chỉ 21 Lê Lợi, nhà thờ tộc Trần, được xây dựng vào năm 1802 bởi vị quan liêm chính Trần Tứ Nhạc. Ngôi nhà có diện tích lên đến 1.500m² và là nơi thờ cúng tổ tiên của tộc Trần. Được bảo tồn qua hơn 200 năm, công trình vẫn giữ được nhiều đường nét thiết kế độc đáo đậm chất Trung Hoa cùng với khu vườn rộng xanh tươi, tạo nên một không gian vừa cổ kính vừa dịu mát.
Chùa Cầu
Nằm trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Chùa Cầu (còn được gọi là Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều) được xem là điểm nhấn của du lịch Hội An bởi phần lớn du khách đến đây đều muốn chụp ảnh cùng công trình này. Chùa Cầu được xây dựng vào thế kỷ 17 nhờ sự đóng góp của các thương nhân Nhật Bản. Chùa gắn liền với truyền thuyết về con quái vật Namazu, nó có phần đầu ở Ấn Độ, thân ở Việt Nam và đuôi tại Nhật Bản. Chùa Cầu được xây dựng lên như một cách trấn yểm ngang lưng quái vật, giúp ba quốc gia luôn được bình an và phát triển.
Xem thêm: Chùa Cầu Hội An – Vẻ đẹp trăm tuổi nơi Phố Cổ
Chợ Hội An
Thêm một điểm đến không thể bỏ qua khi bạn ghé thăm phố cổ, đó chính là chợ Hội An. Đây là nơi du khách có thể tìm hiểu đời sống văn hóa địa phương, mua sắm và thưởng thức đa dạng các đặc sản. Ngoài ra, chợ còn là nơi lý tưởng để chụp những bức hình đẹp làm kỷ niệm bởi vì nơi đây được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp rất khác biệt so với nhiều khu chợ ở Việt Nam.
Sông Hoài
Sông Hoài, một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn, chảy dọc theo những ngôi nhà mái ngói cổ kính đã trở thành hình ảnh quá đỗi quen thuộc khi nhắc về phố cổ Hội An. Khi đến đây du lịch, du khách nên một lần trải nghiệm ngồi thuyền tham quan trên sông, đặc biệt thuyền được chèo tay nên rất yên ả, phù hợp để cảm nhận Hội An hiền hòa. Giá vé dao động từ 30.000 VNĐ đến 100.000 VNĐ/lượt tùy theo số lượng khách.
Bên cạnh đó, vào ngày rằm hàng tháng, du khách còn có cơ hội thả đèn hoa đăng trên sông Hoài để bày tỏ ước nguyện của mình. Khung cảnh những bông hoa đăng lung linh trôi nhẹ nhàng trên mặt sông tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.
Xem thêm: Núi Bà Đen ở đâu? Kinh nghiệm du lịch và trải nghiệm núi Bà Đen
Xưởng thủ công mỹ nghệ
Ở Phố cổ Hội An, hiện vẫn còn gìn giữ và phát triển nhiều làng nghề truyền thống gồm mộc, gốm, lụa, chiếu, đúc đồng, mây tre,… Những sản phẩm tinh xảo được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân không chỉ đẹp mắt mà còn ẩn chứa ý nghĩa sâu sắc, đã trở thành niềm tự hào của người dân Hội An. Khi du lịch, bạn có thể ghé qua xưởng thủ công để ngắm nhìn các thành phẩm độc đáo và mua về làm quà lưu niệm.
Lưu ý khi tham quan Phố cổ Hội An
Để chuyến du lịch đến Phố cổ Hội An của bạn được suôn sẻ và trọn vẹn, hãy “bỏ túi” một vài lưu ý sau đây.
- Mua vé tham quan tại quầy để vào khu vực Phố cổ: Với giá 120.000 đồng/vé cho khách quốc tế và 80.000 đồng/vé cho khách nội địa.
- Lựa chọn trang phục lịch sự, không quá hở hang: Vì Hội An là một di sản văn hóa thế giới nổi bật với nhiều công trình cổ kính, đặc biệt là chùa chiền và hội quán nên mặc trang phục kín đáo sẽ tiện cho việc tham quan, đồng thời tránh gây ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa nơi đây.
Xem thêm: Kinh Nghiệm Cần Biết Khi Tham Quan Tháp Bà Ponagar Nha Trang
- Không đi xe máy vào Phố cổ: Đường phố tại Hội An khá nhỏ, thế nên để tránh tình trạng ùn tắc và bảo vệ bầu không khí yên bình vốn có tại Hội An, việc di chuyển bằng xe máy trong phố cổ thường được hạn chế, thậm chí bị cấm trong một số khung giờ nhất định.
- Cảm nhận Hội An một cách chậm rãi, yên bình: Khi đến Hội An, hãy tận hưởng nhịp sống chậm rãi ở nơi đây thay vì vội vã tham quan hết điểm này đến điểm khác. Việc “nhập gia tùy tục” sẽ giúp bạn có những trải nghiệm thú vị và được thư giãn thật sự khi du lịch Hội An.
Những điểm đến nổi bật gần khu vực Phố cổ Hội An
Bên cạnh những dãy phố cổ đặc trưng tại Hội An, hãy cùng Mogi.vn khám phá thêm một số điểm đến nổi bật khác xung quanh để có những trải nghiệm mới mẻ nhé.
Làng lụa Hội An
Địa chỉ: Số nhà 28 Nguyễn Tất Thành, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Đây là một trong số ít những nơi còn lưu giữ công thức dệt lụa thủ công từ thời Chăm Pa – Đại Việt, đồng thời còn sở hữu nguồn gen quý về dâu tằm. Khi đến tham quan, du khách sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất lụa từ việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ đến dệt lụa. Ngoài ra, ở đây còn có nhiều tiện ích như nhà hàng, khách sạn và phòng trưng bày để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi và mua sắm của du khách.
Rừng dừa Bảy Mẫu
Địa chỉ: Tổ 2, thôn Cần Nhân, xã Cẩm Thanh, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam
Rừng dừa Bảy Mẫu, còn được gọi là rừng dừa Cẩm Thanh, cách trung tâm Hội An khoảng 3km, là một khu du lịch sinh thái nổi tiếng với nhiều hoạt động thú vị. Tại đây, du khách có thể ngồi thuyền thúng tham quan giữa rừng dừa xanh mướt, tận hưởng không gian yên bình, trải nghiệm múa thúng, cũng như thưởng thức đa dạng đặc sản địa phương thơm ngon,…
Xem thêm: Khám Phá Điểm Du Lịch Hot Hit Bãi Biển Hồ Cốc Chi Tiết
Biển An Bàng
Địa chỉ: Phường Cẩm An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam
Cách trung tâm phố cổ Hội An chỉ 3km về phía Đông, biển An Bàng nổi bật với làn nước trong xanh cùng bãi cát trắng mịn. Tại đây, du khách có thể thả mình tận hưởng làn gió biển mát lành và tạm quên đi sự ồn ào của phố thị. Bên cạnh đó, du khách còn có thể tham gia nhiều hoạt động vui chơi như lái cano, lướt ván, chơi dù lượn,… khi đến đây.
Lời kết
Hy vọng qua những thông tin trong bài viết, bạn đã có thêm hiểu biết về Phố cổ Hội An, bao gồm vị trí, cách di chuyển và những địa điểm tham quan nổi bật. Để khám phá thêm nhiều điểm đến du lịch thú vị khác, hãy thường xuyên cập nhật các bài viết khác trong chuyên mục “Review” của Mogi.vn nhé.
Nguồn tham khảo: Wikipedia, tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
- Danh Sách Các Tỉnh Miền Trung Việt Nam Và Bản Đồ Chi Tiết Nhất
- Bật Mí 20+ Địa Điểm Du Lịch Sapa Nức Tiếng, Được Giới Trẻ Yêu Thích
- Review Đảo Hòn Tằm: Điểm Ăn Chơi Và Checkin Hot Nhất