Chắc chắn mọi người đã từng nghe đến gỗ công nghiệp nhưng không hẳn đã nắm được gỗ MFC là gì cũng như những ưu – nhược điểm của gỗ MFC. Ngoài ra việc so sánh gỗ MFC và gỗ MDF cũng có có giúp tìm ra vật liệu phù hợp nhất với nhu cầu. Cùng Mogi tìm hiểu ngay gỗ công nghiệp MFC là gì bằng bài viết ngay sau đây.
Gỗ MFC là gì?
Gỗ MFC (tên đầy đủ là Melamine Faced Chipboard) là một loại gỗ công nghiệp, đây là loại gỗ được sử dụng rất nhiều hiện nay trong lĩnh vực thi công và sản xuất sản phẩm nội thất hiện đại. Để làm nên gỗ MFC người ta thường dùng ván gỗ ép hoặc ván gỗ dăm (OSB, PB, WB), sau khi làm cốt gỗ sẽ phủ lớp nhựa Melamine.
Đặc điểm gỗ MFC là gì?
Ưu điểm
Một số ưu điểm nổi bật của gỗ MFC có thể kể đến như:
- Bề mặt gỗ khá bền nên tăng khả năng chống trầy và chống cháy.
- Giá thành rẻ hơn so với các loại gỗ MDF, Veneer khoảng 60%.
- Màu sắc đẹp và đồng nhất.
- Thời gian thi công nhanh nên sẽ phù hợp với các dự án gấp (không cần bước sơn phủ hoàn thiện).
- Lõi gỗ dăm đặc nên khi đóng đinh, ốc sẽ tạo độ bám rất chắc chắn, và được đánh giá là bền hơn gỗ MDF.
- Màu sắc bề mặt Melamine vô cùng đa dạng, khách hàng có thể thoải mái lựa chọn tông màu.
Nhược điểm
Bên cạnh ưu điểm thì gỗ MFC cũng tồn tại một số nhược điểm như:
• Do cạnh được hoàn thiện bằng chỉ PVC nên sẽ có độ liền mạch không được cao.
• Các chỉ PVC thường có bề rộng chỉ khoảng 28mm nên gỗ MFC có độ dày của mặt bàn không cao.
• Bề mặt của gỗ MFC nhìn không được tự nhiên (trừ một số màu mới giống Veneer)
>>>Tham khảo thêm: Gỗ Chò Chỉ Là Gì? Tất Tần Tật Từ A – Z Về Công Dụng Và Đặc Điểm Của Gỗ Chò Chỉ
Cấu tạo gỗ MFC
Cầu tạo của gỗ MFC có 2 phần: phần lõi ép và lớp phủ melamine
Phần lõi ép (Particle Board) hay còn gọi là ván dăm: Nghiền nhỏ những loại cây gỗ ngắn ngày (keo, bạch đàn,… ) rồi trộn với keo chuyên dụng sau đó ép cứng tạo hình thì sẽ hình thành nên phần lõi ép. Phần lõi ép này phải được nghiền từ gỗ thật và lõi gỗ cũng phải trải qua nhiều công đoạn xử lý cùng quy trình kiểm tra nghiêm ngặt thì mới ra được một tấm ván ép thành phẩm. Phần lõi ép có khả năng chống mối mọt và ẩm mốc rất tốt, điều này phù hợp với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam.
Lớp phủ Melamine: Đây là lớp phủ được tổng hợp gồm 3 lớp in hoa văn vân gỗ, lớp Melamine và ngoài cùng là giấy in nên sẽ rất đa dạng về màu sắc và hình dạng. Gỗ MFC được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực nội thất nên có bảng màu có tới hơn 80 màu, do đó đáp ứng được hầu như mọi nhu cầu của khách hàng.
>>>Tham khảo thêm: Gỗ Sồi Có Tốt Không? Ưu – Nhược Điểm Cần Lưu Ý Khi Sử Dụng Gỗ Sồi
Quy trình sản xuất gỗ MFC
Gỗ MFC là một loại vật liệu công nghiệp phổ biến trong thiết kế nội thất, cùng Mogi tìm hiểu quy trình để tạo nên một tấm ván MFC hoàn chỉnh ngay sau đây:
Bước 1: Sản xuất ván dăm
Ván dăm hay gỗ dăm chính là cốt gỗ của ván MFC, và đây cũng là nguyên liệu chính và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng ván. Chính vì vậy công đoạn sản xuất ván dăm là bước vô cùng quan trọng và cần được kiểm tra kỹ lưỡng các thông số kỹ thuật.
Nguyên liệu thô (bao gỗ keo, bạch đàn…) sẽ được đưa vào máy nghiền chuyên dụng thành các dăm nhỏ với kích thước khác nhau. Sau đó chúng được đem đi sấy ở nhiệt độ quy định, tiếp tục được sàng lọc theo kích thước rồi mới mang đi trộn đều với các chất kết dính cộng với các chất phụ gia khác.
Bước 2: Tạo hình ván dăm
Hỗn hợp bao gồm dăm gỗ và chất kết dính sẽ được tạo hình dựa vào các thông số về độ dày cũng như mật độ theo đúng tiêu chuẩn quy định. Sau đó chúng được đưa vào ép sơ bộ, tiếp theo là ép nóng dưới điều kiện nhiệt độ và áp suất cao. Công đoạn tiếp theo là xén bỏ các phần lỗi ở các cạnh, còn bề mặt tấm ván cũng sẽ được mài nhẵn. Cuối cùng là đem ván đi kiểm định chất lượng trước khi được ép bề mặt trang trí Melamine lên phía trên cùng.
Bước 3. Ép bề mặt và trang trí Melamine
Khi tấm ván dăm được hoàn thiện, một lớp giấy trang trí melamine sẽ được phủ lên trên để bảo vệ cốt gỗ và tạo tính thẩm mỹ cho tấm ván. Công đoạn này hoàn thành cũng đồng nghĩa với việc ra đời những tấm ván MFC thành phẩm.
>>>Tham khảo thêm: Veneer Là Gì? Bật Mí Phân Loại, Ứng Dụng & Giá Thành Mới Nhất
Phân biệt gỗ MFC và gỗ MDF
Gỗ MFC và gỗ MDF tuy có những điểm khác biệt nhưng chúng đều được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực thiết kế đồ nội thất. Cả 2 loại gỗ này đều có chất lượng ổn định, mẫu mã đa dạng cũng như mức giá hợp lý vô cùng hợp lý. Chính vì vậy, còn tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng mà có thể đưa ra lựa chọn chất liệu gỗ phù hợp nhất.
Về cơ bản thì để phân biệt được gỗ MFC và MDF thì người ta sẽ dựa trên một số yếu tố sau: chất liệu, độ dày, giá thành cũng như ứng dụng của 2 loại gỗ MDF và MFC là gì?
Cùng tìm hiểu sự khác nhau giữa ván MDF và ván MFC là gì – sau đây là bảng so sánh chất liệu, độ dầy, giá thành cũng như ứng dụng của 2 loại gỗ:
So sánh | Gỗ MFC | Gỗ MDF |
Chất Liệu | Chất liệu gồm: cây keo, bạch đàn được băm nhỏ tạo thành các dăm gỗ, sấy khô rồi trộn với chất kết dính, sau đó được nén dưới nhiệt độ và áp suất cao. | Chất liệu gồm: mảnh vụn, nhánh cây, vỏ bào, mùn cưa… được nghiền nát thành bột sau đó được kết dính bằng keo và sấy khô. |
Độ dày | Có độ dày từ 18 – 25mm | Có độ dày từ 5,5 – 17mm |
Giá thành | Thấp hơn MDF | Cao hơn MFC |
Ứng dụng | Được ứng dụng trong thiết kế những mẫu nội thất mang phong cách đơn giản theo khối phẳng và thẳng: tủ tài liệu, bàn ghế, vách ngăn…, giường tủ quần áo… | Được ứng dụng trong thiết kế những mầu nội thất có thiết kế phức tạp và nhiều chi tiết: giường tủ, vách ngăn cầu kỳ họa tiết, bàn giám đốc hoặc làm vách ngăn những nơi có độ ẩm cao như nhà bếp, nhà vệ sinh |
>>>Tham khảo thêm: Pallet Là Gì? Ứng Dụng Pallet Trong Vận Chuyển Hàng Hóa
Phân loại gỗ MFC
Thông thường gỗ MFC sẽ có 3 loại phổ biến nhất là MFC thường, MFC chống ẩm và loại phối màu trang trí Melamine, tìm hiểu cụ thể 3 loại ngay sau đây:
Gỗ MFC thường
Loại gỗ MFC thường là loại sử dụng ván dăm thường sau đó ép Melamine và có màu vàng nâu tự nhiên của gỗ. Tuy nhiên loại này có độ cứng và độ giòn khá cao, khả năng chịu nước kém do đó thường được ứng dụng trong việc thiết kế đồ nội thất văn phòng.
Gỗ MFC chống ẩm
Để gỗ MFC có khả năng chống ẩm tốt thì nhà sản xuất sẽ thêm vào bề mặt Melamine loại keo UF (hay còn gọi là keo MUF – Urea Formaldehyde biến tính bằng Melamine). Và như vậy loại ván MFC chống ẩm được hình thành, lưu ý là lõi ván sẽ được nhuộm màu xanh để giúp khách hàng dễ dàng nhận biết và phân biệt với những loại ván khác. Ván MFC chống ẩm thường được ứng dụng vào việc thiết các sản phẩm trong gia đình.
Gỗ MFC phối màu trang trí Melamine
Ngoài hai loại gỗ MFC thường và chống ẩm đã trình bày ở trên thì còn có loại ván kết hợp 2 màu sắc trang trí rất đẹp mắt. Khi ra tấm ván thành phẩm, khách hàng sẽ rất khó để phân biệt rạch ròi đường nối giữa 2 màu sắc của chúng. Loại gỗ MFC phối màu này khi được ứng dụng vào thiết kế nội thất sẽ cho ra những sản phẩm vô cùng nổi bật và ấn tượng. Khách hàng sẽ thực sự hài lòng bởi chúng sẽ giúp tô điểm không gian sống trong căn nhà của bạn thêm phần lịch sự mà vẫn hiện đại và mang tính ứng dụng cao.
Kích thước gỗ MFC
Gỗ MFC có kích thước chuẩn
Các loại cốt gỗ MFC đúng theo tiêu chuẩn tại Việt Nam về kích thước và độ dầy phổ biến như sau:
- Size nhỏ: 1220 x 2440 x (9-50) – đơn vị: mm.
- Size trung: 1530 x 2440 x (18/25/30) – đơn vị: mm.
- Size lớn: 1830 x 2440 x (12/18/25/30) – đơn vị: mm.
Gỗ MFC có kích thước vượt khổ
Thông thường, gỗ MFC sẽ được sản xuất theo kích thước chuẩn, tuy nhiên để phục vụ đa dạng hơn cho các ý tưởng thiết kế nội thất thì vẫn có thêm các sản phẩm gỗ MFC kích thước vượt khổ. Loại kích thước lớn có thể lên đến 1220 x 2745 x (18/25) – đơn vị: mm.
Cách bảo quản gỗ MFC
Để giúp cho đồ gỗ nội thất MFC luôn giữ được độ bền và tính thẩm mỹ cao, khách hàng cần lưu ý một số hướng dẫn bảo quản sau:
- Định kì lau sạch bụi bẩn trên bề mặt, tránh để bụi đóng quá dày sẽ khó vệ sinh cũng như sinh ra nhiều ổ vi khuẩn làm tăng độ ẩm gây mối mọt cho nội thất.
- Đánh bóng đồ nội thất gỗ MFC khoảng 3-4 lần/năm.
- Sử dụng các sản phẩm vệ sinh chuyên dụng để làm sạch bề mặt, tránh gầy xước xác trên bề mặt nội thất.
- Không để sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
Những thông tin ở trên đã chia sẻ với bạn đọc về chủ đề gỗ MFC là gì cũng như giới thiệu ứng dụng của gỗ MFC trong đời sống. Hy vọng sau khi nắm được MFC là gì, bạn đã có thêm những kiến thức liên quan đến vật liệu nội thất để dễ dàng có lựa chọn phù hợp nhất. Nếu bạn cũng đang tìm cho mình một sản phẩm bất động sản, đừng quên tham khảo ngay chuyên mục nhà đất tại Mogi.vn nhé!
>>>Có thể bạn quan tâm: Melamine Là Gì? Có Nên Sử Dụng Không? Cập Nhật Thông Tin Mới Nhất
Nguyễn Trà My