Chùa Cầu Hội An, cây cầu cổ kính, yên bình bắc qua dòng kênh nhỏ trong lòng Phố Cổ. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo, chứa đựng nhiều câu chuyện lịch sử hấp dẫn. Trải qua hàng trăm năm, cây cầu này vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ xưa, sầm uất của một cảng thị từ thế kỷ 16-19. Hãy cùng Mogi.vn tìm hiểu về vẻ đẹp và giá trị văn hóa độc đáo của Chùa Cầu khi đến thăm Hội An.
Vài nét về chùa Cầu Hội An
Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, Chùa Cầu đã trở thành một điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách khi ghé thăm Hội An. Hãy cùng tìm hiểu đôi nét về địa danh nổi tiếng này để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của cây cầu này.
Chùa Cầu Hội An ở đâu?
Chùa Cầu Hội An nằm ở đầu đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Minh Khai, ngay trong lòng Phố Cổ Hội An. Cây cầu này do người Nhật xây dựng nên còn được gọi là cầu Nhật Bản hay Lai Kiều Viễn. Tuy nhiên, tên gọi Chùa Cầu vẫn được sử dụng phổ biến hơn cả, bởi kiến trúc của nó mang hình dáng một ngôi chùa. Đây là điểm tham quan thu hút nhiều du khách đến chiêm ngưỡng và cúng viếng. Năm 1990, Chùa Cầu đã được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia.
Lịch sử chùa Cầu Hội An
Chùa Cầu Hội An được xây dựng vào khoảng năm 1593 bởi cộng đồng người Nhật Bản sống tại Hội An. Ban đầu, cầu được gọi là cầu Nhật Bản và được xây dựng để nối liền khu phố Nhật với khu phố Trung Hoa.
Theo truyền thuyết, cây cầu này còn được xem như biểu tượng để “trấn yêu” quái vật Mamazu, ngăn ngừa thiên tai. Trải qua hơn 400 năm, Chùa Cầu đã nhiều lần được tu sửa, trong đó đáng chú ý là việc chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây miếu trên cầu vào năm 1719 và đặt tên là Chùa Cầu.
Vào các năm 1817, 1865, 1915 và 1986, ngôi chùa được trùng tu và dần mất đi các yếu tố Nhật Bản, thay bằng kiến trúc mang phong cách Việt, Trung. Năm 1990, Chùa Cầu đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Đây là chiếc cầu gỗ được xếp vào loại hiếm, có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.
Xem thêm: Phố cổ Hội An – Nét đẹp cổ xưa của làng quê Việt Nam
Ý nghĩa lịch sử của chùa Cầu trong văn hóa Hội An
Trải qua hàng trăm năm, Chùa Cầu trở thành biểu tượng không thể thiếu khi nhắc đến phố cổ Hội An. Đây không chỉ là một công trình kiến trúc đẹp mà còn là minh chứng cho lịch sử giao thương sầm uất của Hội An trong quá khứ. Chùa Cầu là biểu tượng của sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản, minh chứng cho mối quan hệ thương mại thịnh vượng giữa hai quốc gia từ thế kỷ 16.
Đồng thời, Chùa Cầu còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc đối với người dân Hội An. Họ tin rằng cây cầu có khả năng trấn yểm, bảo vệ thành phố khỏi thiên tai và mang lại bình an, thịnh vượng. Vào các dịp lễ Tết hay ngày Rằm, nhiều người vẫn đến Chùa Cầu thắp hương, cầu nguyện cho may mắn và sự bình an cho gia đình.
Xem thêm: Lịch Sử Nhà Cổ Tấn Ký – Bảo Tàng Sống Hơn 200 Năm Tuổi Ở Hội An
Chùa Cầu – Biểu tượng Hội An có gì độc đáo?
Với kiến trúc khác biệt và câu chuyện gắn liền với quá khứ, Chùa Cầu luôn thu hút sự tò mò của du khách. Vậy điều gì đã làm nên nét độc đáo của Chùa Cầu, khiến nơi đây trở thành điểm đến không thể bỏ lỡ khi ghé thăm Phố Cổ Hội An?
Kiến trúc chùa Cầu Hội An mang đậm phong cách Nhật Bản
Chùa Cầu Hội An mang đậm phong cách kiến trúc Nhật Bản với cấu trúc bằng gỗ trên những trụ cầu bằng gạch đá, dài khoảng 18m và có mái che. Mái chùa được lợp ngói âm dương, phía trên cửa chính có tấm biển lớn khắc 3 chữ Hán: “Lai Viễn Kiều”. Toàn bộ chùa và cầu được làm bằng gỗ, sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh xảo.
Đặc biệt, hai đầu cầu có tượng thần khỉ và thần chó bằng gỗ, là những vị thần trong truyền thuyết Nhật Bản, được cho là bảo vệ cây cầu. Nhìn từ xa, Chùa Cầu với đường cong mái mềm mại như cầu vồng, tạo nên vẻ đẹp vừa cổ kính vừa hài hòa với cảnh sắc xung quanh.
Chùa Cầu Hội An không thờ Phật như các ngôi chùa khác
Mặc dù được gọi là Chùa Cầu, nhưng tại đây không thờ Phật như nhiều ngôi chùa khác. Thay vào đó, Chùa Cầu thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ, vị thần bảo hộ xứ sở, có khả năng đẩy lùi phong ba, lũ lụt và mang lại bình an cho con người. Chính vì vậy, hàng năm, không chỉ người dân Hội An mà còn nhiều du khách cũng đến đây để du lịch mà còn để cầu phúc cầu an.
Hình ảnh chùa Cầu Hội An được in trên tờ tiền Việt Nam
Hình ảnh Chùa Cầu Hội An được in trên mặt sau tờ tiền 20.000 đồng bằng giấy nhựa polymer, phát hành vào năm 2006 và vẫn được lưu hành đến hiện tại. Nó nhắc nhở người dân và du khách về sự phong phú của di sản văn hóa Việt Nam, đồng thời khẳng định vị trí đặc biệt của Hội An trong lòng người Việt. Việc in hình ảnh Chùa Cầu trên tiền còn thể hiện lòng tự hào về di sản kiến trúc độc đáo, góp phần quảng bá du lịch và văn hóa Hội An ra thế giới.
Những lưu ý khi đi chùa Cầu Hội An
Để chuyến tham quan chùa Cầu Hội An thật thuận tiện và trọn vẹn, bạn nên ghi nhớ những lưu ý hữu ích sau:
- Chùa Cầu Hội An yêu cầu du khách mua vé để tham quan. Giá vé cho người Việt Nam là 80.000 VNĐ/người, trong khi khách nước ngoài là 150.000 VNĐ/người. Lưu ý rằng giá vé này bao gồm quyền tham quan 21 điểm tại phố cổ, trong đó có chùa Cầu. Thời điểm lý tưởng để tham quan là khoảng 9h sáng hoặc từ 2h đến 3h chiều, khi lượng khách không quá đông.
- Chùa Cầu là một địa điểm tâm linh, vì vậy bạn cần thể hiện sự tôn trọng khi đến đây. Hãy đi nhẹ, nói khẽ và lặng im quan sát để bày tỏ lòng thành kính.
- Nên thuê hướng dẫn viên để hiểu rõ hơn về lịch sử và kiến trúc của chùa. Tham gia các hoạt động trò chơi dân gian và chương trình biểu diễn đường phố diễn ra từ 19h00 đến 20h30 hằng ngày tại phố cổ.
- Không nên chen lấn hay gây ồn ào trong khu vực tham quan. Không mang theo đồ ăn và thức uống vào khu vực chùa.
- Trước khi đến chùa Cầu, bạn nên chuẩn bị một số đồ uống nhẹ và mặc trang phục lịch sự, phù hợp với không gian linh thiêng của nơi đây. Việc chuẩn bị này sẽ giúp bạn có một trải nghiệm thoải mái hơn trong chuyến tham quan.
Địa điểm tham quan nổi tiếng gần chùa Cầu
Khi đến chùa Cầu Hội An, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo mà còn có cơ hội khám phá nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng khác trong khu vực. Có thể kể đến một số địa điểm dưới đây.
Làng gốm Thanh Hà
Làng gốm Thanh Hà, nằm không xa chùa Cầu, là một điểm đến thú vị cho những ai yêu thích nghệ thuật gốm sứ. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời tại phố cổ Hội An, được hình thành từ thế kỷ XVI. Ban đầu, nghề gốm khởi nguồn từ làng Thanh Liêm và sau đó chuyển đến phường Thanh Hà, nơi hiện nay. Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XVI đến XVII, làng gốm Thanh Hà đạt đến đỉnh cao phát triển, với các sản phẩm gốm được dùng để tiến vua.
Khi đến đây, bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng quy trình tạo hình gốm từ đất sét tuyệt mỹ của những nghệ nhân tài hoa. Từ việc tạo hình đất sét trên bàn xoay cho đến vẽ trang trí, hong khô và nung gốm. Những người thợ làng nghề có kỹ năng khéo léo, niềm đam mê và sự tỉ mỉ, nâng niu từng sản phẩm như gửi gắm tâm hồn vào đó. Chắc chắn rằng trải nghiệm tại làng gốm Thanh Hà sẽ mang lại cho bạn những ấn tượng sâu sắc về nghệ thuật truyền thống của vùng đất này.
Xem thêm: Malibu Hội An – Chốn nghỉ dưỡng phồn hoa liền kề phố cổ
Chợ Hội An
Chợ Hội An được biết đến như một thiên đường ẩm thực nổi tiếng, được tạp chí Lonely Planet bình chọn là một trong những địa điểm thực phẩm hấp dẫn nhất thế giới, thu hút cả du khách lẫn người dân địa phương.
Chợ Hội An được bố trí thành nhiều khu vực khác nhau, từ khu hải sản tươi sống, rau củ, trái cây đến khu quà lưu niệm và khu ẩm thực. Du khách dễ dàng tìm kiếm đồ cần mua hoặc món ăn muốn thưởng thức.
Ngoài sự đa dạng và phong phú của các món ăn, chợ Hội An còn là một địa điểm “check-in” cực hot cho những tín đồ yêu thích sống ảo. Với kiến trúc đặc trưng của phố cổ, chợ mang vẻ đẹp mộc mạc với những mái ngói rêu phong và bức tường vàng mang màu thời gian, tạo nên những khung cảnh nên thơ mà bất kỳ ai cũng muốn ghi lại.
Nhà cổ Đức An
Nhà cổ Đức An, với hơn 200 năm lịch sử, là một trong những điểm tham quan nổi tiếng tại Hội An, thu hút đông đảo du khách nhờ phong cách kiến trúc độc đáo và không gian cổ kính.
Du khách đến đây không chỉ có cơ hội khám phá lịch sử lâu đời của ngôi nhà, mà còn có thể chiêm ngưỡng kiến trúc đẹp mắt và ấn tượng. Nhà cổ Đức An được xây dựng bằng hệ khung gỗ, mái lợp ngói âm dương và bao quanh bởi tường gạch, đặc trưng của phong cách truyền thống miền Trung.
Đặc biệt, nhà cổ Đức An còn là địa điểm “check-in” lý tưởng cho những bạn trẻ yêu thích chụp ảnh. Không gian cổ kính nơi đây tạo nên những góc chụp tuyệt đẹp, nổi bật nét đẹp văn hóa và lịch sử của phố cổ Hội An.
Bài viết trên đã giới thiệu về chùa Cầu Hội An – biểu tượng văn hóa lịch sử đặc sắc, cùng những địa điểm tham quan nổi tiếng gần đó như làng gốm Thanh Hà, chợ Hội An và nhà cổ Đức An. Hy vọng bạn sẽ có những chuyến du lịch trọn vẹn và đáng nhớ khi ghé thăm Hội An. Đừng quên truy cập Mogi.vn để khám phá thêm nhiều thông tin về những địa điểm du lịch khác hoặc tình hình mua bán nhà đất tại Hội An nhé!
Xem thêm:
- Khám phá kiến trúc phố cổ: Nét cổ xưa giữa lòng hiện đại
- Khám phá quần đảo Hải Tặc Kiên Giang: Cẩm nang du lịch chi tiết 2024
- Du Lịch Tam Đảo: Tất Tần Tật Chốn Ăn Chơi Cực Hot, Tiết Kiệm Chi Phí