Tương truyền những người làm nghề cho thuê nhà là những người rảnh rang nhất trên đời. Chỉ việc chuẩn bị sẵn “phòng không nhà trống”, cuối tháng đều đặn xách xổ ra thu tiền, kiểu gì cũng có thu nhập. Sướng quá rồi còn gì?!
Nhưng có thật vậy chăng?
Kẻ tám lạng người nửa cân, nhiều khi những người thuê phòng tưởng rằng “yếu đuối” lại chính là nguyên nhân gây ra cho chủ nhà những tình trạng dở khóc dở cười.
Khi khách thuê nhà “ăn quịt”
Từ quịt tiền
Nếu người đi thuê lúc nào cũng canh cánh nỗi sợ bị bắt chẹt tiền trọ thì bản thân người cho thuê trọ cũng mang trong lòng bầu tâm sự mang tên: quịt tiền.
Nhiều người lợi dụng lòng thương người của người cho thuê phòng trọ để khất 1-2 tháng tiền trọ rồi lẳng lặng dọn đồ, bốc hơi trong một đêm.
Buồn nhất là có những chủ nhà khi mới bắt đầu kinh doanh bản chất rất phóng khoáng, thoải mái nhưng từ ngày gặp liên tiếp những xự cố xích mích với người thuê nhà thì họ dần trở nên cảnh giác và đa nghi hơn hẳn. Đối phó với của những người cho thuê thiếu ý thức, các chủ phòng trọ bắt buộc phải bỏ thời gian và công sức lắp đặt thiết bị theo dõi những trường hợp làm sai, hoặc thắt chặt các điều lệ và áp đặt các hình phạt.
Tới quịt nước
Nhiều chủ nhà trọ đặt mức giá 40-50 ngàn/tháng với tiền nước mà không mảy may hay biết mức giá này vô tình kích thích lối suy nghĩ “xài đồ chùa là phải xài hao cho bõ” của người thuê. Họ bắt đầu xả nước tràn ra ngoài phòng tắm, giặt đồ rửa chén ngâm nga cả tiếng đồng hồ hay hô hào bạn bè qua xách nước vài xô xài chung… cho vui…
Kết quả, nhiều chủ trọ cuối tháng té ngửa vì tiền nước vọt lên con số cao ngất trời, bèn phải bỏ thêm tiền lắp thêm đồng hồ đo nước cho mỗi phòng và tính tiền theo khối. Nghe nói từ đó tiền nước giảm đúng… gấp đôi.
Vệ sinh – trộm cắp – tình ái
Vấn đề vệ sinh trong phòng trọ cũng là một khía cạnh nhức nhối. Nhiều bạn nữ vô tư xả băng vệ sinh ra sàn nhà tắm khiến chủ nhà phải đặt ra hình phạt riêng với những trường hợp “khó xử”.
Tình trạng trộm cắp đến từ chính những người đi thuê nhà cũng không phải hiếm, dù đã có phân chia khóa phòng cẩn mật. Chủ nhà chỉ còn cách đầu tư thêm một bộ camera để bắt quả tang tại trận.
Và cuối cùng, những vụ việc cặp đôi thuê phòng trọ ở ghép, hôm trước thắm thiết tới hôm sau vì xích mích mà cho nhau về “miền cực lạc” cũng không phải hiếm. Những lúc này phòng trọ chấp nhận ế chỏng chơ vì có cho cũng không ai dám thuê.
360 kế đối phó của những người thuê nhà bất trị
Buồn cười nhất là ngay cả khi có biện pháp “cưỡng chế” thì những sinh viên tinh quái vẫn tìm cách để lách luật, thậm chí qua mặt cả máy móc. Để ăn gian tiền nước, một số cậu sinh viên trước khi rời nhà đi học vào mỗi sáng sẽ kê một cái xô hứng nước nhưng mở vòi nước chảy thật nhỏ để kim đồng hồ không quay. Như vậy, cứ đến trưa là các bạn có đầy một xô nước để xài mà không bị “ghi nợ”.
Dù số tiền thất thoát chẳng là bao nhưng hành động nhỏ nhen này vô tình làm mất cảm tình trầm trọng, để lại ấn tượng xấu trong mắt người cho thuê, đến nỗi nhiều chủ nhà phải ghi sắc luật “chỉ cho nữ thuê” trong mục rao tin cho thuê nhà vì quá ngán ngẩm với các chiêu trò của các nam sinh viên.
Sống chung với… người thuê trọ
Ngày ngày đọc báo về tin tức chủ nhà trọ chèn ép, ăn chặn người thuê nhà khiến người ta khó mà mường tượng những trường hợp sóng gió nhưng ở chiều ngược lại. Một ví dụ về thiệt hại của người cho thuê là trường hợp khá ồn ào xảy ra tại một homestay Vũng Tàu tháng 6 vừa rồi.
Hình thức nhà nghỉ homestay vốn là hình thức được nhiều người ưa chuộng và theo đuổi. Khách hàng là những ai có nhu cầu du lịch trải nghiệm như người địa phương, chủ yếu là những người trẻ có tinh thần “phượt” cần nơi trú chân nghỉ lại nơi xa. Tuy nhiên đi theo dòng người đổ về các địa phương du lịch thì khách hàng cũng đa dạng hơn và dần sinh ra những biến tướng.
Đầu tháng 6/2017, homestay này đón một tốp học sinh lớp 9 trên 20 người và một số bà mẹ đi cùng. Khi đặt phòng, chủ phòng trọ đã thống nhất các quy định và điều lệ sử dụng phòng. Tuy nhiên, chẳng mấy chốc nhóm học sinh này đã có những hành động thiếu ý thức: đem đồ ăn lên giường, làm đổ đồ ăn lên ra giường, xả rác khắp phòng và sử dụng khăn tắm để lau sàn… Đỉnh điểm của sự việc là nửa đêm các em mở tiệc ầm ĩ, la hét om sòm, thậm chí nhảy nhót làm sập giường gỗ và rớt kệ đặt TV.
Bức xúc vì hành động quá quắt của nhóm này, chủ homestay đã yêu cầu bồi thường cho thiệt hại, nhưng chỉ nhận được sự phản đối và “lên án” kịch liệt từ những bà mẹ. Nhóm học sinh này sau khi rời đi còn lên trang Facebook của homestay nhận xét 1 sao hàng loạt và để lại những bình luận không hay về dịch vụ cũng như chủ nhà. Nếu không có sự lên án đồng loạt của cư dân mạng thì có lẽ những vị khách trọ vô ý tứ kia khó mà nói câu xin lỗi hay bồi thường thỏa đáng.
Hài hước phải kể đến những trường hợp bắt chẹt chủ nhà. Có những vị khách vô tư ở tầm một tháng, ra bên ngoài thấy giá thuê rẻ hơn bèn quay về “đe dọa” chủ nhà, nếu không giảm giá sẽ chuyển đi. Thế mới thấy độ quan trọng của hai từ “hợp đồng”.
Cho thuê nhà – nỗi khổ không của riêng ai
Nhiều người hay suy nghĩ làm người thuê là mất tiền chứ làm chủ nhà thì chỉ có lợi. Thế nhưng họ quên rằng là trước khi có người thuê thì chủ nhà đã phải bỏ tiền ra tu bổ căn phòng. Sau khi khách trọ rời đi, nếu may mắn thì phòng còn nguyên vẹn không xước xát, nếu xui rủi gặp phải những người thuê nhà tinh quái thì chủ nhà lại phải bỏ thêm một khoản tiền không nhỏ để trả căn phòng lại trạng thái ban đầu.
Có thể thấy, thị trường cho thuê nhà Việt Nam bây giờ ngoài cần những chủ nhà công minh ngay thẳng thì cũng cần lắm những người cho thuê có ý thức. Tuy nhiên hiện nay, việc quảng bá nhà cho thuê chỉ dừng lại ở việc truyền miệng và nhờ người đăng lên mạng xã hội, độ phủ sóng nhỏ nên chỉ thu hút được một số lượng khách nhất định, khó mà sàng lọc được những người thuê nhà tử tế.
Có lẽ cần lắm một kênh truyền thông cho người cho thuê nhà để tin tức đến được tai những vị khách thuê có tâm.
Mogi.vn