Tháp Nhạn Phú Yên được mệnh danh là biểu tượng của nền văn hóa Chăm Pa làm xiêu lòng biết bao du khách khi đến xứ hoa vàng cỏ xanh. Tháp Nhạn được xây dựng khoảng thế kỷ XII, nằm gần trên đỉnh ngọn núi Nhạn thuộc bờ bắc sông Đà Rằng. Nơi đây gắn liền với nhiều điều bí ẩn chưa được giải đáp. Với độ cao 64m so với mực nước biển, tháp Nhạn là điểm check-in không thể bỏ qua của những tín đồ mê sống ảo. Để hiểu thêm về lịch sử hình thành, kiến trúc xây dựng và chuyến hành trình khám phá Tháp Nhạn, Tuy Hòa, Phú Yên cùng tham khảo bài viết dưới đây của Mogi.vn.
Lịch sử hình thành Tháp Nhạn
Truyền thuyết về tiên nữ Thiên Y Ana
Nguồn gốc của Tháp Nhạn, Phú Yên có rất nhiều câu chuyện được tương truyền, trong đó có truyền thuyết về tiên nữ Thiên Y Ana. Chuyện xưa kể rằng có nàng tiên nữ Thiên Y Ana hạ phàm chỉ dạy cho người dân sinh sống tại vùng đất này mọi việc từ dệt vải, cấy cày đến kéo sợi. Nhờ đó người dân có thể tìm cách kiếm sống mưu sinh.
Sau khi tiên nữ về với cõi trời, người dân Chăm Pa vô cùng thương nhớ. Họ muốn khắc ghi công ơn khai sáng cho dân tộc mình nên đã xây dựng ngọn tháp ấy làm nơi thờ phụng nàng.
>> Tham khảo: Tất tần tật về chùa Linh Phước – Chùa Ve Chai Nổi Tiếng Tại Đà Lạt
Quá trình khai phá vùng đất Phú Yên
Theo một truyền thuyết khác thì Tuy Hòa là vùng đầm lầy thấp trũng với vô số thủy quái đến quấy phá đời sống người dân nơi đây. Thấy vậy ông Trời đã sai người khổng lồ xuống gánh đất lấp vùng trũng lại để bảo vệ cuộc sống cho người dân.
Khi lấp gần xong, người khổng lồ vội trở về đã gánh nhiều đá hơn khiến chiếc đòn gánh bị gãy. Đá từ hai gánh đã rơi xuống lại nhân gian, một bên tạo thành núi Chóp Chài, một gánh tọa trên núi Nhạn. Đây chính là nguồn gốc xuất hiện của ngọn tháp. Về tên gọi “Tháp Nhạn” người dân vùng đất này giải thích rằng vì có rất nhiều chim nhạn bay đến đây sinh sống, làm tổ trên ngọn tháp. Về sau này nơi đây được đặt tên theo tên của loài chim này.
Tháp Nhạn có gì hay?
Biểu tượng văn hoá dân tộc Chăm
Tháp Nhạn được xem là biểu tượng văn hóa dân tộc Chăm. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị lịch sử của người Chăm và cũng là thắng cảnh tiêu biểu của tỉnh Phú Yên. Tháp Nhạn đã được xếp hạng cấp Quốc gia về Di tích Kiến trúc Nghệ thuật.
Tháp có đế hình vuông, thân tháp xây to ở phần chân và thu nhỏ dần về phía đỉnh. Trên đỉnh là tượng Linga bằng đá, đây được xem là biểu tượng tâm linh của người dân Chămpa.
Phần lớn các công trình kiến trúc của người Chăm đều có Linga và Yoni. Biểu tượng cho tín ngưỡng phồn thực với ước mong vạn vật được nảy nở sinh sôi.
Kiến trúc xây dựng độc đáo
Kiến trúc xây dựng tháp phần nào thể hiện nền văn hóa rực rỡ của người Chămpa. Di tích kiến trúc tháp Nhạn gồm có 3 phần: đế tháp, thân tháp, mái tháp với chiều cao khoảng 24m. Trải qua hàng trăm năm ngôi tháp nhuốm màu cổ kính rêu phong tạo nét đặc trưng cho công trình.
Tháp Nhạn được xây dựng toàn bộ bằng gạch nung xếp khít nhau. Loại gạch này nhẹ, nhưng độ chịu nén, độ bền và mức độ va đập cao hơn gạch thường. Mái tháp cao khoảng 8,5m, bốn góc là những tai trụ tựa như búp sen. Trên đỉnh là những hòn đá lớn nguyên khối biểu tượng của Linga. Từ trên đỉnh tháp có thể nhìn bao quát thành phố Tuy Hòa, bờ biển, cầu Hùng Vương bắc qua cửa sông Đà Rằng.
Kiến trúc phía trên tầng mái của tháp Nhạn nhìn từ bên trong tháp với những viên gạch được xây dựng theo hình vuông và chụm lại ở đỉnh tháp. Cửa và mặt chính quay về hướng Đông, 3 mặt còn lại trang trí hoa văn gắn liền với những ý niệm tôn giáo xa xưa và tạo hình cửa giả. Lối xây dựng tầng cao càng thu hẹp nên tường phía trong tháp cũng uốn lượn theo và thu nhỏ dần, vòm lại theo hình chóp nón và nối với nhau tại viên gạch cuối cùng.
>> Có thể bạn quan tâm: Khám phá Bãi Xếp Quy Nhơn – Địa điểm Check-in lý tưởng siêu HOT
Đường đi đến Tháp Nhạn
Đường lên tháp Nhạn hơi dốc, quanh co nhưng rất dễ tìm. Bạn có thể lựa chọn 1 trong 2 đường lên tháp. 1 đường bậc thang và 1 đường nhựa, cung đường nào cũng khá an toàn và dễ đi.
Nếu đi từ ga xe lửa Tuy Hòa, du khách sẽ đi thẳng từ đường Lê Trung Kiên qua ngã tư đường Tản Đà. Đến một con đường nhỏ thứ hai thì rẽ trái vào, đi thêm một đoạn nữa là đến tháp Nhạn. Đây là điểm đến vừa tâm linh, lịch sử vừa được ngắm nhìn toàn cảnh thành phố từ trên cao tuyệt đẹp nhất định phải khám phá.
Những điều cần biết khi tham quan Tháp Nhạn
Giờ mở, đóng cửa Tháp Nhạn
Tháp Nhạn mở cửa hàng ngày từ 6h30 – 23h00. Thời gian tham quan lý tưởng nhất vào buổi sáng từ 06h30 – 09h30, buổi chiều từ 16h30 – 20h30.
Tháp Nhạn cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng hơn 3km. Thời gian di chuyển sẽ mất khoảng 20 phút đi bộ, 10 phút đi xe máy và khoảng 7 phút đi taxi. Bạn có thể lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp với hành trình và ngân sách của mình nhé.
>> Xem thêm: Núi Đá Voi địa điểm phải chinh phục và check-in ở Đắk Lắk
Giá vé tham quan Tháp Nhạn
Tại chân núi bạn có thể mua vé tham quan tháp Nhạn với mức giá 15.000VNĐ/khách. Ngoài ra bạn cũng có thể thưởng thức một số món đặc sản được bày bán ngay dưới chân núi. Bạn nên ăn mặc thoải mái để tiện di chuyển nhưng không quá hở hang để thể hiện sự tôn trọng với điểm đến. Phần vì tham quan đến xế chiều hoặc buổi tối sẽ có gió lớn, khá là lạnh.
Ăn gì ở Tháp Nhạn Phú Yên
Tháp Nhạn Phú Yên có gì? Dưới chân núi có vô vàn món ăn đặc sản rất ngon mà bạn có thể thưởng thức như:
- Bánh xèo
- Bánh canh
- Bánh tráng nước
- Bánh hỏi lòng heo
- Bánh lọc…
Bên cạnh đó còn có một số món chè giải khát thơm ngon như chè khoai, chè đậu, chè dừa, chè chuối…. Giá cả vô cùng phải chăng, chất lượng thức ăn đảm bảo nên thực khách hoàn toàn có thể yên tâm nhé.
Địa điểm thú vị gần Tháp Nhạn
Ngoài khám phá Tháp Nhạn bạn có thể thăm thú thêm một số địa điểm du lịch vô cùng thú vị ngay gần đó. Dưới đây là 3 điểm đến mà bạn nhất định phải check in nếu đến Phú Yên.
Ngắm bình minh sớm nhất tại Việt Nam nơi Mũi Điện Phú Yên
Mũi Điện là điểm cực Đông trên đất liền nước ta. Vì vậy nơi đây đón ánh mặt trời đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ra bạn còn được chiêm ngưỡng ngọn hải đăng trầm mặc, núi đá kỳ lạ và bãi biển bao la. Mũi Điện nằm cách thành phố Tuy Hòa khoảng 40km về phía nam.
Ở Mũi Điện không chỉ có vùng biển trong xanh, rộng lớn. Nơi đây còn quyến rũ du khách với tháp Hải Đăng trầm mặc cao đến 26m. Bên trong được thiết kế theo hình xoắn ốc với 110 bậc cầu thang gỗ xây dựng từ năm 1890.
>> Xem thêm: Cổng trời Sapa, khám phá vẻ đẹp vùng núi Tây Bắc qua Cổng trời
Bãi biển Tuy Hòa Phú Yên
Bãi biển Tuy Hòa kéo dài đến hơn 10km từ trung tâm thành phố. Vùng biển này thu hút rất đông khách du lịch khắp thập phương đến thưởng ngoạn cảnh đẹp. Bãi biển này được tạo nên từ những trảng cát lớn trải dài cùng bờ cát nối nhau. Những khu vực bãi cát rộng hẹp khác nhau, được ngăn cách bởi những gành đá tạo thành những khu vực biển riêng biệt như:
- Biển Tuy Hòa
- Long Thủy
- Bãi Xép
- Biển Yến
- Biển Phú Thường….
Bãi biển tạo hình vòng cung, hứng trọn những cơn gió biển vô cùng mát mẻ, trong lành. Vẻ đẹp của tạo hóa đã khiến nơi đây chìm trong màu xanh mát mẻ của biển cả bao la; màu xanh ngút ngàn của bầu trời cao trong vời vợi; và màu xanh căng tràn nhựa sống của những cánh rừng cây dương tựa vai nhau san sát. Sóng vỗ rì rào, nét hoang sơ lẩn khuất trong từng ghềnh đá tạo nên một màu sắc riêng. Tất cả mang hơi thở của mảnh đất thanh bình và thơ mộng.
Hòn Yến Phú Yên
Hòn Yến được bao xung quanh bởi cụm thắng cảnh biển Phú Yên. Ngoài Hòn Sụn nằm kế bên, quang cảnh Hòn Yến được chia thành 3 phần. Phần trung tâm là dãy núi đá dài vươn mình ra khơi gần với Hòn Yến nhất thường được gọi là Gành Yến. Những ngày thủy triều xuống, con đường giữa biển nối liền Hòn Sụn với Hòn Yến sẽ lộ ra. Bạn có thể trải nghiệm đi bộ giữa biển và ngắm nhìn thềm san hô đầy màu sắc, hòa quyện với cảnh biển lung linh.
Cảnh sắc nơi đây vô cùng cổ kính với những tảng đá được bao phủ bởi rêu phong. Nhiều bãi đá lú nhú nối dài từ bãi cát đến tận chân sóng. Nước biển xanh màu ngọc bích, đầy ngọt ngào và tinh khiết. Đến đây bạn sẽ ngỡ ngàng khi được tận mắt chứng kiến khung cảnh đông đúc, tấp nập tàu thuyền cập bến với vô vàn những con cá biển tươi roi rói được đánh bắt. Hòn Yến còn là nơi quy tụ của rất nhiều loại hải sản độc đáo như mực, cua, cá cơm, của ốc vú vàng….
Tổng kết
Tháp Nhạn là điểm đến du lịch tuyệt đẹp không thể thiếu khi đặt chân đến xứ Nẫu. Tháp Nhạn Phú Yên thu hút đông đảo lượt khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu văn hóa công trình kiến trúc người Chămpa. Nếu bạn là một tín đồ mê sống ảo đừng quên bỏ qua địa danh này trong bản đồ du lịch của mình nhé. Hy vọng rằng thông tin mà Mogi.vn chia sẻ đã giúp bạn có thêm một địa điểm thú vị đầy tính tâm linh, tín ngưỡng để khám phá trong mùa hè này.
>> Xem thêm: An Sơn Hồ – Cổ trấn thơ mộng giữa lòng Đà Lạt