Cây trầu bà là loại cây rất quen thuộc với cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Vậy, cây trầu bà có đặc điểm và có công dụng nào? Cách trồng và chăm sóc cây có dễ hay không? Những ý nghĩa của loại cây phong thủy này?
Hãy cùng tham khảo ngay những thông tin được chia sẻ dưới đây về trầu bà nhé!
Đặc điểm và cách trồng cây trầu bà
Cây trầu bà xuất hiện rất nhiều nơi. Chúng được trồng ở những nơi có ánh sáng vừa phải để giúp không gian tươi mát hơn. Ngoài ra, cây còn được trồng trong chậu treo hoặc chậu nhỏ để trên bàn.
Cây trầu bà là loại cây gì?
Cây trầu bà có tên khoa học là Epipemnum Aureum. Cây trầu bà là loại thực vật thân thảo thuộc họ Ráy (Araceae), có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập và nhân rộng ở Việt Nam. Cây trầu bà còn được gọi với nhiều cái tên khác như thạch cam tử, trầu bà vàng, ma quỷ đằng, hoàng kim.
Cây có đặc điểm gì nổi bật?
- Trầu bà là loại cây thân thảo thuộc họ dây leo thân mềm.
- Lá và thân cây đều có màu xanh, thỉnh thoảng lá sẽ có những đốm chấm vàng bên trên.
- Lá đơn có hình thuôn dài dần lên phía trên và ở gốc lá có hình dáng như trái tim.
- Hoa trầu bà mọc thành cụm ngắn.
- Trên thân cây thường xuất hiện rễ sinh khí ở vị trí các đốt cây.
>>> Tìm hiểu thêm: Cây trầu bà vàng có đặc điểm và ý nghĩa gì đặc biệt?
Trầu bà có dễ trồng không?
Trầu bà là loại cây rất dễ trồng. Chúng thích nghi nhanh với các điều kiện thời tiết khác nhau nên cũng rất dễ sống. Trầu bà thường được trồng thủy sinh hoặc trồng trong chậu.
Bạn chỉ cần cắt một đoạn trầu bà có nhánh, sau đó trồng vào đất tơi xốp, thoáng khí và giàu chất dinh dưỡng. Đất trồng có thể trộn với xơ dừa, than củi, tro, phân chuồng hoặc sử dụng đất vườn đều được.
Do cây thân leo, mềm nên khi trồng thì bạn có thể cắm thêm cọc hoặc làm giàn leo để cây bám vào. Thường trầu bà nên trồng ở trong nhà – nơi có ánh sáng tự nhiên và nhiệt độ thích hợp là từ 15 độ C đến 30 độ C. Bạn lưu ý là cây không có chịu được lạnh.
>>> Tham khảo thêm: Trầu Bà Cẩm Thạch: Ý nghĩa phong thủy, đặc điểm và cách chăm sóc
Cây trầu bà rất dễ chăm sóc
- Cây ưa ẩm nên nếu bạn trồng bên ngoài trời thì cần tưới nước mỗi ngày 2 lần.
- Nếu trồng trong nhà thì chỉ cần tưới mỗi tuần 2 lần cho cây đủ ẩm. Nên mang trầu bà ra phơi nắng hàng tuần trong khoảng 15 phút đến 30 phút.
- Không nên tưới quá nhiều nước khiến cây bị úng dễ dẫn đến bị vàng lá, thối rễ.
- Nếu trầu bà trồng thủy sinh thì cần để 2/3 rễ ngập nước và nên châm thêm nước thường xuyên. Mỗi tuần nên rửa rễ, tỉa rễ bị hư và thay nước cho cây.
- Trầu bà không cần nhiều dinh dưỡng. Nếu cần, bạn chỉ nên bón một số loại phân bón lá để giúp cây phát triển hơn.
Cây trầu bà có bao nhiêu loại?
Tùy vào đặc điểm mà trầu bà được phân chia ra thành nhiều loại khác nhau. Cụ thể gồm có những loại dưới đây:
Cây trầu bà thanh xuân
Trầu bà thanh xuân hay còn gọi là trầu bà lá xẻ, trầu bà tay phật nhờ đặc điểm của lá trầu bà. Chiều cao của loại này thường từ 70cm – 1,5m. Trầu bà thanh xuân thường mọc thành bụi, có dáng mảnh khảnh và phân ra thành nhiều nhánh.
Lá của nó có hình dáng to bản, xanh sẫm, bẹ lá ôm lấy thân và lá xẻ sâu như chân vịt. Loại này cũng có hoa dạng mo nhỏ nằm trên cuống chung.
>>> Đọc thêm: Cây Trầu Bà Leo: Ý nghĩa phong thủy, cách trồng và chăm sóc cây
Cây trầu bà đế vương
Loại này thường mọc thành bụi với chiều cao từ 50cm đến 1,3m, tùy loại. Trầu bà đế vương còn được chia ra thành đế vương đỏ, đế vương xanh, đế vương vàng, đế vương tím. Cây cho tán rộng và lớn.
Cây trầu bà đột biến
Đây là loại cây rất được yêu thích vì hình dạng lá rất lạ mắt. Lá của cây có kích thước to giống như quạt Ba Tiêu trong truyền thuyết. Gọi là trầu bà đột biến do hình dáng hoặc màu sắc của chúng thường rất đặc biệt. Tùy vào mức độ đột biến mà giá của loại này thường được bán từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng.
Cây trầu bà xanh
Là loại trầu bà có lá như lá trầu và màu xanh đặc trưng. Chúng được trồng nhiều ở các không gian nhà, nơi làm việc.
Cây trầu bà hồng
Cây có tên gọi này nhờ màu hồng đặc trưng của lá. Màu sắc của lá tùy thuộc rất nhiều vào lượng ánh sáng. Nếu trồng ở chỗ có nhiều ánh nắng thì lá trầu bà sẽ ngả màu hồng nhiều. Nếu ở nơi ít sáng thì lá cây đa phần có màu xanh.
Cây trầu bà vàng
Trầu bà vàng có thân tròn màu vàng nhạt, lá đơn màu xanh vàng sáng đẹp, cuống lá có màu hồng nhạt. Lá cây có hình thuôn dài, lá nhọn ở đỉnh lá và gốc lá hình trái tim. Cây trầu bà vàng ưa sống ở những nơi hoàn toàn râm mát hoặc mát nhiều.
>>> Xem thêm: Cây phát tài núi và 3 ý nghĩa nổi bật nhất!
Cây trầu bà cẩm thạch
Loại này còn có tên gọi khác là trầu bà sữa vì lá có màu loang vệt trắng trên nền xanh. Cuống lá dài có màu trắng, gân lá hiện lên khá rõ, mép lá nguyên. Đây là loại cây có hình dáng khá mềm mại và lá độc đáo nên cũng được nhiều người yêu thích.
Cây trầu bà trắng
Cây này được trồng rộng rãi ở những nơi bóng râm, nơi ẩm ướt. Cây có thân mọng nước chứa nhiều mủ trắng. Lá cây có màu trắng bạc hoặc màu xanh trắng bạc, lá già thì có màu sắc đậm hơn. Những lá già có đầu lá nhọn. Kích thước và màu sắc của lá có thể thay đổi dựa vào vị trí cũng như môi trường sống của cây.
Cây trầu bà ngọc thủy
Trầu bà ngọc thủy có lá màu xanh lục bảo và trắng. Những chiếc lá hình trái tim nhiều màu được xen kẽ với nhau khá nổi bật. Loại trầu bà này thường được trồng trên bàn hoặc treo bởi những dây leo của chúng khá nổi bật.
Cây trầu bà và 3 ý nghĩa nổi bật nhất trong đời sống hàng ngày
1. Trầu bà có tác dụng trang trí
Trầu bà có nhiều hình dáng lá khác nhau, màu sắc khác nhau và có thể sống tốt ở môi trường nước hoặc đất. Do đó, cây được sử dụng để trang trí bàn làm việc, phòng khách… rất nhiều. Chúng sẽ giúp cho không gian trang trí trở nên xanh, sạch và bắt mắt hơn nhờ vẻ đẹp riêng của mình.
Đặc biệt, nếu bạn có hồ cá cảnh thì có thể sử dụng trầu bà làm cây trang trí. Do chúng có rễ mọc trong nước giúp nước sạch hơn và có lợi cho cá.
2. Trầu bà có tác dụng lọc khí rất tốt
Trầu bà là loại cây có tác dụng lọc khí rất tốt. Cây có khả năng hút những khí thải độc hại từ xăng xe, khói thuốc hoặc bức xạ từ điện thoại di động, máy tính… Nhờ khả năng lọc khí độc đáo này mà cây được sử dụng nhiều để làm sạch không gian làm việc, nhà cửa.
Đặc biệt, nếu bạn đặt cây trong phòng ngủ còn giúp điều hòa không khí rất tốt, nhất là phòng có diện từ từ 10m2 – 15m2. Nhìn chung, việc sử dụng cây xanh sẽ giúp cho không gian trở nên sạch và dễ chịu hơn, rất tốt cho sức khỏe của bạn.
3. Cây có nhiều ý nghĩa phong thủy
Trầu bà còn có tác dụng lớn về mặt phong thủy. Cây có ý nghĩa tượng trưng cho việc sinh sôi, phát triển, thịnh vượng, may mắn và tài lộc. Nếu bạn trồng trầu bà trong nhà, bạn sẽ hanh thông và thuận lợi hơn. Nó còn giúp bạn tránh được những vận xui, rủi và mang lại may mắn nhiều hơn.
Trong phong thủy, trầu bà rất thích hợp với những người có mệnh Mộc. Và những người tuổi Ngọ (ngựa) cũng rất thích hợp với cây trầu bà. Do đó, nếu bạn thuộc 2 yếu tố này thì nhớ trồng ngay một chậu trầu bà nhé!
Những vị trí đặt cây hợp phong thủy và không gian
Cây trầu bà là loại cây có kích thước không quá lớn và dễ trồng. Do đó, bạn có thể sử dụng chậu cây này để đặt ở nhiều vị trí khác nhau. Đa số, loại cây này được để lên bàn làm việc, kệ cửa sổ, ngoài ban công…
Những vị trí đặt trầu bà hợp phong thủy nhất
Đặt ở trên bàn làm việc
Bàn làm việc là nơi tạo ra tiền tài và danh vọng. Nên đặt chậu trầu bà ở bàn làm việc sẽ giúp bạn thu may hút tài, đại cát đại lợi. Đồng thời, nó còn giúp bạn giữ tài lộc vững chắc hơn, mọi việc sẽ được thuận buồm xuôi gió.
Đặt ở trên các bệ cửa sổ
Cửa sổ là nơi thường đón tài lộc nhưng cũng là nơi dễ thoát tài lộc. Nên đây cũng là vị trí phù hợp với việc đặt chậu trầu bà. Những chậu trậu bà đặt nơi cửa sổ giúp bạn hút tài khí vào nhà và bảo vệ nó.
Ở nhiều cửa hàng, quán ăn thường treo trầu bà nơi cửa sổ. Vì ngoài tác dụng trang trí mang lại tính thẩm mỹ cao thì còn mang ý nghĩa phong thủy. Trong phong thủy, trầu bà có ý nghĩa phú quý, giàu sang.
Đặt cây ở nơi cửa chính
Với những chậu trầu bà có kích thước cây và chậu cao thì bạn có thể đặt những vị trí quan trọng. Như cửa chính, hai bên cửa ra vào nơi công ty, văn phòng… hoặc đặt ở góc phòng. Những vị trí này sẽ giúp bạn có nhiều may mắn, thu hút tài lộc hơn.
Nguyên tắc phong thủy khi trồng trầu bà
Trầu bà là cây phong thủy thuộc hành Mộc. Do đó, bạn chỉ nên đặt hoặc trồng cây ở những hướng là Đông, Đông Nam (hành Mộc), hướng Bắc (hành Thủy, Thủy sinh Mộc). Những hướng kỵ với Mộc không được đặt cây như hướng Tây, Tây Bắc. Vì thế, bạn cần tuân theo nguyên tắc này để cây phát huy phong thủy được tốt nhất.
>> Có thể bạn quan tâm: Cây phong thủy và 3 lưu ý giúp gia chủ phát tài, may mắn nhất
Với những thông tin trên, bạn sẽ hiểu hơn ý nghĩa và công dụng của cây trầu bà trong đời sống hằng ngày. Và nếu bạn cần tham khảo về phong thủy, nhà cửa, thị trường bất động sả, hãy truy cập ngay trang Mogi.vn. Chúc bạn sẽ tìm kiếm được những thông tin hay và ý nghĩa nhất!
Tài liệu tham khảo:
- “GOLDEN POTHOS PLANT” – houseplantsexper
https://www.houseplantsexpert.com/golden-pothos-plant.html - “Golden Pothos or Devil’s Ivy” – guide-to-houseplants
https://www.guide-to-houseplants.com/pothos.html
Ngọc Ánh – Chuyên viên phân tích thông tin Bất động sản