spot_img
Trang chủReviewBảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử hình...

Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử hình thành và phát triển

Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh là nơi lưu giữ các di sản văn hóa dân tộc kể từ thời vua Hùng cho đến nay và có rất đông du khách cả trong và nước đến tham quan. Cùng Mogi tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh bằng bài viết dưới đây!

Sơ lược về bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh tọa lạc tại số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM. 

Giới thiệu tổng quan về bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh
Giới thiệu tổng quan về bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Hiện nay bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 40.000 hiện vật độc đáo và quý báu về lịch sử – văn hóa nước ta từ thời nguyên thủy cho đến năm 1945. Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh mở cửa đón khách tham quan từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần:

  • Sáng: 8h00 – 11h30 
  • Chiều: 13h00-17h300

Lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Cùng tìm hiểu sử hình thành và phát triển cũng như sự kiện đáng nhớ tại mốc thời gian đó của bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh:

Mốc Thời Gian Sự Kiện/Nội Dung
Năm 1929 Thành lập bảo tàng Blanchard de la Brosse (tên của viên thống đốc Nam Kỳ) và bảo tàng đầu tiên ở phía Nam Việt Nam
Năm 1956 Đổi tên thành “Viện Bảo tàng Quốc gia Việt Nam” tại Sài Gòn, nơi trưng bày về mỹ thuật cổ một số nước Châu Á.
Năm 1979 Ngày 23/8/1979, bảo tàng chính thức đổi tên là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh theo Quyết định số 235QĐ-UB của UBND TP.HCM
Năm 2012 Tòa nhà trong Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Với lối kiến trúc mang đậm nét phương Đông kết hợp với phương Tây tạo nên một công trình vững chải, hài hòa, cân xứng với cảnh quan xung quanh.
Hiện nay Hiện có hơn 40.000 hiện vật độc đáo, quý giá đến từ nhiều quốc gia, dân tộc với chất liệu, loại hình vô cùng đa dạng và phong phú. Các bộ sưu tập về lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thời nguyên thủy đến năm 1945 và giới thiệu về những nét văn hóa độc đáo ở các tỉnh phía Nam và một số nước trong khu vực châu Á.
Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí minh cũng là nơi làm việc của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam, các nước trong khu vực và trên thế giới.

Tham khảo thêm: Chùa Việt Nam Quốc Tự: Ngôi chùa có tòa tháp cao nhất Việt Nam

Giá vé và nội quy tham quan bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Cùng tìm hiểu thông tin về giá vé và nội quy khi đến tham quan tại bảo tàng lịch thành phố Hồ Chí Minh:

Giá vé

  • Người lớn: 30.000đ/người.
  • Trẻ em <6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt, người có sổ hộ nghèo: Miễn phí
  • Trẻ em <16 tuổi, HS-SV, người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), một số trường hợp đặc biệt: Giảm 50%. 
Giá vé
Tìm hiểu về giá vé bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Nội quy

Du khách khi đến tham quan bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh cần chú ý một số quy định như sau:

  • Trang phục gọn gàng, lịch sự
  • Không mang theo đồ dễ cháy nổ, vũ khí,
  • Không xả rác gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
  • Không mang theo đồ ăn, thức uống vào bên trong bảo tàng, giữ vệ sinh và không gây tiếng ồn lớn.
  • Không được chạm vào hiện vật những thiết bị lịch sử, không tự ý vào những khu vực không được phép tham quan.
Nội quy
Khi đến tham quan bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh nên chấp hành đúng nội quy

Bản đồ tham quan

Du khách khi đến với bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh có thể lưu lại bản đồ dưới đây để tiện cho việc tham quan các phòng trưng bày:

Bản đồ tham quan
Bản đồ tham quan tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh
Bản đồ tham quan
Giải thích ký hiệu trên bản đồ tham quan bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Cách di chuyển đến bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Vị trí của bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh nằm ngay trung tâm thành phố nên việc di chuyển đến đây vô cùng dễ dàng và thuận tiện. 

Di chuyển bằng xe máy hoặc xe ô tô

Nếu bạn đi bằng xe máy hoặc ô tô có thể di chuyển theo tuyến đường Hàm Nghi, tới bến Bạch Đằng thì rẽ trái về Tôn Đức Thắng. Khi đến ngã tư Lê Duẩn thì rẽ phải, tiếp tục đi thẳng Lê Duẩn đến đoạn giao với Nguyễn Bỉnh Khiêm thì sẽ thấy bảo tàng nằm sát bên Thảo Cầm Viên.

Di chuyển bằng xe bus

Nếu bạn đi bằng xe bus thì có thể tham khảo một số chuyến bus số 52, 06, 14, 19, 45, 30, 56… đều có trạm dừng gần bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

Tham khảo xe bus có lộ trình đi qua Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh
Tham khảo xe bus có lộ trình đi qua Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Tham khảo thêm: Bến Bạch Đằng – Địa điểm check-in cực “chill” dành cho giới trẻ

Các không gian trưng bày tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Hiện tại, Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sở hữu khoảng 40.000 hiện vật độc đáo và quý báu, giới thiệu về lịch sử – văn hóa nước ta từ thời nguyên thủy cho đến năm 1945. Nơi đây cũng là địa điểm công tác của nhiều chuyên gia nghiên cứu lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam.

Các không gian trưng bày tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh
Tìm hiểu về các không gian trưng bày tại bảo tàng

Lịch sử Việt Nam từ thời Nguyên thủy đến thời Nguyễn

Tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh có 8 không gian tái hiện lại giai đoạn lịch sử Việt Nam từ thời Nguyên thủy đến thời Nguyễn. Cùng Mogi tìm hiểu chi tiết về 8 phòng trưng bày ngay sau đây: 

  • Phòng 1 – Thời Nguyên thủy (Cách nay khoảng 500.000 năm – 2.879 Trước CN)

Phòng 1 trưng bày những phát hiện khảo cổ về răng người tại các hang ở Thẩm Khuyên, Thẩm Hai (Lạng Sơn), những công cụ thô sơ bằng đá với vết chế tác của người nguyên thủy tại núi Nuông (Thanh Hóa), núi Đất (Đồng Nai)… Tất cả hiện vật đều cho thấy sự sinh sống của loài người trên khắp cả nước từ cách đây 500.000 năm.

Lịch sử Việt Nam từ thời Nguyên thủy đến thời Nguyễn
Các công đá mái từ thời Nguyên Thủy
  • Phòng 2 – Thời Dựng nước và Giữ nước (2.879 Tr. CN – 938)

Phòng 2 miêu tả về thời kỳ hình thành nền tảng văn hóa của Việt Nam từ cuối thời đại đồng thau – cuối thời đại đồ sắt (thế kỷ VIII TCN – thế kỷ II). Trong giai đoạn này đã lần lượt xuất hiện 3 nền văn hóa với những nhà nước sớm đó là: Văn Lang – Âu Lạc (văn hóa Đông Sơn); nước Lâm Ấp tiền thân của Champa (văn hóa Sa Huỳnh); vương quốc Phù Nam (văn hóa Óc Eo).

  • Phòng 3 – Thời Ngô – Đinh – Tiền Lê (939 – 1009)

Chủ đề chính của phòng tham quan này tóm gọn trong các bối cảnh: Sau trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền lên ngôi và lập ra triều Ngô. Sau khi Ngô Quyền mất nước ta lâm vào cảnh loạn 12 sứ quân và sau đó được Đinh Bộ Lĩnh tái thống nhất vào năm 968.

  • Phòng 4 – Thời Lý (1009 – 1225)

Tái hiện lại triều đại thịnh vượng với nhiều dấu ấn trong các lĩnh vực như văn hóa, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, chính trị. Những hiện vật như đĩa, ấm, khối hoa sen, liễn… mang đậm dấu ấn thời nhà Lý từng tồn tại 200 năm trong lịch sử. 

Lịch sử Việt Nam từ thời Nguyên thủy đến thời Nguyễn
Tái hiện trận thủy chiến Bạch Đằng
  • Phòng 5 – Thời Trần – Hồ (1226 – 1407)

Từ năm 1225, thời nhà Trần phát triển mạnh mẽ và tiếp thu giá trị từ nhà Lý, công cuộc xây dựng mở mang nước Đại Việt về mọi mặt. Bộ máy cai trị được kiện toàn, quân đội được quan tâm, nông nghiệp, công thương nghiệp, văn hóa nghệ thuật phát triển rực rỡ. Đặc biệt, trong giai đoạn này chữ Nôm đã bắt đầu được sử dụng trong văn học. 

Nhà Trần đã đánh bại quân Nguyên Mông 3 lần xâm lược nước ta (1258, 1285, 1288). Tất cả điều đó đã giúp Đại Việt giữ vững nền độc lập, góp phần ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ mạnh nhất lúc bấy giờ.

  • Phòng 9 – Thời Lê sơ – Mạc – Lê Trung Hưng (1428 – 1788)

Sau sự thất bại của Hồ Quý Ly trước quân Minh, Đại Việt rơi vào tay thống trị của phương Bắc. Sau đó khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đã giành lại chủ quyền cho dân tộc thành lập nhà Lê và ban hành nhiều chính sách kinh tế – xã hội mới… Đến năm 1527, Mạc Đăng Dung đoạt ngôi và gây nên sự khủng hoảng chia cắt khắp cả nước. Thời điểm này ghi nhận dấu ấn chữ Quốc ngữ ra đời.

  • Phòng 10 – Thời Tây Sơn (1771 – 1802)

Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã bùng nổ ở Quy Nhơn với sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân. Dưới sự dẫn dắt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, khởi nghĩa Tây Sơn đã lật đổ chúa Nguyễn, đánh đuổi quân Xiêm, đánh đổ chúa Trịnh, xóa bỏ triều Lê, tiêu diệt quân Thanh bảo vệ độc lập dân tộc, giúp thống nhất đất nước. Nguyễn Nhạc lập triều Tây Sơn vào năm 1778 và đến 1788 Nguyễn Huệ lên ngôi, triều Tây Sơn đã ra sức phục hồi kinh tế, thực hiện được nhiều cải cách tiến bộ, giúp chấn hưng đất nước. 

  • Phòng 12 – Thời Nguyễn (1802 – 1945)

Thời Nguyễn là một triều đại nỗ lực củng cố chính quyền thống nhất, phát triển văn hóa nhưng không duy tân được đất nước và đã nhanh chóng đầu hang khi bị thực dân Pháp xâm lược. Từ năm 1883 dân ta đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm. Năm 1930 thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương và năm 1945 Cách mạng Tháng Tá thành công đánh đổ chính quyền thực dân phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 

Lịch sử Việt Nam từ thời Nguyên thủy đến thời Nguyễn
Chiếc hộp gỗ đựng sắc phong từ thời Nguyễn

Tham khảo thêm: Thảo Cầm Viên Sài Gòn: Gợi ý lịch trình khám phá trong ngày

Văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam và một số nước Châu Á

Các hiện vật đặc trưng cho nền văn hóa của các dân tộc phía Nam Việt Nam cũng như một số nước Châu Á được trưng bày tại 9 phòng của bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, cùng tìm hiểu cụ thể ngay sau đây: 

  • Phòng 6 – Văn hóa Champa (Thế kỷ 2 – 17)

Các vương quốc Champa cổ xưa chủ yếu nằm dọc theo bờ biển miền Trung vào miền Nam và rất phát triển cả về kinh tế lẫn chính trị trong giai đoạn những thế kỷ đầu tiên sau công nguyên. Có được sự phát triển ấy là do mối quan hệ giao thương chặt chẽ giữa Đông Nam Á và đất nước Ấn Độ. Rất nhiều ngôi đền cổ bằng gạch cũng như những bức tượng được tìm thấy ở vùng đất Chăm xưa là Quảng Nam và Bình Định. 

Những hiện vật  mang đậm dấu ấn Chăm Pa tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh
Những hiện vật mang đậm dấu ấn Chăm Pa tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Chính vì lẽ đó, những vương quốc Champa cổ xưa có nền nghệ thuật ảnh hưởng của Ấn Độ và giữ vị trí đáng chú ý trong di sản văn hóa Việt Nam. Tại bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh đang lưu giữ một trong những bộ sưu tập nghệ thuật Chăm lớn nhất thế giới. Ngoài hiện vật độc nhất là bức tượng Devi Hương Quế nổi tiếng, tại đây còn trưng bày nhiều tượng Phật bằng đồng rất quý hiếm.

  • Phòng 7 – Văn hóa Óc Eo (Thế kỷ 1 – 7)

Thời kỳ đầu của kỷ nguyên, các nước Đông Nam Á đã thiết lập mối liên hệ chặt chẽ với  Trung Quốc và Ấn Độ dựa trên các hoạt động giao thương các mặt hàng như gỗ, vải vóc, mật ong, kim loại… Tại vùng châu thổ sông Mê Kông, mối quan hệ trên đã đạt mức độ đặc biệt khăng khít và được thể hiện rất rõ qua các nghiên cứu khảo cổ học thực hiện trên rất nhiều di chỉ và đứng đầu là di chỉ Óc Eo.

Trình độ phát triển của cư dân bản địa được thể hiện qua các công cụ và vật dụng hàng ngày làm bằng đá, đất nung hoặc kim loại. Nền nghệ thuật của văn hóa Óc Eo vô cùng độc đáo và tinh tế với nhiều đồ trang sức tinh xảo được chế tác bằng vàng, đồng, thiếc hoặc đá bán quý và hạt thủy tinh. Ngoài ra còn có rất nhiều bức tượng được làm bằng đá hoặc đồng mang hình ảnh của Phật, Bồ tát hoặc một số vị thần của Ấn Độ giáo (Siva, Visnu, Surya..) 

  • Phòng 8 – Điêu khắc đá Campuchia (Thế kỷ 9 – 13)

Từ thế kỷ 9 – 13 là thời kỳ phát triển rực rỡ của đất nước Campuchia cùng nền văn minh Angkor với hàng loạt kỳ quan điêu khắc bằng đá nhưphù điêu, lâu đài, đền tháp… đặc biệt ở Angkor Wat và Angkor Thom. Những nghệ nhân người Campuchia đã đưa nghệ thuật điêu khắc đá thời kỳ này lên đỉnh cao mà vẫn mang đậm tính dân tộc. Những tác phẩm điều khắc đá vừa kết hợp được truyền thống văn hóa bản địa cùng với các yếu tố văn hóa Ấn Độ, cho thấy sự tinh tế về thẩm mỹ cũng như sự sùng đạo của nhân dân Campuchia.

  • Phòng 13 – Sưu tập Dương Hà:

Dương Hà là tên bộ sưu tập do hai vợ chồng Giáo sư Dương Minh Thới (1899?-1976) và bà Hà Thị Ngọc (1902?-1979) đã rất dày công sưu tầm vào những năm 30 – 40 của thế kỷ 20. Dương Hà là bộ sưu tập lớn, rất phong phú và đa dạng cả về chất liệu, loại hình cũng như xuất xứ với niên đại được trải dài từ thời tiền sử đến đầu thế kỷ 20. 

Vào năm 1976, bộ sưu tập đã được chuyển giao cho người con gái là bác sĩ Dương Quỳnh Hoa (1930-2006) và chồng là ông Huỳnh Văn Nghị (1928-2015) lưu giữ và phát triển. Sau khi bà Hoa mất, ông Nghị đã đại diện gia đình hiến tặng bộ sưu tập cho TP Hồ Chí Minh. Hiện nay bộ sưu tập Dương Hà được trưng bày tại phòng số 13 của bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh.

  • Phòng 14 – Gốm một số nước Châu Á:

Những sản phẩm gốm làm từ các loại đất nung đã ra đời cách đây khoảng 10.000 năm. Trong suốt quá trình đó, dù kiểu dáng, hoa văn có khác nhau ở từng dân tộc nhưng sự hoàn thiện ngày càng phát triển. Rất nhiều món đồ gốm dược tìm thấy đã trở thành những di vật lịch sử, văn hóa và tác phẩm nghệ thuật rất có giá trị. Phòng 14 tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh trưng bày các hiện vật gốm của một số nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. 

  • Phòng 15 – Xác ướp Xóm Cải (Thế kỷ 19)

Xác được phát hiện vào năm 1994 tại Xóm Cải, phường 8, quận 5, TP Hồ Chí Minh ở một nhà mồ có quy mô khá lớn với diện tích gần 60m2. Tại đây có ngôi mộ song táng được xây bằng vữa hợp chất ô dước, tren bia mộ chỉ còn 3 chữ Hán: Kỷ Tỵ niên.

Xác được chôn theo lối cổ truyền Việt Nam trong quan ngoài quách với đầy đủ đồ khâm liệm, tùy táng và được ngâm trong dung dịch màu đỏ. Theo nghiên cứu thì đây là xác của một phụ nữ người Việt (dân tộc Kinh) thuộc tầng lớp quý tộc. Bà tên là Trần Thị Hiệu, khoảng 60 tuổi, cao 1,52m, mất vào khoảng năm 1869. Xác ướp Xóm Cải được xem là di sản vật chất và tinh thần quý giá góp phần tái hiện lại hiện thực Sài Gòn xưa

  • Phòng 16 – Sưu tập Vương Hồng Sển:

Vương Hồng Sển (1902 – 1996) là nhà nghiên cứu văn hóa và sưu tập cổ vật nổi tiếng ở miền Nam. Ông đã sưu tập được hơn 800 cổ vật, chủ yếu là đồ gốm men xanh trắng thế kỷ 18-19 của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp… Với mong muốn bộ sưu tập của mình được bảo tồn, ông đã lập di chúc hiến tặng toàn bộ cổ vật và sách vở cho nhà nước. Hiện nay bộ sưu tập của ông được trưng bày tại phòng 16 bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Phòng trưng bày này giới thiệu các loại hiện vật bằng nhiều chất liệu của các nước Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Thái Lan, Pháp sản xuất từ thế kỷ X – XIX thuộc sưu tập Vương Hồng Sển nhằm cho thấy giá trị của sưu tập và những đóng góp của ông trong việc nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.  

Văn hóa các dân tộc phía Nam Việt Nam và một số nước Châu Á
Bộ sưu tập cực giá trị của Vương Hồng Sến
  • Phòng 17 – Văn hóa các Dân tộc phía Nam Việt Nam 

Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Kinh chiếm hơn 85% dân số và dân tộc ít người nhất là Rơ Măm, Brâu và Ơ Đu (dưới 500 người). Cộng đồng các dân tộc tại Việt Nam đã được hình thành và phát triển cùng với quá trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng tạo nên sự đa dạng, phong phú và góp phần hình thành nên bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Lịch sử ghi nhận tại khu vực phía Nam, từ Quảng Bình vào đến Cà Mau là nơi cư trú chủ yếu của các dân tộc ngữ hệ Nam Á, Nam Đảo. Do từ thế kỷ 16, cư dân Việt và Hoa đã đến đây khai phá và xây dựng vùng đất này. Sau năm 1975, phân bố dân cư đã có sự thay đổi lớn do nhiều người dân thuộc các dân tộc ở phía Bắc Việt Nam đã chuyển vào phía Nam định cư.  Phòng 17 bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh trưng bày và giới thiệu các hiện vật thể hiện những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc phía Nam Việt Nam

  • Phòng 18 – Tượng Phật giáo một số nước Châu Á

Khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên, Phật giáo được Đức Thích Ca Mâu Ni sáng lập tại miền Bắc Ấn Độ.  Từ thế kỷ thứ 1-3 TCN, các tu sĩ Ấn Độ đã truyền bá Phật giáo thông qua con đường tơ lụa lên phía Bắc qua Trung Á đến Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Nhật Bản là Phật giáo Đại Thừa (Bắc Tông). Từ phía Nam đến Sri Lanka, các quốc gia: Myanmar, Thái Lan, Campuchia, Lào… là Phật giáo Nguyên thủy (Nam Tông).

Tượng Phật giáo được trưng bày tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh
Tượng Phật giáo được trưng bày tại bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh

Trên cơ sở đó, Phật giáo đã hòa nhập với tín ngưỡng và tôn giáo riêng của mỗi nước để hình thành sắc thái văn hóa Phật giáo đặc trưng tại mỗi khu vực. Sự truyền bá của Phật giáo đã ảnh hưởng rất lớn đến sự ra đời và phát triển sáng tạo của nhiều nền nghệ thuật Phật giáo trên khắp châu Á. Phòng 18 của bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh là nơi trưng bày nhiều tượng Phật quý hiếm của một số nước châu Á. 

Súng thần công được trưng bày ngoài trời

Súng thần công là loại vũ khí đánh xa được ra đời vào khoảng thế kỷ 14 tại Châu Âu. Đây là loại súng có kích thước lớn, được đúc bằng đồng, sắt hoặc gang nên trọng lượng rất nặng. Đạn của loại súng này là những quả cầu đặc bằng gang, sắt được bắn ra do sức đẩy của thuốc đạn nhồi.

Cấu tạo của súng thần công gồm các bộ phận: nòng súng, trục quay, lỗ điểm hỏa, khối hậu… Trong đó nòng súng chứa đạn, trục quay để điều chỉnh góc bắn, lỗ điểm hỏa để châm ngòi, khối hậu được đúc kín chứa thuốc nổ. Cuối thế kỷ 19, súng thần công được cải tiến thêm đường khương tuyến để bắn xa hơn, chế thêm khóa nòng và đạn nổ để tăng tính sát thương khi tiêu diệt cứ điểm.

Súng thần công được trưng bày ngoài trời
Những khẩu súng thần công có từ thế kỉ 18-19

Bài viết trên đã tổng hợp và gửi đến bạn những thông tin chi tiết về Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Hy vọng điều nay sẽ giúp bạn hình dung ra được lịch sử hình thành và phát triển của bảo tàng với bao thăng trầm. Đừng quên đón đọc nhiều bài viết hấp dẫn và hữu ích khác được cập nhật hàng ngày trên Mogi.vn nhé!

Có thể bạn quan tâm: 

Nguyễn Trà My

Nguyễn Trà My
Nguyễn Trà My
Chào các bạn, mình là Nguyễn Trà My - hiện đang là Content Writer tại Mogi.vn - với 3 năm kinh nghiệm ở lĩnh vực bất động sản, phong thủy, kiến trúc, hy vọng sẽ mang đến thật nhiều bài viết hữu ích cho bạn đọc
spot_img

TIN LIÊN QUAN