Hình ảnh và thông tin về ngôi chùa Ba Vàng tại Quảng Ninh phủ kín các mặt báo và phương tiện truyền thông với bê bối lợi dụng yếu tố tâm linh để trục lợi. Sai phạm thế nào chưa rõ nhưng chắc hẳn ai tìm hiểu về ngôi chùa này cũng phen ngõ ngàng bởi kiến trúc, quy mô hoành tráng và đặc biệt là số tiền công đức lên tới hàng trăm tỷ đồng được dùng cho việc xây dựng chùa trong những năm qua.
Chùa Ba Vàng còn có tên gọi là Bảo Quang Tự, hiện toạ lạc ở lưng chừng núi Thành Đẳng, phía Tây thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một vị trí đẹp ở độ cao 340m hướng ra Bạch Đằng Giang uốn lượn, phố cảng Hải Phòng và thu trọn tầm nhìn biển Đồ Sơn. Phía bên trái của ngôi chùa là dãy núi Thanh Long trùng điệp, bên phải là dãy núi Bạch Hổ trong tư thế phục xuống. Theo các chuyên gia phong thuỷ Việt, đây là một trong những địa thế hội tụ nhiều yếu tố tâm linh, nơi tập trung các dòng chảy vượng khí của đất trời.
Trên thiên đài trụ đặt trước cửa chùa chỉ rõ chùa được xây dựng từ năm Ất Dậu (1706) dưới triều vua Lê Dụ Tông. Vị Thiền Tổ khai sáng cho chùa chính là Đại Thiền Sư Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn – Tuệ Bích Phổ Giác thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Sự tàn phá của thiên nhiên và chiến tranh từng khiến cho công trình kiến trúc cổ có nhiều phế tích. Tuy nhiên, đến năm 1993 thì ngôi chùa được đầu tư xây dựng lại. Dấu tích cổ xưa cho tới nay chỉ còn lại cây hương đá, tấm bia linh vị thiền sư và viên tảng kê chân cột.
Đến thời điểm năm 2007, ngôi chùa Ba Vàng này có sự thay đổi bước ngoặt khi Đại đức Thích Trúc Thái Minh trở thành trụ chì mới. Chỉ 4 năm sau, ông quyết định khởi công xây dựng nhà chùa với quy mô to lớn, khang trang hơn rất nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu tu học của tăng ni, phật tử và hoằng dương Phật pháp.
Sau 3 năm xây dựng, chùa Ba Vàng về cơ bản đã hoàn thành với rất nhiều phân khu rộng lớn đồng thời nhận kỷ lục “Ngôi chùa trên núi có Chính Điện lớn nhất Đông Dương” với diện tích 4.500 m2. Khi nói về ngôi chùa này, Thượng toạ Thích Đạo Hiển – Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Số tiền được dùng để xây dựng chùa Ba Vàng là rất lớn, ước tính lên tới vài trăm tỷ đồng”. Được biết, số tiền này được lấy từ quá trình huy động, đóng góp công đức của nhiều đơn vị và phật tử khi tới thăm chùa vào các dịp lễ lớn hàng năm.
Xét về tổng thể công trình kiến trúc quy mô của mình, chùa Ba Vàng bao gồm các phân khu chính như Ngôi Đại Hùng Bảo Điện (4500m2), Khu Nhà Tăng (1600 m2), Thiền Đường (960 m2), Nhà Bảo Tàng (700 m2), Thư Viện (700 m2), Hành Lang La Hán (200m2), Lầu Chuông (112 m2), Lầu Trống (112 m2). Ngoài ra, chùa còn có Cổng Đá, Cổng Tam Quan Trung, Cổng Tam Quan Nội và một số công trình phụ có thiết kế ấn tượng khác.
Theo số liệu thống kê, tính cho đến năm 2019, ngôi chùa này đã bành trướng diện tích ra khoảng 22ha và số vốn đầu tư xây dựng đạt mức 280 tỷ đồng.
Mang phong cách kiến trúc Bắc Bộ đặc trưng, chùa Ba Vàng được xây mới 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung có ban thờ Phật, thờ Đức Ông và thờ Mẫu. Còn chùa chính “Đại hùng bảo điện” được xây quy mô nhất với 2 tầng rộng rãi. Kế tiếp khu chùa chính là khu giảng đạo, thư viện, trai phòng, lầu chuông,…tất cả các phân khu này được thiết kế liên hoàn với nhau mang tới sự thuận tiện cho các nhà sư hành đạo và phật tử khi muốn tới chùa lễ Phật.
Hiện nay, chùa Ba Vàng có nơi thờ Tam Bảo trống độc mộc lớn nhất Việt Nam. Hệ thống tượng pháp được bày trí trong chùa được làm bằng gỗ và có kích thước rất lớn từ 2m trở lên như tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác. Nổi bật trong đó là pho tượng A Di Đà là tượng Phật bằng gỗ nắm giữ kỷ lục lớn nhất miền Bắc hiện nay.
Trong sự kiện được quan tâm nhất mới đây, Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh bị phản ánh “tuyên truyền vong báo oán” với nhiều nội dung có tính chất sai lệch, mê tín dị đoan. Nhưng xã hội còn bất ngờ hơn là nhờ hoạt động này mà mỗi năm chùa thu được cả trăm tỷ đồng từ các gia chủ muốn thỉnh oan gia trái chủ.
Không rõ số tiền lên tới hàng trăm tỷ được chùa Ba Vàng sử dụng để hoàn thiện việc mở rộng quy mô, xây dựng chùa hay còn có mục đích nào khác. Dù vậy, với thiết kế nổi bật và ấn tượng, quả thực ngôi chùa này xứng đáng là một trong những công trình tâm linh lớn và đáng tham quan nhất tại Việt Nam của du khách trong và ngoài nước.
Thảo Trần (tổng hợp)
Xem thêm
- Ngỡ ngàng với ngôi nhà kính Treehotel “treo lơ lửng” giữa rừng cây