Quy hoạch là một thuật ngữ được sử dụng nhiều hiện nay, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ quy hoạch là gì, cách phân loại và chính sách trong quy hoạch của Nhà nước. Cùng Mogi tìm hiểu những thông tin đó trong bài viết dưới đây.
Quy hoạch là gì?
Quy hoạch là quá trình phân bố và sắp xếp các hoạt động và các yếu tố sản xuất, dịch vụ và đời sống trên một vùng lãnh thổ nhất định (quốc gia, vùng, tỉnh, huyện) nhằm phục vụ một mục đích nhất định trong khoảng thời gian trung hạn và dài hạn. Quá trình này cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia và là cơ sở để lập kế hoạch phát triển của lãnh thổ nước đó.
Theo quy định tại Điều 3 Luật Quy hoạch 2017:
“1. Quy hoạch là việc sắp xếp, phân bố không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên lãnh thổ xác định để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững cho thời kỳ xác định.
- Hoạt động quy hoạch bao gồm việc tổ chức lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch.
- Cơ quan lập quy hoạch là cơ quan, tổ chức được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao trách nhiệm lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.”
Cũng theo Điều 3 quy định tại Luật này, có nhiều loại quy hoạch khác nhau, được phân loại dựa trên đối tượng và phạm vi quy hoạch.
Phân loại quy hoạch
Quy hoạch được phân loại theo đối tượng hoặc phạm vi cụ thể. Đối tượng được quy hoạch bao gồm không gian biển, sử dụng đất, ngành và đô thị. Theo phạm vi quy hoạch được chia theo quy hoạch tổng thể quốc gia, vùng, tỉnh và đô thị. Cùng Mogi.vn tìm hiểu cách phân loại quy hoạch là gì qua các thông tin tiếp theo đây.
Theo đối tượng được quy hoạch
Sau khi đã nắm được khái niệm quy hoạch là gì, hãy cùng Mogi tiếp tục tìm hiểu cách phân loại quy hoạch theo quy định hiện hành. Theo đó, đối tượng quy hoạch được chia thành 4 loại theo luật Quy hoạch 2017 như sau:
- Quy hoạch không gian biển quốc gia
Khoản 3 Điều 3: “3. Quy hoạch không gian biển quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.”
Theo đó, quy hoạch không gian biển thường mang tính chiến lược, giúp phân vùng và liên kết tất cả các vùng lãnh thổ của nước ta.
Về thẩm quyền tổ chức hoạt động quy hoạch không gian biển được quy định tại Khoản 1 điều 14 của bộ luật này:
Khoản 1 Điều 14: “1. Chính phủ tổ chức lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.”
Như vậy, chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trong hoạt động quy hoạch không gian biển quốc gia. Thời gian tối đa để hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia là 36 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.
- Quy hoạch sử dụng đất quốc gia
Khoản 4 Điều 3: “4. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cơ sở tiềm năng đất đai.”
Cũng giống như việc quy hoạch không gian biển quốc gia, chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong hoạt động này theo quy định tại khoản 1 điều 14 luật Quy hoạch 2017.
- Quy hoạch ngành
Khoản 5 Điều 3: “5. Quy hoạch ngành quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.”
Quy hoạch ngành được thực hiện bởi các bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia, theo quy định tại khoản 3 điều 14 luật Quy hoạch 2017.
“3. Bộ, cơ quan ngang Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia.”
Thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia được quy định tại Điều 17 Nghị định 37/2019/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 1 Nghị định 58/2023/NĐ-CP:
“2. Thời hạn lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh không quá 30 tháng tính từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được phê duyệt.”
Như vậy, các bộ và cơ quan ngang Bộ cần tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia trong vòng không quá 30 tháng khi nhiệm vụ được phê duyệt.
Theo phạm vi quy hoạch
Tương tự với phân loại quy hoạch theo đối tượng thì quy hoạch còn được phân loại dựa trên phạm vi, cụ thể như sau:
- Quy hoạch tổng thể quốc gia
Theo khoản 2 điều 3 luật Quy hoạch 2017 quy định về quy hoạch tổng thể quốc gia:
- Quy hoạch tổng thể quốc gia là quy hoạch cấp quốc gia, mang tính chiến lược theo hướng phân vùng và liên kết vùng của lãnh thổ bao gồm đất liền, các đảo, quần đảo, vùng biển và vùng trời; hệ thống đô thị và nông thôn; kết cấu hạ tầng; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Như vậy, quy hoạch tổng thể quốc gia thuộc hệ thống quy hoạch cấp quốc gia, được thực hiện bởi Chính phủ theo quy định tại khoản 1 điều 14 của luật Quy hoạch 2017. Thời hạn quy hoạch tổng thể quốc gia là không quá 36 tháng kể từ ngày nhiệm vụ quy hoạch được ban hành.
- Quy hoạch vùng
Khoản 6, 7 theo điều 3 quy định tại luật Quy hoạch 2017 về vùng và hoạt động quy hoạch vùng như sau:
“6. Vùng là một bộ phận của lãnh thổ quốc gia bao gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lân cận gắn với một số lưu vực sông hoặc có sự tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, lịch sử, dân cư, kết cấu hạ tầng và có mối quan hệ tương tác tạo nên sự liên kết bền vững với nhau.
- Quy hoạch vùng là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia ở cấp vùng về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, xây dựng vùng liên tỉnh, kết cấu hạ tầng, nguồn nước lưu vực sông, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối các tỉnh.”
Thủ tướng chính phủ có trách nhiệm lập quy hoạch vùng trong thời hạn không quá 36 tháng kể từ ngày xác nhận nhiệm vụ quy hoạch.
- Quy hoạch tỉnh
Theo Khoản 8 điều 3 tại luật Quy hoạch 2017 quy định về quy hoạch tỉnh như sau:
Khoản 8: “8. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.”
Quy hoạch tỉnh được thực hiện bởi ủy ban nhân dân cấp tỉnh, theo quy định tại khoản 4 điều 17 tại luật Quy Hoạch 2017:
“4. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập quy hoạch tỉnh.”
Thời hạn lập quy hoạch tỉnh không quá 36 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập quy hoạch được xác nhận.
Xem thêm: Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025: hướng đa trung tâm
Chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch
Tại điều 10 của luật Quy hoạch 2017 có quy định về chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch, cụ thể như sau:
“1. Nhà nước quản lý phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động nguồn lực để thúc đẩy phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch.
- Nhà nước ban hành cơ chế, chính sách tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch.”
Bên cạnh đó, nhà nước cũng thực hiện các chính sách để hỗ trợ hoạt động quy hoạch:
- Khuyến khích và huy động nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, và ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ nguồn lực cho hoạt động quy hoạch, đảm bảo tính khách quan, công khai, và minh bạch.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quy hoạch.
- Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quy hoạch
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch
Điều 13 Luật Quy hoạch 2017 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm trong quy hoạch được thể hiện như sau:
“1. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan.
- Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ.
- Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.
- Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân.
- Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu.
- Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt.
- Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.”
Một số câu hỏi thường gặp
Nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn các hoạt động liên quan đến quy hoạch, mời bạn cùng Mogi.vn tìm hiểu một số câu hỏi thường gặp dưới đây.
Quy hoạch 1/2000 là gì?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 24 và Khoản 2 Điều 11 Luật Xây dựng Việt Nam, quy hoạch 1/2000 là một loại bản đồ thể hiện không gian, kiến trúc, cảnh quan hay bản đồ thể hiện mặt bằng sử dụng, quy hoạch giao thông, cùng với sơ đồ hạ tầng kỹ thuật và cơ điện. Quy hoạch 1/2000 thường được thực hiện bởi địa phương. Tuy nhiên, đối với một số dự án mới trong khu vực, nhà thầu phải tuân thủ các quy định của Nhà nước.
Quy hoạch chi tiết 1/500 là gì?
Theo khoản 2 Điều 30 Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, sửa đổi năm 2018, bản đồ quy hoạch chi tiết 1/500 là bản quy hoạch tổng mặt bằng của các dự án đầu tư xây dựng. Bản đồ này đóng vai trò quan trọng, là cơ sở để định vị công trình, thiết kế kỹ thuật và xây dựng. Quy hoạch 1/500 phải gắn liền với một dự án cụ thể, làm cơ sở để cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng trong tương lai.
Tại sao quy hoạch phải có bản đồ?
Theo quy định của pháp luật, việc quy hoạch bắt buộc phải bao gồm bản đồ. Đây là một phần quan trọng trong nội dung đồ án quy hoạch. Một đồ án quy hoạch đô thị là tài liệu thể hiện nội dung của quy hoạch đô thị, bao gồm các bản vẽ, mô hình, thuyết minh và quy định quản lý theo quy hoạch đô thị.
Mỗi bản đồ có một ý nghĩa riêng, được sử dụng tùy thuộc vào từng giai đoạn quy hoạch. Ngoài ra, các bản đồ này còn có giá trị pháp lý cao, làm căn cứ để đưa ra quyết định khi xảy ra tranh chấp hoặc kiện tụng.
Lời kết
Trên đây là những thông tin về hoạt động quy hoạch được Mogi.vn tổng hợp gửi đến bạn. Hi vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu được quy hoạch là gì cùng cách phân loại và các chính sách trong hoạt động quy hoạch. Ngoài ra, bạn có thể truy cập trang Mogi.vn để tìm hiểu thêm các tin tức về thị trường bất động sản, mua nhà đất, phong thủy…
Xem thêm:
- Quy Hoạch Phân Khu Là Gì? Chi Tiết Nội Dung Và Quy Định Hiện Hành
- Hướng dẫn 4 cách kiểm tra quy hoạch đất đai đơn giản nhất