Dinh Độc Lập là một địa điểm tham quan mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến với thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây không chỉ ghi dấu những hồi ức đáng nhớ về lịch sử dân tộc mà còn sở hữu nhiều nét kiến trúc độc đáo, đáng để chiêm ngưỡng. Trong bài viết sau đây, hãy cũng Mogi.vn khám phá một số điều thú vị về khu di tích này nhé.
Giới thiệu tổng quan về Dinh Độc Lập
Là một điểm đến du lịch nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày Dinh Độc Lập thu hút hàng trăm lượt khách vào tham quan, tìm hiểu về lịch sử. Tuy nhiên, trước khi đến đây, bạn nên tìm hiểu qua vị trí, giờ mở cửa và giá vé Dinh Độc Lập để đảm bảo một chuyến tham quan suôn sẻ và trọn vẹn.
Vị trí
Dinh Độc Lập tọa lạc tại số 135 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Nằm ngay tại trung tâm quận 1, nơi đây được bao quanh bởi 4 trục đường lớn gồm:
- Phía Tây Nam giáp đường Huyền Trân Công Chúa
- Phía Đông Nam giáp đường Nguyễn Du
- Phía Tây Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai
- Phía Đông Bắc giáp Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đây cũng là hướng cổng chính Dinh Độc Lập.
Từ đây, du khách có thể dễ dàng di chuyển đến nhiều địa điểm hấp dẫn khác như Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, công viên 30/4,…
Xem thêm: Công viên Thỏ Trắng nằm ở đâu? Khám phá các điểm vui chơi tại đây
Theo các thầy phong thủy, Dinh Độc Lập được xây dựng trên long mạch, với phần đầu rồng chính là vùng đất nơi dinh tọa lạc còn đuôi rồng là khu vực Hồ Con Rùa. Vì đuôi rồng thường vùng vẫy, được xem là nơi có nhiều sự biến động. Thế nên thuở xưa, khu vực Hồ Con Rùa đã được trấn yểm bằng một tượng rùa bằng đồng đội bia với hy vọng tránh được những sóng gió xảy đến với người nắm quyền ở Dinh. Tuy nhiên hiện nay, cả tượng rùa và tấm bia đã bị phá hủy.
Thời gian mở cửa và giá vé
Để có một chuyến tham quan Dinh Độc Lập suôn sẻ, bạn nên tìm hiểu về thời gian mở cửa cũng như giá vé trước khi đến đây.
Được biết Dinh Độc Lập mở cửa đón khách tất cả các ngày trong tuần, bao gồm cả lễ, Tết (chỉ ngoại trừ một số dịp trọng đại).
- Giờ mở cửa: từ 8 giờ đến 16 giờ 30. Lưu ý, bán vé từ 8 giờ – 15 giờ 30.
- Giá vé tham quan Dinh: 40.000 đồng/người lớn, 20.000 đồng/học sinh – sinh viên, 10.000 đồng/trẻ em.
- Giá vé combo tham quan Dinh và nhà trưng bày: 65.000 đồng/người lớn, 45.000đ/học sinh – sinh viên, 15.000đ/trẻ em.
Lịch sử và ý nghĩa của Dinh Độc Lập
Để hiểu rõ hơn về lịch sử Dinh Độc Lập, hãy cùng Mogi.vn khám phá những sự kiện quan trọng đã diễn ra tại đây qua từng giai đoạn. Những thông tin này có thể sẽ giúp bạn thấy được vai trò và giá trị quan trọng của Dinh Độc Lập đối với lịch sử Việt Nam.
Giai đoạn 1867 – 1945 (Dưới thời Pháp thuộc)
- Năm 1867: Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ Lục Tỉnh, họ đã cho thực hiện một bản thiết kế để xây dựng dinh thự mới trên đại lộ Norodom (nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa) cho Thống đốc Nam Kỳ La Grandière tại Sài Gòn, thay thế cho dinh thự cũ bằng gỗ ở cuối đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi).
- Tháng 2/1868: Thống đốc La Grandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên để khởi công xây dựng theo thiết kế của kiến trúc sư Achille Antoine Hermite. Công trình hoàn thành vào năm 1871 và được đặt tên là Dinh Norodom, theo tên của Quốc vương Campuchia trị vì thời điểm đó.
- Từ 1871 – 1887: Nơi đây đã được đổi tên thành Dinh Thống đốc Nam kỳ.
- Từ 1887 đến 1945: Nơi đây không còn dành cho các Thống đốc mà trở thành nơi ở và làm việc của các Toàn quyền Đông Dương, nên được gọi là Dinh Toàn quyền.
- Tháng 3/1945: Nhật đảo chính Pháp và chiếm lấy Đông Dương nên dinh trở thành trụ sở của chính quyền Nhật tại Việt Nam. Sau khi Nhật Bản thất bại trong Chiến tranh Thế giới II vào tháng 9 cùng năm, dinh được trả lại cho chính quyền Pháp.
Xem thêm: Địa đạo Củ Chi ở đâu? – Kinh nghiệm tham quan Vùng đất thép
Giai đoạn 1955 – 1975 (Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ)
- Tháng 5/1954: Sau khi Pháp ký Hiệp định Genève và rút khỏi Việt Nam, đất nước bị chia thành hai miền. Dinh Norodom được chuyển giao cho đại diện chính quyền Sài Gòn, Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
- Tháng 10/1955: Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại, thành lập chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và lên làm Tổng thống, đồng thời đổi tên Dinh thành Dinh Độc Lập, hay còn được gọi là Dinh Tổng thống.
- Đến năm 1962: Một vụ đánh bom đã làm sập một phần Dinh Độc Lập. Do không thể khôi phục lại như cũ, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã quyết định phá dỡ toàn bộ và xây dựng một dinh thự mới (Dinh Độc Lập hiện nay) theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ.
- Từ 1966 đến 1975: Nơi đây trở thành nơi ở và làm việc của các đời Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
- Ngày 30/4/1975: Tại Dinh Độc Lập, diễn ra sự kiện lịch sử đánh dấu mốc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chấm dứt 20 năm kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Sau 1975 đến nay
Vào tháng 11/1975, hội nghị hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Bắc – Nam đã được tổ chức tại Dinh Độc Lập nên về sau, nơi này còn được gọi là Hội trường Thống Nhất.
Dinh Độc Lập được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 25/6/1976 và trở thành một trong 10 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam vào ngày 12/8/2009. Hiện nay, Dinh Độc Lập vẫn là điểm đến du lịch nổi tiếng mà bất kỳ ai đến với thành phố Hồ Chí Minh đều không thể bỏ qua.
Xem thêm: Chùa Việt Nam Quốc Tự: Ngôi chùa có tòa tháp cao nhất Việt Nam
Thiết kế độc đáo của Dinh Độc Lập
Dù là một công trình nổi tiếng nhưng không phải ai cũng biết được những chi tiết tinh tế và ý nghĩa sâu xa trong thiết kế của Dinh Độc Lập. Có thể những thông tin mà Mogi.vn cung cấp bên dưới đây sẽ khiến bạn càng ấn tượng hơn về nơi này.
Thiết kế bên ngoài đẹp mắt và mang ý nghĩa sâu sắc
Dinh Độc Lập là sự kết hợp giữa phong cách kiến trúc Á Đông với cổ điển Pháp, trong đó mặt chính diện được thiết kế theo hình chữ Cát (吉) tượng trưng cho may mắn. Ngoài ra, khi quan sát kỹ, bạn sẽ còn nhận thấy nhiều ý nghĩa thú vị về thiết kế bên ngoài của Dinh Độc Lập, chẳng hạn như:
- Lầu Thượng được thiết kế theo hình chữ Khẩu (口) với ý muốn đề cao sự tự do ngôn luận và giáo dục. Khi kết hợp với cột cờ ở chính giữa lại tạo thành chữ Trung (中), thể hiện sự trung kiên với nhân dân, đất nước.
- Sự kết hợp giữa ba nét gạch ngang tạo bởi mái hiên tầng thượng, mái hiên tiền sảnh và bao lơn danh dự tạo thành một chữ Tam (三). Sau đó, hợp với nét sổ dọc tạo thành chữ VƯƠNG (王) và phía trên có kỳ đài tạo thành nét chấm hình chữ CHỦ (主). Điều này tượng trưng cho chủ quyền đất nước, nhấn mạnh rằng làm vua cần biết giữ vai trò chủ đạo, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.
Ngoài ra, khuôn viên Dinh Độc Lập còn rộng đến 120.000m² với thảm cỏ xanh mướt, mang lại cảm giác tươi mới và thoải mái ngay từ khi bước vào. Đài phun nước ở giữa sân được trang trí với hoa sen và hoa súng cũng góp phần tạo nên một không gian yên bình, dịu mát. Chính sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc độc đáo cũng là một trong những điểm đặc sắc của công trình này.
Xem thêm: Hồ con rùa quận 3 – Địa điểm vui chơi, ăn uống giá rẻ tại Sài Gòn
Không gian bên trong cổ điển và sang trọng
Dinh Độc Lập có diện tích sử dụng lên đến 20.000m², bao gồm 2 tầng hầm, 1 tầng nền, 3 tầng chính, 2 gác lửng và 1 sân thượng. Không gian bên trong được thiết kế theo lối kiến trúc đường ngay sổ thẳng và được bố trí khoảng 100 phòng với chức năng riêng biệt. Mỗi phòng đều được trang bị nội thất đơn giản nhưng sang trọng và đủ tiện nghi.
Dinh được chia thành ba khu vực chính gồm Khu cố định, Khu chuyên đề và Khu bổ sung, mỗi khu đều có những nét độc đáo và ý nghĩa riêng biệt, trong đó:
- Khu cố định: Được thiết kế làm nơi làm việc và sinh hoạt của chính quyền thời bấy giờ, bao gồm các phòng khánh tiết, phòng đại yến, phòng làm việc của Tổng thống,… Ngoài ra, còn có khu vực riêng để ngủ, giải trí,…
- Khu chuyên đề: Được dùng để trưng bày các hiện vật lịch sử và tổ chức triển lãm lớn, giúp du khách tìm hiểu sâu về một số thời kỳ quan trọng của dân tộc.
- Khu bổ sung: Nơi lưu giữ nhiều hình ảnh lịch sử quý giá, được các nhà nghiên cứu sưu tầm và gìn giữ để truyền lại cho các thế hệ sau.
Hướng dẫn cách tham quan Dinh Độc Lập
Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về cách tham quan Dinh Độc Lập, giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho chuyến khám phá di tích lịch sử này.
Phương tiện di chuyển
Dinh Độc Lập sở hữu vị trí đặc địa ngay trung tâm thành phố nên rất thuận tiện cho việc di chuyển. Bạn có thể đến đây bằng phương tiện cá nhân như xe đạp, xe máy, ô tô hoặc phương tiện công cộng như taxi, xe buýt.
Nếu đi bằng ô tô, xe máy hoặc xe đạp, bạn có thể gửi xe tại khu vực đường Huyền Trân Công Chúa hoặc công viên Tao Đàn trên đường Trương Định.
Nếu lựa chọn xe buýt, bạn có thể tham khảo các tuyến sau đây có lộ trình đi qua Dinh Độc Lập:
- Tuyến 01: Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn
- Tuyến 02: Bến Thành – Bến xe Miền Tây
- Tuyến 03: Bến Thành – Thạnh Lộc
- Tuyến 04: Bến Thành – Cộng Hòa – Bến xe An Sương
- Tuyến 05: Bến xe Chợ Lớn – Biên Hòa
Lưu ý khi tham quan Dinh Độc Lập
Vì Dinh Độc Lập là một khu di tích lịch sử nên khi đến đây tham quan, du khách cần lưu ý một số điều sau đây để bảo vệ giá trị văn hóa cũng như bầu không khí nghiêm trang, cụ thể như sau:
- Mặc trang phục lịch sự, gọn gàng.
- Tuân thủ theo các biển báo và sự hướng dẫn của nhân viên an ninh.
- Không mang hành lý, đồ ăn thức uống và động vật vào khu di tích.
- Không được mang theo vũ khí, chất độc hại hoặc chất cháy nổ bên mình khi vào tham quan.
- Khách tham quan sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm nếu gây ra bất kỳ tổn thất nào cho khu di tích.
- Đội ngũ nhân viên an ninh được quyền chấm dứt chuyến tham quan đối với các cá nhân vi phạm nội quy của Dinh.
- Để thuận tiện trong quá trình tham quan, bạn có thể mua sơ đồ Dinh Độc Lập để dễ dàng di chuyển và khám phá.
Xem thêm: Bến Bạch Đằng – Địa điểm check-in cực “chill” dành cho giới trẻ
Những điểm đến nổi bật gần khu vực Dinh Độc Lập
Để làm phong phú thêm chuyến đi đến Dinh Độc Lập của bạn, hãy khám phá một vài địa điểm nổi bật xung quanh khu vực này đã được Mogi.vn tổng hợp bên dưới đây. Từ đó, bạn có thể tận dụng thời gian vi vu trải nghiệm nhiều điểm đến gần kề nhau.
Bưu điện trung tâm Sài Gòn
Địa chỉ: Số 2 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1
Bưu điện trung tâm Sài Gòn hay bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh là một công trình mang đậm phong cách cổ điển Pháp và được thiết kế bởi kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel, người nổi tiếng với các công trình như Tháp Eiffel và Tượng Nữ Thần Tự Do.
Bưu điện được xây dựng từ năm 1886 đến 1891, nổi bật với hệ thống ô cửa và mái vòm lớn cùng màu vàng đặc trưng và chiếc đồng hồ cổ điển ở trung tâm mặt tiền. Đến nay, nơi đây không chỉ là một địa điểm phục vụ các dịch vụ bưu chính mà còn được xem như một trong những biểu tượng văn hóa của thành phố, thu hút nhiều khách tham quan.
Chợ Bến Thành
Nhắc đến các khu chợ nổi tiếng bậc nhất thành phố Hồ Chí Minh, chắc chắn không thể bỏ qua chợ Bến Thành. Chỉ cách Dinh Độc Lập khoảng 1,3km, bạn có thể đến đây để trải nghiệm nhiều nét văn hóa đặc trưng của Việt Nam thông qua ẩm thực, thời trang, các hoạt động vui chơi giải trí,… Tuy nhiên, bạn nên cân nhắc lựa chọn thời gian tham quan phù hợp, cụ thể là từ 7 giờ 30 đến 18 giờ sẽ tiện để bạn mua sắm, ăn uống bên trong chợ.
Bảo tàng Chứng tích Chiến Tranh
Địa chỉ: Số 28 Võ Văn Tần, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3
Thêm một điểm đến mà bạn có thể bổ sung vào lịch trình chuyến đi của mình, đó chính là Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh. Mặc dù không sở hữu kiến trúc cổ kính hay hiện vật quý giá, nơi đây vẫn thu hút đông đảo du khách nhờ vào những giá trị cảm xúc sâu sắc mà các tư liệu và hình ảnh chân thực về thời chiến mang lại.
Bên cạnh các chuyên đề trưng bày thường xuyên, bảo tàng còn tổ chức nhiều buổi triển lãm, tọa đàm và hội thảo về lịch sử, giúp lan tỏa hiểu biết và nhận thức về những giai đoạn quan trọng trong lịch sử Việt Nam đến với nhiều người hơn.
Nhà Thờ Đức Bà
Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, Phường Bến Nghé, Quận 1
Chỉ cách Dinh Độc Lập khoảng 650m, Nhà thờ Đức Bà là một địa điểm thu hút nhiều du khách tham quan không kém. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Roman kết hợp với kiến trúc Gothic độc đáo. Một số điểm nổi bật của nhà thờ mà du khách nên khám phá bao gồm tòa thánh đường, tháp chuông, tượng đồng Pigneau de Béhaine, tượng Đức Mẹ Hòa Bình,…
Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 7 Công trường Lam Sơn, Phường Bến Nghé, Quận 1
Nhà hát Thành Phố có nhiều điểm tương đồng với Nhà hát Lớn Hà Nội, đặc biệt là ở nét kiến trúc đậm chất cổ điển Pháp. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp như kịch, cải lương và opera. Nên nếu bạn đam mê những bộ môn này thì có thể tham khảo đến đây để thưởng thức. Giá vé vào nhà hát phụ thuộc vào từng chương trình biểu diễn, thường dao động khoảng 700.000 VNĐ/người.
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 65 Lý Tự Trọng, Phường Bến Nghé, Quận 1
Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là một công trình đã hơn 100 năm tuổi, được thiết kế bởi kiến trúc sư người Pháp Alfred Foulhoux, xây dựng từ năm 1885 và hoàn thành vào năm 1890, với diện tích gần 2ha. Bạn nên một lần đến đây để được chiêm ngưỡng nét kiến trúc độc đáo cùng nhiều hiện vật cổ xưa gợi nhớ một phần lịch sử và văn hóa dân tộc, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những cảm nhận thú vị.
Xem thêm: Chợ Bà Điểm – Nơi giao lưu mua bán của người dân Hóc Môn
Vincom Center Đồng Khởi
Địa chỉ: Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1
Vincom Center Đồng Khởi là một điểm đến không thể bỏ qua với sự kết hợp hoàn hảo giữa mua sắm, ẩm thực và giải trí. Tòa nhà hiện đại này sẽ mang đến cho bạn trải nghiệm shopping đẳng cấp với nhiều thương hiệu uy tín cả trong nước lẫn quốc tế. Ngoài ra, bạn còn có thể thưởng thức đa dạng các món ăn tại những nhà hàng nổi tiếng. Đặc biệt, không gian sang trọng và dịch vụ tận tâm tại đây chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ
Đây là một địa điểm nổi tiếng với hàng nghìn góc “sống ảo”. Không chỉ vậy, xung quanh khu vực phố đi bộ còn tập trung nhiều hàng quán ăn uống, cửa hàng kinh doanh. Ngoài ra, thỉnh thoảng phố đi bộ còn là nơi được lựa chọn để tổ chức các sự kiện âm nhạc lớn quy tụ nhiều nghệ sĩ đình đám vào những dịp lễ hội đặc biệt. Do đó, bạn có thể cân nhắc đến đây để trải nghiệm.
Lưu ý, phố đi bộ Nguyễn Huệ mở cửa suốt cả ngày, tuy nhiên, vẫn sẽ có xe cộ lưu thông qua lại hai bên đường. Riêng vào tối thứ 7 và Chủ Nhật, tất cả các loại xe đều bị cấm, lúc này con phố mới hoàn toàn dành cho người đi bộ.
Lời kết
Qua bài viết trên, hy vọng Mogi.vn đã giúp bạn hiểu thêm về Dinh Độc Lập vị trí ở đâu, giá vé bao nhiêu, giờ mở cửa khi nào,… Từ đó, bạn có thể tự lên kế hoạch phù hợp cho một chuyến tham quan Dinh Độc Lập thật trọn vẹn và ý nghĩa.
Bên cạnh đó, để khám phá thêm nhiều địa điểm thú vị khác tại thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và trên cả nước nói chung, hãy theo dõi các bài viết tại chuyên mục “Review” của Mogi.vn nhé. Không chỉ có thế, tại đây bạn còn có thể tìm thấy nhiều thông tin hay ho về phong thủy, luật nhà đất, bất động sản,…
Có thể bạn quan tâm:
- Cầu Ánh Sao – Điểm check-in siêu xịn ngay trung tâm quận 7
- Vòng xoay Điện Biên Phủ: Vị trí, tiện ích và các dự án BĐS tiềm năng
- Chợ Hạnh Thông Tây: Vị trí và tiềm năng bất động sản khu vực