spot_img
Trang chủReviewĐịa đạo Củ Chi ở đâu? - Kinh nghiệm tham quan Vùng...

Địa đạo Củ Chi ở đâu? – Kinh nghiệm tham quan Vùng đất thép

Là vùng đất thép lưu giữ những dấu ấn hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Địa đạo Củ Chi chính là một biểu tượng lịch sử quan trọng của dân tộc Việt Nam. Hệ thống địa đạo dưới lòng đất độc đáo tại đây không chỉ thu hút du khách đến tham quan mà còn giúp họ hiểu sâu sắc hơn về sự thông minh và ý chí bất khuất của người Việt. Trong bài viết này, Mogi sẽ giải đáp Địa đạo Củ Chi ở đâu cũng như những kinh nghiệm hữu ích giúp bạn có một chuyến tham quan ý nghĩa tại đây.

Địa đạo Củ Chi ở đâu?

Địa đạo Củ Chi là một trong những di tích lịch sử nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước ghé tham quan khi đến TP. HCM. Trước khi khám phá những bí mật ẩn sâu trong lòng đất, điều đầu tiên bạn cần biết chính xác Địa đạo Củ Chi nằm ở đâu để có sự chuẩn bị chu đáo nhất cho chuyến đi của mình. Dưới đây là các thông tin tổng hợp về Địa đạo Củ Chi bạn cần biết:

địa đạo củ chi ở đâu
Địa đạo Củ Chi ở đâu?

Vị trí

Địa đạo Củ Chi nằm tại ấp Phú Hiệp, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TPHCM. Nơi đây cách trung tâm Thành phố khoảng 70km về phía Tây Bắc, do đó, để đến được đây, du khách có thể di chuyển theo đường tỉnh lộ 15.

 

Hiện nay, Địa đạo Củ Chi được bảo tồn và phục vụ tham quan tại hai địa điểm chính: Bến Dược và Bến Đình. Mỗi địa điểm đều có những đặc trưng riêng, mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo về cuộc sống và chiến đấu của người dân Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến. 

Thời gian mở cửa và giá vé

Để có thể khám phá hệ thống địa đạo đặc biệt và hiểu thêm về cuộc sống cùng những trận chiến của quân dân ta trong thời kỳ kháng chiến, bạn cần mua vé vào cổng với mức giá sau đây:

  • Thời gian mở cửa: 7:00 – 17:00 hằng ngày (kể cả ngày lễ)
  • Giá vé tham quan: dao động từ 35.000 VNĐ đến 70.000 VNĐ/người, cụ thể:
  • Khách Việt Nam: 35.000 VNĐ/người
  • Khách quốc tế: 70.000 VNĐ/người
  • Trẻ em từ 7 đến 16 tuổi, học sinh và sinh viên: Giảm 50% so với giá vé người lớn
  • Người khuyết tật, lực lượng vũ trang, trẻ em dưới 7 tuổi, người cao tuổi, người có công với cách mạng, hộ nghèo: Miễn phí vé.
Vé vào tham quan Địa đạo Củ Chi gồm nhiều mức giá khác nhau.
Vé vào tham quan Địa đạo Củ Chi gồm nhiều mức giá khác nhau.

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống và các hoạt động của quân dân Củ Chi trong thời kỳ kháng chiến, có thể ghé thăm Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi với giá vé 40.000 VNĐ/người. Khu vực này nằm cách cổng vào khoảng 2 km. 

Về phương tiện di chuyển trong nơi tham quan, nếu bạn yêu thích hoạt động thể chất và muốn hít thở không khí trong lành, bạn có thể chọn đi bộ. Tuy nhiên, nếu đi cùng gia đình có trẻ em hoặc người cao tuổi, dịch vụ xe điện với chi phí 5.000 VNĐ/lượt sẽ là lựa chọn tiện lợi và thoải mái hơn.

Tổng quan về Địa đạo Củ Chi

Địa đạo Củ Chi không chỉ là một di tích lịch sử nổi bật, mà còn là biểu tượng của sức mạnh và lòng kiên cường của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Với hệ thống đường hầm ngầm của địa đạo kéo dài lên tới 250km, cùng ba tầng độ sâu khác nhau: tầng trên cùng cách mặt đất khoảng 3m, tầng giữa cách 6m và tầng sâu nhất đạt tới 12m. Đây là một trong sáu công trình nhân tạo nổi tiếng trên toàn cầu. 

Địa đạo Củ Chi không chỉ là một di tích lịch sử nổi bật tại khu vực miền Nam.
Địa đạo Củ Chi không chỉ là một di tích lịch sử nổi bật tại khu vực miền Nam.

Ngoài ra, địa đạo Củ Chi cũng được xếp vào danh sách top 7 điểm đến độc đáo nhất tại Đông Nam Á. Địa đạo Củ Chi được xem như một trong những công trình chiến lược quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự thành công của cách mạng Việt Nam.

Địa đạo được xây dựng hoàn toàn bằng thủ công, dưới điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng lại thể hiện sự thông minh và sáng tạo của người dân Việt Nam. Lịch sử Địa đạo Củ Chi bắt đầu từ những năm 1940 được chia ra thành 2 giai đoạn: 

  • Cuộc kháng chiến chống Pháp trong giai đoạn 1946 – 1948, khi quân và dân xã Tân Phú Trung và Phước Vĩnh An xây dựng những hầm trú ẩn để cất giấu vũ khí và quân tư trang. Ban đầu, mỗi ngôi làng đều có một hầm căn cứ riêng, nhưng nhu cầu di chuyển an toàn đã thúc đẩy họ kết nối các hầm lại, tạo thành một hệ thống liên hoàn. Địa đạo Củ Chi kết nối liền mạch 6 xã phía Bắc huyện Củ Chi, cho phép quân dân dễ dàng liên lạc, che giấu lực lượng và tổ chức các cuộc họp chiến lược. 
  • Từ năm 1961 đến 1965, hệ thống địa đạo được mở rộng thành nhiều nhánh, liên kết chặt chẽ và được bảo vệ bởi các hố đinh, hầm chông, và bãi mìn, phục vụ cho cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta.
Lịch sử hình thành địa đạo Củ Chi được chia thành 2 giai đoạn là 1946 – 1948 và 1961 - 1965
Lịch sử hình thành địa đạo Củ Chi được chia thành 2 giai đoạn là 1946 – 1948 và 1961 – 1965

Không chỉ có giá trị về mặt lịch sử, Địa đạo Củ Chi còn mang trong mình ý nghĩa sâu sắc. Đây là một kỳ quan nghệ thuật quân sự độc đáo, nơi thể hiện rõ nét nhất tinh thần dân tộc Việt Nam: ý chí kiên cường, bất khuất và tinh thần sáng tạo trong chiến đấu.

Địa đạo cũng là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, minh chứng cho lòng yêu nước, quyết tâm giành lại độc lập và tự do của dân tộc. Hơn thế nữa, đây còn là nơi giáo dục truyền thống, nơi thế hệ trẻ có thể học hỏi và cảm nhận rõ hơn về lịch sử và giá trị của hòa bình mà các thế hệ đi trước đã hy sinh để bảo vệ. 

Tham khảo thêm: Phố đi bộ Nguyễn Huệ ở đâu? Khám phá “trái tim” của Sài Gòn sầm uất

Thiết kế độc đáo của Địa đạo Củ Chi

Thiết kế độc đáo của Địa đạo Củ Chi là một trong những yếu tố góp phần quan trọng vào sự thành công của các cuộc chiến đấu, đồng thời cũng là điểm nhấn thu hút sự quan tâm của du khách và các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới.

Hệ thống địa đạo Củ Chi sở hữu thiết kế độc đáo và tinh vi, với mạng lưới hầm ngầm chạy ngoắt ngoéo trong lòng đất. Từ con đường chính, còn gọi là “xương sống,” tỏa ra vô số nhánh dài ngắn, nối kết với nhau hoặc kết thúc theo địa hình, tạo thành một mê cung khổng lồ. Một số nhánh còn nối liền với sông Sài Gòn, cho phép khi gặp nguy hiểm, quân và dân có thể vượt sông đến căn cứ Bến Cát (Bình Dương).

Thiết kế độc đáo của đường hầm Địa đạo Củ Chi.
Thiết kế độc đáo của đường hầm Địa đạo Củ Chi.

Các đường hầm không quá sâu nhưng đủ kiên cố để chống đạn pháo và sức nặng của xe tăng, xe bọc thép. Những đoạn hầm sâu hơn còn có khả năng chống bom cỡ nhỏ. Hệ thống hầm được xây dựng theo cấu trúc hai hoặc ba tầng, với các nắp hầm bí mật để di chuyển giữa các tầng. Trong địa đạo, có các điểm chặn để ngăn địch hoặc chất độc hóa học. Các đoạn hầm hẹp đòi hỏi phải di chuyển thật gọn nhẹ.

Để đảm bảo sự bí mật và an toàn, các lỗ thông hơi được ngụy trang khéo léo và có nhiều cửa bí mật. Hệ thống hầm còn được trang bị các ổ chiến đấu và ụ súng bắn tỉa, làm cho quân địch khó có thể phát hiện. Dưới những khu vực hiểm yếu, còn có hầm chông, hố đinh và cạm bẫy để ngăn chặn địch.

Đây là hệ thống chiến đấu bí mật, góp phần tạo nên nhiều chiến thắng của dân tộc.
Đây là hệ thống chiến đấu bí mật, góp phần tạo nên nhiều chiến thắng của dân tộc.

Khu vực xung quanh cửa hầm được bảo vệ bằng nhiều hầm chông, hố đinh, mìn trái và mìn lớn chống tăng, cùng với mâm phóng bom bi để đối phó với máy bay trực thăng. Liên hoàn với địa đạo là các hầm rộng rãi để nghỉ ngơi, lưu trữ vũ khí, lương thực, thực phẩm, nước uống, và các tiện nghi khác như giếng nước và bếp Hoàng Cầm, cũng như các hầm làm việc và giải phẫu, nuôi dưỡng thương binh và các hầm chữ A cho phụ nữ, người già, trẻ em.

Dù điều kiện sinh hoạt trong địa đạo cực kỳ gian khổ, các chiến sĩ và người dân vẫn cố gắng duy trì cuộc sống bình thường dưới lòng đất trong bối cảnh bom đạn tàn phá trên mặt đất. Sự bí mật và khó khăn trong điều kiện sống chứng minh cho tinh thần kiên cường và ý chí bất khuất của họ trong thời kỳ chiến tranh.

Tham khảo thêm: Chợ Bến Thành: Lịch sử hình thành, hướng dẫn lịch trình khám phá

Khám phá Địa đạo Củ Chi – địa điểm tham quan, hoạt động

Khi đến tham quan Địa đạo Củ Chi, du khách không chỉ được khám phá hệ thống hầm ngầm đầy kỳ thú mà còn có cơ hội trải nghiệm các khu vực tái hiện sống động cuộc sống và chiến đấu của người dân nơi đây trong thời kỳ chiến tranh. Hãy cùng khám phá những điểm tham quan và hoạt động đặc sắc tại Địa đạo Củ Chi.

Hầm Địa đạo Củ Chi

Hầm Địa đạo Củ Chi là điểm nhấn chính, nơi du khách có thể trực tiếp đi vào lòng đất và trải nghiệm cuộc sống dưới hầm giống như những chiến sĩ năm xưa. Tại đây, bạn sẽ có cơ hội khám phá hệ thống đường hầm dài 120m, được chia thành hai tầng, và đặc biệt là trải nghiệm món khoai, sắn, và củ mài chấm muối vừng được chế biến từ bếp Hoàng Cầm.

Hầm địa đạo Củ Chi
Hầm địa đạo Củ Chi

Bếp Hoàng Cầm được xem là “nghệ thuật” nấu ăn nổi tiếng với khả năng nấu nướng không để lại khói trong thời ky kháng chiến. Cùng với những đường hầm tại Địa đạo, bếp Hoàng Cầm chính một minh chứng cho sự sáng tạo và khéo léo của quân dân Việt Nam ta.

Bếp Hoàng Cầm
Bếp Hoàng Cầm

Địa đạo được xây dựng từ đất sét pha đá ong, mang lại độ bền cao và giảm nguy cơ sạt lở. Các lỗ thông hơi được thiết kế ngụy trang kín đáo, nên bạn có thể tham quan một cách an tâm. Tuy nhiên, do lối đi khá chật hẹp và yêu cầu di chuyển bằng cách khom lưng hoặc bò, có thể gây cảm giác khó thở, vì vậy hãy cân nhắc sức khỏe và thể trạng của mình trước khi quyết định tham gia.

Khu tái hiện vùng chiến tranh

Khu tái hiện vùng chiến tranh tại Địa đạo Củ Chi mang đến cho du khách cái nhìn chân thực về chiến trường xưa. Tại đây, bạn sẽ thấy những mô hình và cảnh vật tái hiện cuộc sống của người dân và quân đội trong thời kỳ kháng chiến, từ các trận địa pháo đến bẫy chông và các chiến hào từ năm 1961 đến 1972. Khu vực được chia thành ba không gian chính:

Khu tái hiện vùng chiến tranh tại Địa đạo.
Khu tái hiện vùng chiến tranh tại Địa đạo.
  • Không gian 1: Tái hiện chân thực cuộc sống của người dân, cán bộ, và chiến sĩ du kích Củ Chi với các mô hình sinh động, thể hiện đầy đủ các hoạt động chiến đấu, lao động, học tập và sinh hoạt.
  • Không gian 2: Mô tả sự tàn phá của chiến tranh đối với làng quê, với những mảnh bom và vỏ đạn còn sót lại, cùng cảnh đời đau thương của người dân trong thời kỳ kháng chiến ác liệt.
  • Không gian 3: Khắc họa hình ảnh vùng đất Củ Chi sau sự tàn phá của bom đạn, nơi chỉ còn lại xác xe tăng, máy bay, và cuộc sống của quân dân phải được tiến hành dưới lòng đất.

Khu hồ tắm mô phỏng biển Đông

Trong khu vực tái hiện vùng giải phóng Củ Chi, bạn có thể đi bộ khoảng 15 phút để khám phá hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông, chiêm ngưỡng rừng gỗ quý và ba mô hình kiến trúc đại diện cho ba miền của Việt Nam: Chùa Một Cột, Ngọ Môn và Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng.

Khu tắm hồ mô phỏng biển Đông Việt Nam ngay trong Địa đạo Củ Chi.
Khu tắm hồ mô phỏng biển Đông Việt Nam ngay trong Địa đạo Củ Chi.

Bên cạnh đó, khu vực còn cung cấp các hoạt động giải trí như tắm hồ bơi, đạp xe quanh hồ, và chèo thuyền kayak. Các hoạt động này đều yêu cầu vé riêng, vì vậy bạn cần mua vé cho từng trò chơi mà mình muốn tham gia.

Vườn trái cây Trung An

Cách không xa Địa đạo Củ Chi là Vườn trái cây Trung An, nơi du khách có thể dạo chơi trong không gian xanh mát và thưởng thức các loại trái cây tươi ngon ngay tại vườn. Bạn có cơ hội trực tiếp thu hoạch và thưởng thức trái cây tươi ngon ngay tại vườn như chôm chôm, mận, mít, và sầu riêng, đồng thời tận hưởng không khí thanh bình của miệt vườn. Đây chắc chắn sẽ là một trải nghiệm thú vị và xứng đáng để bạn tận dụng vào một ngày cuối tuần.

Tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn Trung An.
Tham quan và thưởng thức trái cây tại vườn Trung An.

Khu bắn súng

Khu vực này là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích các hoạt động mạo hiểm và trải nghiệm cảm giác mạnh. Tại đây, bạn có thể chọn giữa hai dịch vụ thú vị: bắn súng thể thao quốc phòng và bắn súng đạn sơn.

Khu bắn súng
Khu bắn súng

Nếu bạn muốn thử thách bản thân với bắn súng thể thao quốc phòng, bạn sẽ có cơ hội sử dụng súng trường và học cách tháo lắp súng dưới sự hướng dẫn của các nhân viên. Giá đạn cho từng loại súng dao động từ 40.000đ đến 60.000đ/viên.

Khi bạn đến cùng nhóm bạn bè và muốn tham gia một trò chơi tập thể, bắn súng đạn sơn là sự lựa chọn tuyệt vời. Trò chơi này giúp bạn rèn luyện kỹ năng phối hợp đội nhóm, khả năng phán đoán và phản xạ nhanh. Chi phí cho mỗi lượt chơi là 50.000đ/người trong 60 phút, và giá đạn là 3.000đ/viên.

Trạm cứu hộ động vật hoang dã

Trên tuyến đường tỉnh lộ 15 từ TP.HCM đến Địa đạo Củ Chi, bạn có thể dừng chân tại trạm cứu hộ động vật hoang dã. Đây là nơi chăm sóc và bảo tồn các loài động vật bị thương hoặc bị bỏ rơi, với hơn 3600 loài quý hiếm được cứu hộ. Đến đây, bạn không chỉ có cơ hội khám phá các loài động vật cần được bảo vệ mà còn hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng.

Tham khảo thêm: Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Thông tin chi tiết cho du khách muốn ghé thăm

Trạm cứu hộ động vật hoang dã
Trạm cứu hộ động vật hoang dã

Kinh nghiệm khi tham quan khu di tích lịch sử cấp Quốc gia – Địa đạo Củ Chi

Để có một chuyến đi trọn vẹn và thú vị, bạn cũng cần bỏ túi một số kinh nghiệm quan trọng để bản thân có được những trải nghiệm đầy đủ và thuận lợi nhất. Dưới đây là tổng hợp những lưu ý quan trọng khi tham qua khu di tích Quốc gia Địa đạo Củ Chi:

  • Tránh tham quan vào mùa mưa, thời gian lý tưởng để thăm địa đạo là từ tháng 5 đến tháng 12.
  • Các đường hầm trong địa đạo khá chật hẹp, thiếu ánh sáng và không khí, vì vậy bạn nên gửi lại hành lý cồng kềnh không cần thiết và tuân theo hướng dẫn của nhân viên để đảm bảo an toàn.
  • Một số đoạn hầm có không gian hẹp và tối, bạn nên chuẩn bị tinh thần nếu cảm thấy sợ hãi hoặc khó chịu trong không gian kín. Nếu có vấn đề về huyết áp hay chứng sợ không gian kín, bạn không nên tham gia.
  • Khi khám phá các đường hầm, hãy mặc trang phục gọn gàng, tối màu và đi giày thể thao để thuận tiện di chuyển.
  • Do khu di tích khá rộng, bạn nên mang theo nước uống để giữ sức trong suốt chuyến tham quan.
  • Vì các đường hầm tối và có nhiều muỗi, bạn nên mang theo thuốc chống côn trùng để bảo vệ bản thân.
  • Tại khu tham quan, bạn có thể tìm những món đồ lưu niệm độc đáo làm từ vỏ đạn như bật lửa và bút, cũng như các sản phẩm thủ công từ mây tre đan.
  • Đã đến Củ Chi đừng quên thưởng thức các món đặc sản như sắn luộc, bò tơ Củ Chi, sầu riêng và các món chè khi bạn đến đây.
Kinh nghiệm khi tham quan Địa đạo Củ Chi.
Kinh nghiệm khi tham quan Địa đạo Củ Chi.

Những điểm đến nổi bật gần khu vực Địa đạo Củ Chi

Sau khi khám phá Địa đạo Củ Chi, bạn có thể tiếp tục hành trình khám phá các điểm đến thú vị khác xung quanh khu vực này. Những địa điểm này không chỉ mang đến không gian thư giãn, giải trí mà còn giúp bạn hiểu thêm về văn hóa, đời sống của người dân Củ Chi. Dưới đây là một số gợi ý thú vị cho chuyến đi của bạn:

Khu du lịch Xanh Green Noen

Khánh thành vào năm 2010, Khu du lịch Green Noen là một địa điểm sinh thái với không gian xanh mát, nơi bạn có thể thư giãn, tham gia các hoạt động ngoài trời và thưởng thức ẩm thực đặc sản theo tiêu chí nông nghiệp sạch.

Tham quan khu du lịch sinh thái Green Noen.
Tham quan khu du lịch sinh thái Green Noen.

Khi đến Green Noen, bạn không chỉ có cơ hội tham quan những vườn rau và cây trồng xanh mướt, mà còn được trải nghiệm cuộc sống nông dân qua các hoạt động như bắt cá, vắt sữa bò, trồng rau và thu hoạch nấm. Mặc dù có thể tiêu tốn nhiều năng lượng, nhưng bạn sẽ nhận lại những trải nghiệm đáng nhớ. 

  • Địa chỉ: 236 Bến Đình, An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM  
  • Giờ mở cửa: 08:00 – 23:00  
  • Giá vé tham khảo: 50.000 VNĐ

Giáo xứ Rạch Kiến

Giáo xứ Rạch Kiến là một điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu về đời sống tâm linh và văn hóa của cộng đồng Công giáo tại Củ Chi. Nơi đây không chỉ nổi bật với kiến trúc cổ kính và không gian yên bình, mà còn là một trung tâm sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các sự kiện tôn giáo quan trọng. 

Công trình Giáo xứ Rạch Kiến.
Công trình Giáo xứ Rạch Kiến.

Khi đến giáo xứ, bạn có thể tham gia vào các buổi lễ, dạo quanh khuôn viên xanh mát và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật tôn giáo tại đây. Giáo xứ Rạch Kiến chính là một lựa chọn lý tưởng để bạn cảm nhận không khí thanh tịnh và tìm hiểu thêm về di sản văn hóa phong phú của khu vực.

  • Địa điểm: Thanh Tuyền, Dầu Tiếng, Bình Dương
  • Giờ mở cửa: Tùy vào lịch trình của nhà thờ
  • Giá vé tham khảo: Miễn phí

Thủy Hoa Viên

Là một điểm đến mới tại Tây Ninh, Thủy Hoa Viên đã và đang ngày càng thu hút rất nhiều người quan tâm và trở thành địa điểm yêu thích của nhiều du khách. Khi bước vào khuôn viên, bạn sẽ được chào đón bởi những hàng hoa đào nở rực rỡ, tạo cảm giác như đang lạc vào mùa xuân của Nhật Bản hay Hàn Quốc. 

Khám phá Thủy Hoa Viên
Khám phá Thủy Hoa Viên

Thủy Hoa Viên không chỉ là nơi lý tưởng để tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn là một thiên đường chụp ảnh với nhiều khu vực được trang trí tinh tế và ấn tượng. Nếu có cơ hội ghé Địa đạo Củ Chi, bạn có thể tạt qua nơi đây để thỏa sức “sống ảo” và tạo ra những bức ảnh đẹp, ghi lại kỷ niệm cho chính bản thân mình.

  • Địa điểm: Ấp Bến Kinh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh
  • Giờ mở cửa: 6:00 – 21:00 từ Thứ 2 đến Chủ nhật
  • Giá vé tham khảo: Miễn phí vào cửa

Tham khảo thêm: Quy hoạch thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025: hướng đa trung tâm 

Công viên nước Củ Chi 2023

Với diện tích 8ha, công viên được bao quanh bởi sông và cánh đồng xanh mát, tạo nên không khí trong lành và dễ chịu. Tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng với ao sen, khóm trúc và những tán cây cổ thụ rợp bóng, cùng với tiếng chim hót líu lo.

địa đạo củ chi ở đâu
Trải nghiệm những tiện ích hiện đại tại Công viên nước Củ Chi 2023.

Công viên còn được trang bị các tiện ích hiện đại như hồ bơi, sân tennis, công viên nước, khu vui chơi, vườn thú, nhà hàng và khách sạn. Đây chắc chắn là địa điểm thư giãn và trải nghiệm những hoạt động giải trí đa dạng trong một không gian yên bình và gần gũi với bản sắc vùng quê Việt Nam mà bạn không nên bỏ lỡ nhé.

  • Địa điểm: Ấp 4, tỉnh lộ 8, xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP. HCM
  • Giờ mở cửa: 7:00 – 17:00 hằng ngày
  • Giá vé tham khảo: Người lớn là 40.000đ/người, trẻ em: 30.000đ/người; miễn phí trẻ em dưới 1m.

Công viên nước An Nhơn Tây

Nếu bạn đang tìm một nơi để tránh xa sự ồn ào và nắng nóng của Sài Gòn, Công viên nước An Nhơn Tây tại Củ Chi chính là sự lựa chọn hoàn hảo. Với diện tích rộng lớn hơn 8 hecta, công viên được bao quanh bởi sông nước và cánh đồng xanh mát, mang đến không khí trong lành và dễ chịu suốt cả năm. 

địa đạo củ chi ở đâu
Hình ảnh công viên nước An Nhơn Tây.

Công viên trang bị nhiều thiết bị vui chơi hiện đại tại các hồ bơi, cho phép bạn thoải mái thư giãn và vui chơi dưới nước. Ngoài ra, công viên còn tổ chức các hoạt động giải trí ngoài trời như karaoke, chèo thuyền, tham quan vườn thú và thưởng thức các món ăn ngon. 

  • Địa chỉ: 986 Tỉnh lộ 7, An Nhơn Tây, Củ Chi, TP.HCM  
  • Giờ mở cửa: 08:00 – 17:00  
  • Giá vé tham khảo: Đang cập nhật  

Nông trại Hoa Lúa

Ngoài khu du lịch Green Noen, Nông trại Hoa Lúa cũng là một lựa chọn lý tưởng cho các hoạt động dã ngoại, cắm trại gia đình hoặc tổ chức team building. Được thiết kế theo phong cách miền Tây, Nông trại Hoa Lúa mang đến cho bạn cơ hội trải nghiệm cuộc sống nông dân thực sự với các hoạt động như bắt cá, bắt vịt và chăm sóc vườn rau. 

địa đạo củ chi ở đâu
Nếu yêu thích những hoạt động ngoài trời, bạn có thể ghé đến nông trại Hoa Lúa.

Ngoài ra, bạn có thể tham gia vào các trò chơi dân gian hấp dẫn như nhảy bao bố, bịt mắt bắt vịt, và đua thú nhún. Nơi đây hứa hẹn mang đến những giây phút thư giãn và vui vẻ cho bạn và nhóm bạn của mình.

  • Địa chỉ: 270 Đường Cây Gõ, Ấp Xóm Chùa, An Phú, Củ Chi, TP.HCM  
  • Giờ mở cửa: 08:00 – 22:00  
  • Giá vé tham khảo: 150.000 – 180.000 VNĐ  

Lời kết

Bài viết trên Mogi.vn đã cung cấp những thông tin chi tiết về câu hỏi Địa đạo Củ Chi ở đâu cho đến những góc nhìn tổng quan từ lịch sử hình thành, giới thiệu thiết kế độc đáo và những kinh nghiệm tham quan nơi đây. Hy vọng những chia sẻ hữu ích trên sẽ giúp bạn tìm nhiều cảm hứng khám phá di tích lịch sử đầy tự hào dân tộc này. Tìm hiểu thêm những chia sẻ kinh nghiệm, tin đăng mới nhất về thị trường nhà đất tại Mogi nhé.

Đọc thêm:

 

Gia Hân
Gia Hân
Mình là Gia Hân Huỳnh hiện đang là một Content Creator. Với gần 2 năm kinh nghiệm sáng tạo và tìm hiểu các bài viết liên quan đến bất động sản, phong thủy... hy vọng rằng có thể mang đến những giá trị ý nghĩa cho bạn đọc qua Mogi.
spot_img

TIN LIÊN QUAN