Chùa Ngọc Hoàng là một trong những ngôi chùa lâu đời và linh thiêng bậc nhất giữa lòng Sài Gòn náo nhiệt. Không chỉ là chốn tâm linh thanh tịnh, chùa Ngọc Hoàng còn nổi tiếng với kiến trúc cổ kính đậm nét Trung Hoa độc đáo. Trong bài viết này, hãy cùng Mogi.vn khám phá nhiều điều thú vị về ngôi cổ tự này nhé.
Giới thiệu tổng quan về Chùa Ngọc Hoàng
Nếu bạn đang lên kế hoạch tham quan chùa Ngọc Hoàng thì việc biết rõ địa chỉ và giờ mở cửa sẽ giúp bạn có được một chuyến đi thuận lợi và trọn vẹn.
Vị trí
Địa chỉ: Số 73 Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Chùa Ngọc Hoàng nằm gần vòng xoay Điện Biên Phủ, nơi tập trung nhiều tuyến đường sầm uất như Điện Biên Phủ, Hoàng Sa và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý đường Mai Thị Lựu dẫn vào chùa là đường một chiều.
Do đó, khi di chuyển qua khu vực này, bạn cần chú ý an toàn và chấp hành đúng luật giao thông để có được một chuyến viếng thăm chùa thật suôn sẻ nhé.
Thời gian mở cửa và đóng cửa
Nổi tiếng linh thiêng nên Chùa Ngọc Hoàng luôn là nơi được nhiều người tin tưởng tìm đến cầu nguyện, đặc biệt là cầu con, cầu duyên và cầu bình an. Chùa thường mở cửa đón khách từ 7 giờ đến 18 giờ hàng ngày nhưng vào mùng 1, ngày rằm hoặc các dịp lễ đặc biệt thì chùa có thể mở sớm và đóng muộn hơn để chuẩn bị chu đáo cho cho các nghi thức cúng bái, đồng thời đáp ứng lượng lớn khách đến vãng cảnh và cầu khấn.
Thế nên để có kế hoạch tham quan chùa Ngọc Hoàng thuận lợi, bạn nên lưu ý giờ giấc nêu trên hoặc cẩn trọng hơn thì có thể liên hệ ban quản lý chùa để cập nhật thông tin chính xác nhất.
Xem thêm: Chùa Việt Nam Quốc Tự: Ngôi chùa có tòa tháp cao nhất Việt Nam
Lịch sử chùa Ngọc Hoàng
Để hiểu rõ hơn về giá trị lâu đời của chùa Ngọc Hoàng, mời bạn cùng khám phá lịch sử thú vị và những câu chuyện đặc sắc liên quan đến ngôi chùa này nhé.
Chùa Ngọc Hoàng được xây dựng vào đầu thế kỷ XX bởi Lưu Minh, một người Quảng Đông (Trung Quốc) có pháp danh là Lưu Đạo Nguyên. Ban đầu, ngôi chùa được dùng để thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và cũng là nơi mà Lưu Minh tổ chức các cuộc họp kín nhằm lên kế hoạch lật đổ triều đại Mãn Thanh.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu vào các năm 1943, 1958, 1985 và 1986, chùa vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc Trung Hoa đặc trưng với các tác phẩm chạm khắc tinh xảo và họa tiết trang trí rực rỡ.
Năm 1982, ngôi chùa được tiếp quản bởi hòa thượng Thích Vĩnh Khương và chính thức thuộc sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đến năm 1984, chùa được đổi tên thành Phước Hải Tự nhưng người dân vẫn quen gọi bằng cái tên thân thuộc “chùa Ngọc Hoàng” cho đến nay.
Ngày nay, chùa Ngọc Hoàng, hay còn gọi là chùa Phước Hải, đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng tại Sài Gòn, được nhiều người tìm đến để chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc đặc sắc, đồng thời cầu khấn cho những mong ước trong cuộc sống.
Xem thêm: Chùa Hoằng Pháp nằm ở đâu? Khám phá ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Sài Gòn
Kiến trúc của chùa Ngọc Hoàng – Phước Hải Tự
Chùa Ngọc Hoàng không chỉ là một địa điểm linh thiêng mà còn nổi tiếng với cảnh quan đẹp mắt, được thiết kế độc đáo và mang ý nghĩa sâu sắc. Ngay sau đây, hãy cùng Mogi.vn điểm qua một vài chi tiết kiến trúc nổi bật nhất tại ngôi chùa này nhé.
Mái lợp ngói âm dương
Nổi bật giữa trung tâm quận 1, ngôi chùa được lợp mái ngói âm dương vô cùng đặc trưng của kiến trúc Á Đông với các góc mái được trang trí bằng tượng gốm chạm khắc tinh xảo và đa dạng sắc màu.
Sự hiện diện của mái ngói âm dương tại nhiều vị trí khác nhau khắp khuôn viên chùa như tòa điện thờ chính, cổng chùa, các tháp hương,… không chỉ tạo nên sự hài hòa trong thiết kế mà còn làm nổi bật nét cổ kính, truyền thống của chùa.
Phối cảnh thờ tự
Chùa Ngọc Hoàng được chia thành ba gian chính, trong đó gian trung tâm gồm có Tiền điện, Trung điện và Chính điện. Khu vực Tiền điện thờ Thổ địa và thần Môn quan, trong khi Trung điện là nơi thờ các vị như Thanh Long đại tướng, Phật Dược Sư và Phục Hổ đại tướng. Còn ở tòa Chính điện, du khách có thể chiêm ngưỡng tượng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các thiên binh, thiên tướng đứng hầu.
Gian bên trái của chùa Ngọc Hoàng cũng có ba điện thờ, trong đó một điện thờ nhị vị Song Án, Thành Hoàng Lỗ Ban, tượng Mã Tướng Quân và Thái Tuế; một điện thờ Thập Điện Diêm Vương còn điện cuối cùng thờ Ông Tơ, Bà Nguyệt cùng 12 bà mụ và 13 đức thầy. Gian bên phải của chùa là điện thờ Phật Bà và khu vực nghỉ ngơi dành cho khách du lịch.
Chính từ việc thờ phụng nhiều vị chư Phật, thần linh kết hợp với cách bày trí uy nghiêm ở mỗi điện thờ, đã tạo nên một không gian vô cùng linh thiêng và độc đáo riêng của chùa Ngọc Hoàng.
Xem thêm: Chùa Quan Âm nằm ở đâu? Khám phá ngôi chùa 300 tuổi giữa lòng Sài Gòn
Di sản Hán Nôm
Chùa Ngọc Hoàng là nơi lưu giữ nhiều di sản Hán Nôm quý báu như các câu đối, hoành phi, bài vị, biển ngạch và bảng chữ tiếng Hán, trong đó câu đối chiếm số lượng lớn nhất. Đặc biệt, những bức hoành phi và câu đối đều được chạm khắc tinh xảo trên các loại gỗ quý nên càng làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của chúng. Và thông qua những hiện vật này, du khách có thể hiểu thêm về Phật giáo nói chung và trường phái Minh Sư Đạo nói riêng.
Không gian phía sau chùa
Phía sau chùa Ngọc Hoàng còn có một ngôi miếu thờ Ông Đá, đó là một viên đá hình chữ nhật dựng đứng, được mang về từ núi Thái Sơn, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Phía trước viên đá thờ có lư hương, bên phải là đá Thanh Long và bên trái là đá Bạch Hổ. Bên cạnh các điện thờ chính thì người dân cũng thường đến đây để thắp hương, cầu nguyện trước viên đá thiêng liêng với mong muốn được bảo hộ và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.
Xem thêm: Chùa Cầu Hội An – Vẻ đẹp trăm tuổi nơi Phố Cổ
Sự kiện nổi bật của chùa Ngọc Hoàng
Lễ vía Ngọc Hoàng là một trong những lễ hội quan trọng nhất tại ngôi cổ tự này. Lễ hội diễn ra vào mùng 9 tháng Giêng Âm lịch hàng năm vì theo truyền thuyết, đây được cho là ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Trong thời gian diễn ra sự kiện, chùa sẽ tổ chức các buổi lễ tụng kinh cầu an do vị hòa thượng trụ trì chủ trì. Du khách thập phương, bao gồm cả người Hoa và người Việt, sẽ đến thắp hương và tham gia nghi thức rót dầu để cầu mong cho một năm mới như ý.
Vào dịp này, số lượng du khách đến dâng hương và chiêm bái tại chùa Ngọc Hoàng tăng mạnh, đặc biệt là vào tối mùng 8 và cả ngày mùng 9, thậm chí cần có lực lượng dân phòng và công an túc trực để điều tiết giao thông và đảm bảo an ninh. Do đó, nếu bạn có ý định tham gia dịp lễ này tại chùa Ngọc Hoàng thì hãy lưu ý sắp xếp thời gian phù hợp, chủ động bảo vệ tài sản cá nhân và tránh chen lấn gây mất trật tự nhé.
Xem thêm: Chùa Láng – Điểm đến tâm linh tại Hà Nội và những lưu ý khi tham quan
Những địa điểm tham quan nổi bật gần chùa Ngọc Hoàng
Bên cạnh khám phá ngôi chùa Ngọc Hoàng linh thiêng, bạn có thể kết hợp tham quan một số địa điểm nổi tiếng khác xung quanh khu vực quận 1. Hãy để Mogi.vn gợi ý đến bạn một số địa danh nổi bật nhé.
Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM
Địa chỉ: Số 97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1
Bảo tàng Mỹ Thuật TP.HCM là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích tìm hiểu về văn hóa và nghệ thuật. Bởi vì nơi đây trưng bày lên đến khoảng 22.000 hiện vật quý báu, đặc biệt là các tác phẩm của nhiều họa sĩ nổi tiếng từ trước năm 1975. Ngoài ra, bảo tàng còn có nhiều góc chụp hình rất ấn tượng.
Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh
Địa chỉ: Số 7 Công trường Lam Sơn, phường Bến Nghé, quận 1
Nhà hát Thành phố là một trong những công trình lâu đời được xây dựng theo phong cách kiến trúc châu Âu tại Sài Gòn. Đây là nơi thường xuyên tổ chức các chương trình sân khấu chuyên nghiệp như ca nhạc, kịch nói, opera, cải lương và múa ba-lê, quy tụ nhiều đoàn nghệ thuật lớn. Du khách muốn tham quan có thể mua vé xem các buổi biểu diễn tại quầy vé hoặc qua website chính thức của Nhà hát.
Bưu điện Trung tâm Sài Gòn
Địa chỉ: Số 2 Công xã Paris, phường Bến Nghé, Quận 1
Bưu điện Trung tâm Sài Gòn, hay còn gọi là Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh, là một công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ điển Pháp, do kiến trúc sư lừng danh Gustave Eiffel thiết kế, “cha đẻ” của các công trình nổi tiếng như Tháp Eiffel và Tượng Nữ Thần Tự Do.
Bưu điện được xây dựng từ năm 1886 đến 1891, nổi bật với những ô cửa lớn, mái vòm rộng, sắc vàng đặc trưng cùng chiếc đồng hồ cổ kính tại trung tâm mặt tiền. Hiện nay, ngoài việc tiếp tục cung cấp các dịch vụ bưu chính, nơi đây còn là một biểu tượng văn hóa của TPHCM, rất được yêu thích bởi người dân địa phương lẫn du khách gần xa.
Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Địa chỉ: Số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1
Nhà thờ Đức Bà, xây dựng hoàn thành vào năm 1880, là một công trình tiêu biểu mang đậm dấu ấn kiến trúc cổ điển Pháp tại TPHCM. Nổi bật với thánh đường rộng lớn, hai tháp chuông cao vút và những tác phẩm điêu khắc ấn tượng như tượng đồng Pigneau de Béhaine và tượng Đức Mẹ Hòa Bình, nơi đây đã trở thành công trình mang tính biểu tượng khi nhắc đến Sài Gòn.
Dinh Độc Lập
Địa chỉ: Số 135 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Thành phố Hồ Chí Minh
Dinh Độc Lập, hay còn gọi là Hội trường Thống Nhất, là một công trình lịch sử quan trọng tại TPHCM. Đây từng là nơi làm việc của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa và chứng kiến nhiều dấu mốc lịch sử của dân tộc. Hiện nay, Dinh Độc Lập là một điểm tham quan thu hút đông đảo du khách đến để chụp ảnh cũng như tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.
Lời kết
Thông qua bài viết trên, Mogi.vn đã tổng hợp đến bạn những thông tin hữu ích về chùa Ngọc Hoàng, bao gồm vị trí, giờ mở cửa, một vài nét kiến trúc tiêu biểu và lễ hội đặc trưng của chùa. Hy vọng qua đó bạn có thể lên kế hoạch cho một chuyến tham quan chùa Ngọc Hoàng cùng một số địa danh lân cận thật trọn vẹn và ý nghĩa.
Ngoài ra, để khám phá thêm nhiều địa điểm thú vị khác tại thành phố Hồ Chí Minh hãy đón đọc các bài viết trong chuyên mục “Review” của Mogi.vn nhé.
Nguồn: Wikipedia, Tổng hợp
Có thể bạn quan tâm:
- Khám phá di tích Chùa Thầy – Kiến trúc độc đáo giữa lòng Hà Nội
- Lăng Chủ Tịch Hồ Chí Minh – Thông tin chi tiết cho du khách muốn ghé thăm
- Hoàng thành Thăng Long ở đâu? Lưu ý khi tham quan tại điểm di tích lịch sử này