spot_img
Trang chủReviewChùa Hương – "Vùng đất thiêng" giữa núi non hùng vĩ

Chùa Hương – “Vùng đất thiêng” giữa núi non hùng vĩ

Chùa Hương từ lâu đã trở thành địa điểm linh thiêng thu hút hàng ngàn du khách ghé đến tham quan, chiêm bái mỗi năm. Không chỉ mang đậm dấu ấn tâm linh, nơi đây còn nổi bật với cảnh sắc núi non trùng điệp thơ mộng và hùng vĩ, một nét đẹp hiếm có giữa lòng thủ đô hối hả, đông đúc. Trong bài viết này, hãy cùng Mogi.vn khám phá nhiều điểm độc đáo về ngôi chùa nổi tiếng này nhé!

Giới thiệu về Chùa Hương

“Chùa Hương”  là cách gọi dân gian quen thuộc từ xa xưa, dùng để chỉ cả một quần thể văn hóa – tín ngưỡng Hương Sơn, nơi có đến hàng chục ngôi chùa thờ Phật, đền thờ thần, đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp cùng nhiều thắng cảnh khác. Trong đó, nổi bật nhất phải kể đến động Hương Tích, chùa Thiên Trù, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng,…

Để hiểu thêm về quần thể chùa Hương, mời bạn cùng Mogi.vn tìm hiểu về vị trí, sự tích cũng như kiến trúc độc đáo của nơi đây qua phần nội dung tiếp theo bên dưới.

Chùa Hương nằm ở đâu?

Địa chỉ: Thuộc địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội

Giờ mở cửa đón khách: 6:00 đến 18:00 hằng ngày

Giá vé: 

  • Vé tham quan thắng cảnh là 120.000 VNĐ/khách.
  • Vé đò là 85.000 VNĐ/khách/2 chiều (tuyến Hương Tích) và 65.000 VNĐ/khách/2 chiều (tuyến Thanh Sơn – Long Vân).

Quần thể chùa Hương cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 60km nên bạn có thể lựa chọn một số phương tiện như sau:

  • Xe buýt: Bạn có thể bắt xe buýt tuyến số 103 xuất phát từ Bến xe Mỹ Đình đến Chùa Hương trong khung giờ từ 5:00 – 20:00 hàng ngày với tần suất 15 phút/chuyến. Giá vé là 9.000 VNĐ/vé một chiều/người. 
  • Xe máy: Để linh hoạt hơn về thời gian thì bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy. Tùy vào vị trí xuất phát thực tế, bạn hãy tra Google Maps để tìm được đường đi thuận tiện nhất cho mình.
  • Thuê xe riêng: Nếu đi theo nhóm đông hoặc cùng gia đình, thuê xe ô tô có tài xế riêng sẽ giúp bạn thoải mái hơn.

Sau đó, bạn cần mua vé thuyền tại cổng vào và lên thuyền từ bến Đục để đến các điểm chính trong quần thể chùa Hương. Tuyến đường thủy dài khoảng 4km và mất khoảng 45 phút đến 1 giờ di chuyển.

Xem thêm: Chùa Vĩnh Nghiêm – Khám phá ngôi chùa phật giáo linh thiêng tại TP.HCM

Tìm hiểu vị trí chùa Hương ở đâu - Nguồn: Internet
Tìm hiểu vị trí chùa Hương ở đâu – Nguồn: Internet

Sự tích của Chùa Hương

Theo truyền thuyết, thuở xưa công chúa Diệu Thiện, con gái vua Diệu Trang Vương của nước Hưng Lâm, đã tu hành 9 năm và thành đạo quả ở một hang động trong khu vực chùa Hương. Từ đó, hang động nơi công chúa đắc đạo đã được đặt tên là Hương Tích (vết tích của hương thơm, điềm lành).

Sự tích về động Hương Tích, còn được biết đến là chùa chính của quần thể chùa Hương - Nguồn: Internet
Sự tích về động Hương Tích, còn được biết đến là chùa chính của quần thể chùa Hương – Nguồn: Internet

Bên cạnh sự tích trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm một số dấu mốc lịch sử quan trọng về quần thể chùa Hương ngay sau đây: 

  • Năm 1467: Vua Lê Thánh Tông đi tuần thú qua vùng núi rừng Hương Sơn và đã đóng quân nghỉ lại ở một đoạn thung lũng. Do thấy thung lũng thuộc địa phận sao Thiên Trù nên nhân đấy đặt tên cho nơi này.
  • Sau đó, Hòa thượng Viên Giác Tôn Giả đã cùng người dân dựng lên một thảo am thờ Phật tại đây, đặt tên là Thiên Trù Tự. Dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442 – 1497), nơi đây đã trải qua 3 đời trụ trì và cũng trong giai đoạn này, động Hương Tích đã được tìm thấy. Về sau, nơi đây từng gián đoạn trụ trì trong khoảng một trăm năm.
  • Đến năm 1686 (thời Lê trung hưng): Hòa thượng Trần Đạo Viên Quang mới tiếp tục việc quản lý và xây dựng chùa.
  • Năm 1770: Chúa Trịnh Sâm tuần du ngang qua đây, ông đã khắc 5 chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động” lên cửa động Hương Tích, nghĩa là hang động đẹp nhất trời Nam. 
  • Vào các năm 1947, 1948 và 1950: Pháp đã cho đốt phá và thả bom, khiến chùa Thiên Trù trở nên điêu tàn, đổ nát gần như toàn bộ.
  • Năm 1951: Hòa thượng Thanh Chân cho dựng lại 6 gian nhà để có nơi hương khói, tu hành.
  • Năm 1989: Chùa Thiên Trù mới được khởi công phục dựng dưới sự chỉ đạo của Thượng tọa Thích Viên Thành và Ban xây dựng chùa Hương. Công trình được hoàn thiện và khánh thành vào năm 1991.

Xem thêm: Chùa Láng – Điểm đến tâm linh tại Hà Nội và những lưu ý khi tham quan

Một số cột mốc lịch sử quan trọng của quần thể chùa Hương - Nguồn: Internet
Một số cột mốc lịch sử quan trọng của quần thể chùa Hương – Nguồn: Internet

Kiến trúc đặc biệt của chùa Hương

Quần thể chùa Hương bao gồm nhiều đền, chùa, hang động được chia làm 4 khu bao gồm khu Hương – Thiên, khu Thanh Hương, khu Long Vân và khu Tuyết Sơn. Trong đó, hai biểu tượng chính của quần thể này là chùa Thiên Trù (chùa Ngoài) và động Hương Tích (chùa Trong) thuộc khu Hương – Thiên.

Chùa Ngoài, hay còn được gọi là chùa Trò, có một cổng tam quan được xây dựng trên khoảng sân rộng rãi, được lát gạch hoàn toàn. Trên sân, còn có một tháp chuông 3 tầng mái ngói nổi bật, thể hiện rõ lối kiến trúc cổ xưa.

Diện mạo cổ kính của chùa Thiên Trù - Nguồn: Internet
Diện mạo cổ kính của chùa Thiên Trù – Nguồn: Internet

Khác với chùa Ngoài được cải tạo bởi bàn tay con người, chùa Trong (động Hương Tích) lại là một tác phẩm nghệ thuật sống động của thiên nhiên với những vách đá hùng vĩ, các bậc đá cheo leo cùng nhiều nhũ đá độc đáo, tạo nên một không gian kỳ bí và thơ mộng, khiến du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp hoang sơ và huyền ảo của nơi đây. 

Động Hương Tích - Kiệt tác của thiên nhiên - Nguồn: Internet
Động Hương Tích – Kiệt tác của thiên nhiên – Nguồn: Internet

Đi Chùa Hương tham quan những gì?

Dưới đây là những điểm tham quan cũng như những hoạt động mà bạn không nên bỏ lỡ khi đến chùa Hương. Hãy lưu lại để chuẩn bị cho một chuyến viếng thăm chùa Hương thật trọn vẹn và ý nghĩa nhé.

Các điểm đến đẹp tại Chùa Hương

Quần thể chùa Hương tập trung nhiều chùa, đền, hang động với mỗi nơi lại mang một vẻ đẹp và ý nghĩa độc đáo riêng. Tùy theo sở thích và mong muốn của mỗi người, du khách có thể lựa chọn tham quan những địa điểm phù hợp.

  • Động Hương Tích

Động Hương Tích, hay chùa Trong, là điểm đến chính của các đoàn hành hương khi viếng thăm quần thể chùa Hương. Nhìn từ xa, hang động có hình dáng giống như một con rồng đang mở miệng, với dòng chữ cổ “Nam Thiên Đệ Nhất Động” khắc trên vách đá, thể hiện cho vẻ đẹp và giá trị lịch sử của nơi này. Bước vào bên trong chùa, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều bức tượng Phật, đặc biệt là tượng Phật Bà Quan Âm được chế tác từ đá xanh rất ấn tượng. 

Du khách có hai lựa chọn để đến Động Hương Tích, đó là leo núi hoặc đi cáp treo. Trong đó, hành trình leo núi đòi hỏi du khách cần có thể lực tốt, vì sẽ phải vượt qua quãng đường khoảng 2 km với nhiều bậc đá gập ghềnh.

Không gian bên trong động Hương Tích - Nguồn: Internet
Không gian bên trong động Hương Tích – Nguồn: Internet
  • Chùa Thiên Trù

Đây là một trong những địa điểm quan trọng của quần thể chùa Hương và cũng là nơi tổ chức lễ khai mạc của lễ hội chùa Hương hằng năm. Chùa Thiên Trù không chỉ nổi bật với giá trị tôn giáo mà còn sở hữu kiến trúc độc đáo. Đặc biệt, nơi đây còn có Bảo tháp Viên Công, nơi an táng thiền sư Viên Quang, người có công lớn trong việc tạo dựng ngôi chùa này.

Xem thêm: Chùa Quan Âm nằm ở đâu? Khám phá ngôi chùa 300 tuổi giữa lòng Sài Gòn

Khung cảnh bên ngoài chùa Thiên Trù - Nguồn: Internet
Khung cảnh bên ngoài chùa Thiên Trù – Nguồn: Internet
  • Đền Trình

Đền Trình, hay còn có tên khác là đền Thượng Quan, nằm cách bến Đục khoảng 300m và là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình đến chùa Hương. Đền được xây dựng ngay dưới chân núi Ngũ Nhạc. Tuy nhiên, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở thế kỷ XX, đền đã bị tàn phá nặng nề và đã được phục dựng lại vào năm 1992.

Ngắm nhìn đền Trình trên hành trình đến chùa Hương - Nguồn: Internet
Ngắm nhìn đền Trình trên hành trình đến chùa Hương – Nguồn: Interne
  • Chùa Giải Oan

Đây là nơi thờ Bồ tát Quán Thế Âm nên cũng được rất nhiều người đến chiêm bái. Ngoài ra, bên trong chùa Giải Oan còn có một giếng thiên nhiên Thanh Trì trong suốt, quanh năm không bao giờ cạn khiến nhiều người tò mò ghé tham quan.

Chùa Giải Oan thuộc quần thể chùa Hương - Nguồn: Internet
Chùa Giải Oan thuộc quần thể chùa Hương – Nguồn: Internet
  • Động Đại Binh

Động Đại Binh hay Thần Binh được khai sáng vào tháng 3 năm Tân Mùi 1991. Theo những vết tích bên trong hang động thì trước khi trở thành nơi thờ cúng như hiện nay, đây từng là nơi ẩn cư của một đạo quân người dân tộc thiểu số khởi nghĩa chống Pháp. Do đó, người dân còn gọi nơi đây là hang Nghĩa Quân.

Xem thêm: Chùa Linh Ứng Đà Nẵng – Chốn tâm linh hòa giữa thiên nhiên hùng vĩ

  • Đền Cửa Võng

Đền Cửa Võng còn có tên gọi khác là đền Trấn Song, do Đại sư Thanh Tích khai sáng vào năm 1908. Đây là nơi thờ Thanh Y công chúa, tục gọi là Bà Chúa Thượng Ngàn cùng 12 thị nữ tiên cô, là các cô gái người dân tộc thiểu số.

Đền Cửa Võng tại quần thể chùa Hương - Nguồn: Internet
Đền Cửa Võng tại quần thể chùa Hương – Nguồn: Internet
  • Suối Yến

Để có thể ghé thăm được những điểm đến kể trên, bạn chắc chắn sẽ cần phải ngồi thuyền trên suối Yến, còn được gọi là suối Yến Vĩ do hình dáng giống như chiếc đuôi xòe rộng của chim yến. Đây là con đường thủy duy nhất dẫn vào chùa Hương, được bao quanh bởi cảnh sắc hữu tình của thiên nhiên. Từ đây, du khách cũng dễ dàng quan sát được núi Ngũ Nhạc, đền Trình, núi Phượng Hoàng, núi Đôi Chèo ở hai bên bờ.

Vẻ đẹp thơ mộng của suối Yến - Nguồn: Internet
Vẻ đẹp thơ mộng của suối Yến – Nguồn: Internet

Bên cạnh đó, quần thể Hương Sơn còn có nhiều điểm tham quan đáng chú ý khác như động Long Vân, động Tuyết Sơn, chùa Bảo Đài, chùa Thanh Sơn,…

Xem thêm: Khám phá di tích Chùa Thầy – Kiến trúc độc đáo giữa lòng Hà Nội

Lễ hội Chùa Hương

Lễ hội chùa Hương được xem là một trong những sự kiện tôn giáo lớn nhất miền Bắc nước ta, được tổ chức sau Tết Nguyên Đán hàng năm kéo dài từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng 3 Âm lịch.  

Trong khuôn khổ lễ hội, nhiều nghi thức và sự kiện tâm linh như lễ dâng hương, lễ rước và lễ thiền sẽ được thực hiện. Do đó mà có rất nhiều người đến chùa vào dịp này để cầu nguyện cho một năm mới an khang, thịnh vượng. Đặc biệt, mọi người tham gia lễ hội đều nỗ lực vượt qua chặng đường dài để đến Động Hương Tích, với niềm tin mãnh liệt rằng các vị bề trên sẽ nhìn thấu lòng thành của họ và giúp họ thực hiện những điều ước.

Bên cạnh đó, khi đến đây vào đúng dịp lễ hội, du khách còn có thể tham gia vào các hoạt động nghệ thuật đặc sắc như hát chèo, hát văn,… hay các cuộc thi thổi cơm, kéo co, đua thuyền,…

Xem thêm: Núi Bà Đen ở đâu? Kinh nghiệm du lịch và trải nghiệm núi Bà Đen

Không khí nhộn nhịp ở lễ hội chùa Hương - Nguồn: Internet
Không khí nhộn nhịp ở lễ hội chùa Hương – Nguồn: Internet

Tham gia các hoạt động giải trí và thưởng thức ẩm thực

Bên cạnh đến đây vào dịp lễ hội lớn, khi du lịch tại chùa Hương vào ngày thường, bạn vẫn có cơ hội tham gia vào những hoạt động giải trí truyền thống thú vị như leo núi, bơi thuyền, ngồi cáp treo, nghe hát dân ca,…

Ngoài ra, nếu bạn có dịp đến chùa Hương, đừng quên thưởng thức những món ăn ngon đặc sắc nơi đây. Bạn có thể tham khảo nhà hàng Mai Lâm hoặc tìm quán ăn phù hợp dọc theo con đường từ bến đò đến động Thiên Trù. 

Không chỉ thế, bạn còn có thể mua một số đặc sản chùa Hương về làm quà cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Một số thức quà nổi tiếng tại chùa Hương gồm có rau sắng, mơ, chè lam, bánh củ mài,…

Xem thêm: Tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám – Di sản văn hoá của nhân loại

Ngồi thuyền trên suối Yến đã trở thành một hoạt động đặc trưng khi đến tham quan chùa Hương - Nguồn: Internet
Ngồi thuyền trên suối Yến đã trở thành một hoạt động đặc trưng khi đến tham quan chùa Hương – Nguồn: Internet

“Bỏ túi” kinh nghiệm khi tham quan Chùa Hương

Để chuyến hành hương của bạn diễn ra suôn sẻ, dưới đây là một số lưu ý mà bạn nên quan tâm:

  • Lựa chọn trang phục lịch sự, không quá ngắn hoặc hở hang để tránh gây phản cảm tại chùa.
  • Nên mang giày thể thao, nón và gậy để hỗ trợ quá trình leo núi.
  • Bảo quản đồ đạc cẩn thận để tránh rơi rớt hoặc mất cắp khi di chuyển ở khu vực đông người qua lại.
  • Không tự ý đụng chạm vào tượng cũng như các vật phẩm trong chùa khi chưa có sự cho phép của ban quản lý.
  • Không cười đùa, gây gổ, đánh nhau làm mất trật tự.
  • Giữ gìn vệ sinh chung, không xả rác bừa bãi trong quá trình di chuyển.
  • Hạn chế việc thắp nhang và chỉ nên thắp một nén tại lư hương bên ngoài để tránh xảy ra hỏa hoạn.

Xem thêm: Chùa Việt Nam Quốc Tự: Ngôi chùa có tòa tháp cao nhất Việt Nam

Một số kinh nghiệm khi viếng thăm chùa Hương - Nguồn: Internet
Một số kinh nghiệm khi viếng thăm chùa Hương – Nguồn: Internet

Gợi ý một số điểm du lịch gần Chùa Hương

Để chuyến du lịch thêm phần thú vị, bạn có thể kết hợp việc viếng thăm chùa Hương với khám phá một số điểm đến khác trong khu vực.

Khu du lịch Quan Sơn

Khu du lịch Quan Sơn, nằm ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là một quần thể gồm hồ nước, núi non và rừng cây với tổng diện tích 850 ha. Nơi đây nổi bật với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ và trong lành, được bao quanh bởi khoảng 20 ngọn núi và thảm thực vật đa dạng. Do đó, nơi đây rất được ưa chuộng để tổ chức các buổi cắm trại, dã ngoại cuối tuần.

Hồ nước tự nhiên rộng lớn ở khu du lịch Quan Sơn - Nguồn: Internet
Hồ nước tự nhiên rộng lớn ở khu du lịch Quan Sơn – Nguồn: Internet

Khu du lịch sinh thái Đồng Mô

Khu du lịch Đồng Mô nằm giữa ranh giới thị xã Sơn Tây và Ba Vì (Hà Nội), nổi bật với khung cảnh thiên nhiên thơ mộng và bầu không khí thoáng đãng. Nơi đây có hồ nước rộng hơn 200 hecta và khu nghỉ dưỡng nằm giữa hồ. Không chỉ có thể tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên, đến với khu du lịch Đồng Mô bạn còn có thể tham gia vào đa dạng hoạt động thú vị như câu cá, trượt cỏ, đào măng hay các lễ hội ở Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam,…

Hồ Đồng Mô chính là điểm nhấn của khu du lịch - Nguồn: Internet
Hồ Đồng Mô chính là điểm nhấn của khu du lịch – Nguồn: Internet

Khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao

Khu du lịch sinh thái Tam Chúc – Ba Sao, với diện tích ước tính trên 500 ha, là khu du lịch tâm linh lớn nhất Việt Nam. Nằm tại thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, khu du lịch cách chùa Hương khoảng 4 km. Nơi đây được chú ý với nhiều điểm tham quan hấp dẫn như vườn cột kinh, nhà khách Thủy Đình, tam điện chùa Tam Chúc, đàn tế trời, và chùa Ngọc,… Ngoài những công trình kỳ vĩ, khu du lịch còn được bao quanh bởi nhiều núi non, sông nước, tạo nên một không gian yên bình và thư thái.

Khung cảnh khu du lịch Tam Chúc - Quần thể chùa lớn nhất Việt Nam - Nguồn: Internet
Khung cảnh khu du lịch Tam Chúc – Quần thể chùa lớn nhất Việt Nam – Nguồn: Internet

Lời kết

Qua bài viết trên, Mogi.vn đã tổng hợp đến bạn một số thông tin cơ bản liên quan đến ngôi chùa Hương nổi tiếng. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu và khám phá địa điểm này.

Để khám phá thêm nhiều điểm tham quan hấp dẫn khác, hãy đón đọc các bài viết trong chuyên mục “Review” tại Mogi.vn. Ngoài ra, bạn cũng có thể tìm thấy nhiều thông tin thú vị về phong thủy, bất động sản và các mẹo vặt trong cuộc sống tại đây.

Nguồn: Wikipedia, Trang thông tin Chùa Hương

Có thể bạn quan tâm:

Nguyễn Ngọc Anh Thy
Nguyễn Ngọc Anh Thy
Xin chào, mình là Thy Nguyễn - một Freelance Content Writer với hơn 2 năm kinh nghiệm. Hy vọng có thể mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết hữu ích và thú vị thông qua các chuyên mục tại Mogi.vn.
spot_img

TIN LIÊN QUAN