spot_img
Trang chủReviewTham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám - Di sản văn hoá...

Tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám – Di sản văn hoá của nhân loại

Tọa lạc giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, Văn Miếu Quốc Tử Giám được biết đến là ngôi trường đại học đầu tiên của nước ta. Đồng thời, đây còn là nơi tôn vinh và thờ các bậc hiền triết, danh nhân có công lớn trong việc phát triển tư tưởng Nho giáo cũng như giáo dục Việt Nam dưới thời phong kiến. Trong bài viết này, hãy cùng Mogi.vn tìm hiểu chi tiết hơn về quần thể di tích lịch sử văn hóa này nhé.

Giới thiệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hay tên tiếng Anh là “Temple of Literature”, là một trong những di tích văn hóa và lịch sử quan trọng của nước ta. Bởi nơi đây không chỉ được xem như cội nguồn của tri thức và giáo dục mà còn bảo tồn nhiều nét độc đáo về kiến trúc thời kỳ phong kiến của đất nước.

Chính vì những ý nghĩa quý giá như thế, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã được công nhận là “Di tích Quốc gia đặc biệt” vào năm 2012 và hằng năm vẫn luôn thu hút được đông đảo du khách đến tham quan và cầu may trong việc thi cử.

Sơ đồ khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Sơ đồ khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Ghi chú:

(1) Hồ Văn (6) Đại Trung Môn (11) Đại Bái Đường
(2) Bia Hạ Mã (7) Khuê Văn Các (12) Cổng Thái Học
(3) Tứ trụ (8) Giếng Thiên Quang (13) Khu Thái Học
(4) Vườn Giám (9) Khu vực bia Tiến sĩ (14) Lầu chuông
(5) Văn Miếu Môn (10) Đại Thành Môn (15) Gác trống

Xem thêm: Dinh Độc Lập – di tích lịch sử nổi tiếng tại Sài Gòn

Địa chỉ của Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Địa chỉ: 58 Quốc Tử Giám, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội

Giờ mở cửa: Từ 8:00 đến 17:00 hằng ngày

Giá vé tham quan: 

  • Miễn phí vé dành cho trẻ em dưới 16 tuổi
  • 70.000 VNĐ/vé người lớn
  • 35.000 VNĐ/vé đối với học sinh, sinh viên, người khuyết tật nặng, người trên 60 tuổi

Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bao quanh bởi bốn tuyến phố sầm uất, gồm Nguyễn Thái Học, Văn Miếu, Quốc Tử Giám và Tôn Đức Thắng, đặc biệt, khu vực này tập trung khá nhiều đường một chiều. Do đó, nếu di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô cá nhân, bạn nên chú ý quan sát kỹ để đảm bảo an toàn và tránh vi phạm giao thông. 

Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đi xe buýt với các tuyến số 02, 23, 38, 25, 41, vì những tuyến này đều có điểm dừng gần Văn Miếu.

Tìm hiểu địa chỉ Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở đâu và cách thức di chuyển - Nguồn: Internet
Tìm hiểu địa chỉ Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở đâu và cách thức di chuyển – Nguồn: Internet

Lịch sử hình thành di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Dưới đây là một số mốc lịch sử quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bạn có thể tham khảo qua để hiểu rõ hơn về nơi đây.

  • Năm 1070: Vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu và đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, tứ phối, đều đặn tổ chức tế tự bốn mùa hằng năm.
  • Năm 1076: Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng thêm Quốc Tử Giám ngay bên cạnh Văn Miếu, làm nơi dạy học cho các Hoàng tử và con em các gia đình quyền quý.
  • Năm 1253: Dưới thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc Tử viện và bắt đầu nhận con cái thường dân có tài hoa xuất chúng vào học.
  • Đến thời vua Lê Thánh Tông, Văn Miếu – Quốc Tử Giám bắt đầu dựng bia ghi danh những người đỗ đạt tiến sĩ.

Xem thêm: Bưu điện thành phố Hồ Chí Minh – Nét cổ kính giữa lòng thành phố

Hình ảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám cổ kính, trang nghiêm - Nguồn: Internet
Hình ảnh Văn Miếu Quốc Tử Giám cổ kính, trang nghiêm – Nguồn: Internet

Trải qua gần 1000 năm, kiến trúc của di tích đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn bảo tồn được một số công trình thuở xưa. Nhiều khu vực trong khu quần thể di tích đã được Nhà nước phục dựng vào giai đoạn 1999 – 2000, đặc biệt là khu Đại Thành và khu Thái Học.

Trong đó, khu Đại Thành là nơi thờ Khổng Tử, tứ phối và thất thập nhị hiền. Còn khu Thái Học thờ ba vị vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông cùng cụ Chu Văn An, đồng thời là nơi lưu trữ nhiều hiện vật và tư liệu lịch sử quý giá của nhiều triều đại.

Khu vực Thái Học thờ 3 vị vua có nhiều công lao trong việc xây dựng Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Khu vực Thái Học thờ 3 vị vua có nhiều công lao trong việc xây dựng Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Kiến trúc độc đáo của Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Trải qua nhiều thời kỳ, mỗi khu vực của quần thể di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám lại gợi nhớ đến các triều đại khác nhau nhưng rõ nét nhất vẫn là kiến trúc thời Nguyễn.

Khi đến đây, điều khiến du khách ấn tượng đầu tiên chắc hẳn là bốn bức tường gạch vồ kiên cố bao quanh lấy khuôn viên khu di tích. Nếu lấy lối đi chính làm chuẩn, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy khuôn viên được thiết kế đối xứng độc đáo theo trục Bắc – Nam, tạo cảm giác hài hòa và tinh tế. Các khoảng sân được trồng nhiều cây xanh và có thêm hồ nước, mang đến bầu không khí trong lành và thanh tịnh.

Càng đi sâu vào bên trong, các công trình độc đáo sẽ lần lượt hiện ra trước mắt du khách như Văn Miếu Môn, Đại Trung Môn, Khuê Văn Các, vườn bia tiến sĩ, Đại Thành Môn,… Hầu hết các công trình đều được lợp mái ngói, được chạm khắc tinh xảo với nhiều họa tiết đẹp mắt như rồng phượng, hoa sen, câu đối,… thu hút du khách đến chiêm ngưỡng và chụp ảnh làm kỷ niệm.

Xem thêm: Bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh: Lịch sử hình thành và phát triển

Đôi nét về kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Đôi nét về kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám có gì?

Nếu bạn đang tự hỏi tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám có gì đặc biệt để tham quan thì ngay sau đây hãy cùng Mogi.vn khám phá một vài điểm hấp dẫn ở khu quần thể di tích này nhé.

Văn Miếu Môn

Hiện nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được chia thành 5 khu vực gồm khu Nhập đạo, Thành đạt, Vườn bia Tiến sĩ, Đại thành và Thái học. Giữa các khu sẽ có các cổng phân cách, mỗi cổng đều sở hữu những nét kiến trúc độc đáo riêng. Và cánh cổng đầu tiên dẫn vào khu di tích chính là Văn Miếu Môn.

Văn Miếu Môn gồm có ba cửa và hai tầng. Tầng trên được khắc ba đại tự “Văn Miếu Môn” bằng chữ Hán cổ và có họa tiết lưỡng long chầu nguyệt, toát lên vẻ trang trọng và tôn nghiêm. Khi xưa, dù là công hầu hay khanh tướng muốn đi qua Văn Miếu Môn đều phải xuống khỏi xe ngựa, võng lọng và đi bộ qua để thể hiện sự tôn kính.

Khung cảnh Văn Miếu Môn đầy uy nghiêm, cổ kính - Nguồn: Internet
Khung cảnh Văn Miếu Môn đầy uy nghiêm, cổ kính – Nguồn: Internet

Hồ Văn và vườn Giám

Hồ Văn, hay còn gọi là hồ Giám hoặc hồ Minh Đường, nằm ngay trước cổng khu di tích Văn Miếu. Hồ khá rộng với diện tích 12.297m2, giữa hồ có gò Kim Châu, từng được chọn để xây dựng Phán Thủy Đường – nơi nho sĩ kinh thành xưa tụ họp để bình luận thơ văn. Hiện nay, hồ Văn tuy không còn giữ dáng vẻ nguyên vẹn thuở xưa nhưng cũng đã được quy hoạch lại đẹp đẽ và khang trang hơn. 

Vẻ đẹp thơ mộng, tĩnh lặng của hồ Văn - Nguồn: Internet
Vẻ đẹp thơ mộng, tĩnh lặng của hồ Văn – Nguồn: Internet

Cùng với hồ Văn, vườn Giám nằm ở phía Tây Văn Miếu, dọc theo phố Tôn Đức Thắng, cũng là điểm tham quan hấp dẫn mà bạn nên ghé thăm. Khu vườn này có nhà bát giác, hồ nước và nhiều tiểu cảnh khác. Theo năm tháng, Vườn Giám cũng đã trải qua nhiều lần tu bổ tường rào, đường đi, vườn hoa, thảm cỏ,… để tạo nên không gian thư giãn xanh mát và dễ chịu cho du khách.

Xem thêm: Chùa Việt Nam Quốc Tự: Ngôi chùa có tòa tháp cao nhất Việt Nam

Không gian xanh mát ở khu vực vườn Giám - Nguồn: Internet
Không gian xanh mát ở khu vực vườn Giám – Nguồn: Internet

Đại Trung Môn

Đại Trung Môn là cổng thứ hai của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, nơi kết nối khu Nhập đạo và Thành đạt. Hai bên cổng Đại Trung có hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài, tượng trưng cho hai yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục chính là đức hạnh và tài năng.

Công trình được xây trên nền gạch đá cao, mái lợp ngói mũi hài và được chống đỡ bởi các cột gỗ chắc chắn, tạo nên vẻ trang nghiêm và bề thế. Trên đỉnh cổng được trang trí hình ảnh cá chép, biểu trưng cho người học. Việc học sinh nỗ lực học tập để vượt qua các kỳ thi và trở thành người tài cũng giống như cá chép phải chinh phục những con sóng lớn để hóa rồng vĩ đại và mạnh mẽ.

Dáng vẻ của Đại Trung Môn giữa lòng Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Dáng vẻ của Đại Trung Môn giữa lòng Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Khuê Văn Các

Khuê Văn Các, có thể được xem như cánh cổng thứ ba dẫn vào khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Công trình này cao gần 9m, nổi bật với thiết kế lầu vuông 8 mái gồm 4 mái thượng và 4 mái hạ.

Tầng dưới gồm bốn trụ gạch vuông được chạm trổ tinh xảo với hoa văn phong phú, trong khi phần mái gỗ được lợp ngói ống đỏ bắt mắt và được trang trí bằng các họa tiết đất nung.

Điểm độc đáo nhất của Khuê Văn Các nằm ở khung cửa sổ tròn với các thanh tỏa ra xung quanh, tượng trưng cho sao Khuê – biểu tượng của văn chương, học thuật theo văn hóa Á Đông. 

Xem thêm: Hồ con rùa quận 3 – Địa điểm vui chơi, ăn uống giá rẻ tại Sài Gòn

Khuê Văn Các - Công trình mang tính biểu tượng của Văn Miếu Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Khuê Văn Các – Công trình mang tính biểu tượng của Văn Miếu Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Vườn bia Tiến sĩ và giếng Thiên Quang

Vườn bia Tiến sĩ là điểm đến mà bạn không thể bỏ qua tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Tại đây, bạn có thể nhìn ngắm 82 tấm bia đá được chạm khắc tỉ mỉ, ghi lại thông tin của những người từng đỗ đạt Tiến sĩ qua nhiều triều đại trong lịch sử Việt Nam. Các tấm bia được đặt trên lưng các cụ rùa đá, vừa uy nghi vừa linh thiêng. 

Hình ảnh này không chỉ thể hiện sự tôn kính đối với các bậc hiền tài thời trước mà còn là nguồn cảm hứng cho các thế hệ học sinh, sinh viên ngày nay. Đặc biệt, vào năm 2011, UNESCO đã công nhận 82 tấm bia Tiến sĩ là Di sản tư liệu thế giới. 

Tham quan khu vực Vườn bia Tiến sĩ khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Tham quan khu vực Vườn bia Tiến sĩ khi đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Bên cạnh khu vực bia Tiến sĩ và ngay sau Khuê Văn Các, bạn sẽ nhìn thấy giếng Thiên Quang. Giếng có hình vuông, tượng trưng cho đất, kết hợp với khung cửa sổ tròn của Khuê Văn Các đại diện cho trời, tạo nên sự hòa hợp phong thủy giữa trời đất, âm dương. 

Khu vực giếng Thiên Quang trông như tấm gương lớn phản chiếu bầu trời - Nguồn: Internet
Khu vực giếng Thiên Quang trông như tấm gương lớn phản chiếu bầu trời – Nguồn: Internet

Đền Khải Thánh

Đền Khải Thánh nằm ở cuối khu di tích và là nơi thờ phụng hai vị Thúc Lương Ngột và Nhan Thị, phụ mẫu của Khổng Tử. Trước đây, khu vực này được xây cất làm nơi ở của các giám sinh với 150 gian phòng, hay còn gọi là khu cư xá. Tuy nhiên, vào năm 1946, nơi đây đã bị phá hủy hoàn toàn do cuộc tấn công của thực dân Pháp. Sau này, đền mới được xây dựng lại và bảo tồn cho đến ngày nay. Kiến trúc của đền Khải Thánh tuy đơn giản nhưng vẫn có đầy đủ Tả vu, Hữu vu và điện thờ chính ở giữa. 

Xem thêm: Chợ Bến Thành: Lịch sử hình thành, hướng dẫn lịch trình khám phá

Đền Khải Thánh là nơi thờ phụng song thân của Khổng Tử - Nguồn: Internet
Đền Khải Thánh là nơi thờ phụng song thân của Khổng Tử – Nguồn: Internet

Đại Bái Đường – Đại Thành Môn

Cánh cổng thứ tư xuất hiện trên lối vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám chính là Đại Thành Môn. Đây là công trình có ba gian, được lợp ngói với các cột hiên vững chãi bằng gỗ và đá chống đỡ xung quanh. Dưới chân cổng có sáu con Nghê cối cửa, được chế tác tinh xảo. Ngoài ra, còn có hình ảnh con rồng được trang trí trên cánh cổng theo chủ đề “Long vân khánh hội,” biểu trưng cho sự phồn thịnh của đất nước và đạo học. 

Đại Thành Môn sở hữu một nét đẹp riêng biệt khác với các cổng còn lại tại Văn Miếu - Nguồn: Internet
Đại Thành Môn sở hữu một nét đẹp riêng biệt khác với các cổng còn lại tại Văn Miếu – Nguồn: Internet

Bước qua Đại Thành Môn là đến Đại Bái Đường, nơi từng diễn ra các nghi lễ tế tự thời xưa. Đại Bái Đường gồm có chín gian, với mái lợp ngói mũi hài và bậc thềm bằng đá. Trong tòa Đại Bái, có nhiều bức hoành quý giá cùng đa dạng hiện vật lịch sử khác, đặc biệt là chiếc chuông lớn đúc từ năm Cảnh Hưng 1768. 

Phía trước Đại Bái Đường là khoảng sân rất rộng, được lát gạch Bát Tràng. Phía sau là điện Đại Thành, khu vực thờ Khổng Tử, tứ phối và thất thập nhị hiền, cũng là nơi giảng dạy của trường giám xưa kia.

Khung cảnh bên ngoài Đại Bái Đường - Nguồn: Internet
Khung cảnh bên ngoài Đại Bái Đường – Nguồn: Internet

Những trải nghiệm thú vị khi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám

Với những giá trị văn hóa sâu sắc cùng bề dày lịch sử lâu đời, Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã trở thành điểm đến hấp dẫn dành cho du khách cả trong và ngoài nước. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị và đáng nhớ, chẳng hạn như:

  • Tham quan, tìm hiểu về lịch sử và văn hóa Việt Nam thông qua các công trình kiến trúc, hiện vật trưng bày, tư liệu,…
  • Xin chữ đầu năm để cầu may mắn.
  • Thắp hương cầu may trong học tập và thi cử.
  • Tham dự các buổi triển lãm văn hóa tổ chức tại Văn Miếu.
  • Chụp ảnh lưu niệm với nhiều góc “sống ảo” đẹp nên thơ.

Xem thêm: Bảo tàng lịch sử Việt Nam – Nơi lưu giữ những minh chứng hào hùng

Những điều bạn có thể trải nghiệm khi đến với Văn Miếu Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Những điều bạn có thể trải nghiệm khi đến với Văn Miếu Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Một số quy định khi tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý để có một chuyến tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám thật suôn sẻ và ý nghĩa.

  • Mặc trang phục lịch sự, kín đáo phù hợp với không gian di tích.
  • Không tác động làm hư hại các hiện vật, tài liệu hoặc cảnh quan.
  • Không xoa đầu hoặc ngồi lên các tượng rùa ở khu vực Vườn bia Tiến sĩ.
  • Tuân thủ các quy định về an ninh và giữ trật tự trong khuôn viên Văn Miếu.
  • Thắp hương đúng nơi và số lượng quy định.
  • Không mang đồ ăn, thức uống vào khu vực di tích.
Một số quy định tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Nguồn: Internet
Một số quy định tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám – Nguồn: Internet

Gợi ý những địa điểm du lịch khác gần Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Vì Văn Miếu – Quốc Tử Giám nằm ở vị trí trung tâm của thủ đô nên du khách sau khi đến đây có thể dễ dàng kết hợp tham quan nhiều địa danh nổi tiếng xung quanh. Dưới đây là một vài địa điểm tiêu biểu mà bạn có thể đưa vào lịch trình của mình.

Cột cờ Hà Nội

Địa chỉ: 28A Điện Biên Phủ, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội 

Chỉ cách Văn Miếu khoảng 1,2km, Cột cờ Hà Nội, hay còn gọi là Kỳ đài Hà Nội cũng là một di tích lịch sử đáng để bạn khám phá. Nơi đây được xây dựng vào thế kỷ 19 dưới thời nhà Nguyễn. Hiện nay, Kỳ đài nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quân đội Việt Nam, trên con đường Điện Biên Phủ nên rất phù hợp để bạn vừa tìm hiểu về quá khứ vẻ vang của dân tộc vừa chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của công trình.

Công trình Cột cờ Hà Nội - Nguồn: Internet
Công trình Cột cờ Hà Nội – Nguồn: Internet

Hoàng Thành Thăng Long

Địa chỉ: 19C Hoàng Diệu, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội 

Dưới thời vua Lý Thái Tổ, năm 1010 kinh thành chính thức chuyển về Thăng Long và các công trình thành quách bắt đầu được cho xây dựng. Đến này, Hoàng Thành Thăng Long vẫn gìn giữ được nhiều nét nghệ thuật kiến trúc độc đáo cùng những hiện vật quý giá của các triều đại xưa. Năm 2010, Hoàng thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới nên bạn rất nên thử một lần đến đây tham quan. Đặc biệt, địa danh này chỉ cách Văn Miếu – Quốc Tử Giám khoảng 1,5km.

Khung cảnh bên ngoài Hoàng Thành Thăng Long - Nguồn: Internet
Khung cảnh bên ngoài Hoàng Thành Thăng Long – Nguồn: Internet

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 2 Hùng Vương, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, Hà Nội

Cách Văn Miếu khoảng 1,6km, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay còn gọi là Lăng Bác, là một trong những di tích lịch sử quan trọng nhất ở Hà Nội, nơi lưu giữ thi hài của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Đây không chỉ là nơi để người dân và du khách bày tỏ lòng tôn kính đối với Bác, mà còn là địa điểm mang đậm dấu ấn lịch sử và gìn giữ tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi - Nguồn: Internet
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghi – Nguồn: Internet

Bảo tàng Hồ Chí Minh

Địa chỉ: 19 Ngọc Hà, Phường Đội Cấn, Quận Ba Đình, Hà Nội 

Địa danh tiếp theo cách Văn Miếu không xa, chỉ khoảng 1,7km, mà bạn có thể cân nhắc ghé thăm chính là Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đây là nơi lưu giữ và trưng bày nhiều tài liệu, hiện vật quý giá liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Bảo tàng được khởi công xây dựng vào ngày 31/8/1985 và hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1890 – 19/5/1990). 

Khung cảnh bên ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh - Nguồn: Internet
Khung cảnh bên ngoài Bảo tàng Hồ Chí Minh – Nguồn: Internet

Di tích Nhà tù Hỏa Lò

Địa chỉ: 1, Phố Hỏa Lò, Phường Trần Hưng Đạo, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội

Nhà tù Hỏa Lò do thực dân Pháp xây dựng vào cuối thế kỷ 19 nhằm bắt giữ và tra tấn các nhà yêu nước Việt Nam. Hiện nay, nơi đây đã trở thành bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật và hình ảnh giá trị, giúp du khách hiểu rõ hơn về lịch sử đấu tranh gian khổ của dân tộc ta. Nhà tù Hỏa Lò chỉ cách Văn Miếu – Quốc Tử Giám khoảng 2km nên bạn cũng thể sắp xếp lịch trình để tham quan cả hai địa điểm này cùng ngày.

Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan - Nguồn: Internet
Di tích Nhà tù Hỏa Lò là một điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan – Nguồn: Internet

Lời kết

Qua bài viết trên, Mogi.vn hy vọng đã giúp bạn hiểu rõ hơn về vị trí, kiến trúc và ý nghĩa của Văn Miếu Quốc Tử Giám, một biểu tượng cho truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, để khám phá thêm nhiều địa điểm thú vị khác tại Hà Nội cũng như trên toàn quốc, đừng bỏ qua các bài viết hữu ích trong chuyên mục “Review” của Mogi.vn nhé. Tại đây, bạn cũng có thể sẽ tìm thấy nhiều thông tin bổ ích về phong thủy, luật nhà đất, bất động sản cùng nhiều chủ đề khác.

Nguồn tham khảo: Wikipedia, Cục Di sản văn hóa, tổng hợp

Có thể bạn quan tâm:





Nguyễn Ngọc Anh Thy
Nguyễn Ngọc Anh Thy
Xin chào, mình là Thy Nguyễn - một Freelance Content Writer với hơn 2 năm kinh nghiệm. Hy vọng có thể mang đến cho bạn đọc nhiều bài viết hữu ích và thú vị thông qua các chuyên mục tại Mogi.vn.
spot_img

TIN LIÊN QUAN