Lỗ hổng về chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong Luật Đất Đai Việt Nam đã vô tình tạo ra cơ hội làm giàu cho rất nhiều doanh nghiệp Nhà nước.
Theo các điều khoản quy định trong Luật Đất Đai, các tổ chức, cá nhân khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải được sự cấp phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Chủ sở hữu có thể làm thủ tục chuyển từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất sử dụng vào mục đích công cộng sang đất thương mại, dịch vụ… Chính điều này đã tạo ra kẽ hở để các doanh nghiệp Nhà nước kiếm lời.
Tài sản Quốc gia thất thoát vì kẽ hở Luật đất đai
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, trong vòng 2 năm đã có 60 doanh nghiệp Nhà nước tiến hành chuyển đổi mục đích sử dụng đất, trong đó phần lớn là chuyển từ đất nông nghiệp, đất sản xuất, kinh doanh, kho bãi sang đất xây dựng dự án chung cư, địa ốc cao tầng, trường học và khu hỗn hợp nhà ở. Việc này sẽ không có vấn đề gì nếu như các doanh nghiệp không lách luật để trục lợi.
Trước đây, hầu hết những mảnh đất này đều được bàn giao rất dễ dàng bởi khi đó hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, người ta chưa nghĩ đến việc đất đai sẽ đẻ trứng vàng như hiện nay mà chỉ đơn giản là cấp đất để doanh nghiệp hoạt động, phục vụ nhu cầu của nhân dân và phát triển kinh tế. Nhưng hiện nay, chúng lại biến thành nhưng vị trí đắc địa đúng theo chuẩn “tấc đất, tấc vàng”.
Vì thế, sau khi cổ phần hóa hoặc phải di dời, các doanh nghiệp Nhà nước không bàn giao lại đất cho Nhà nước mà tiến hành chuyển nhượng, sang tên, hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất để triển khai các công trình, dự án. Việc này được thực hiện âm thầm, không qua đấu giá công khai nên không ai biết được giá trị thực tế của lô đất tại thời điểm hiện tại là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sự chênh lệch về giá tại thời điểm bàn giao ban đầu với thời điểm chuyển đổi là con số không hề nhỏ.
Thực chất theo Luật Đất Đai thì rõ ràng việc chuyển đổi như vậy là không sai, nhưng nó lại khiến cho tài sản của Quốc gia bị thất thoát rất nhiều.
Giải quyết khó khăn
Theo ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, việc làm của các doanh nghiệp đã làm ảnh hưởng đến tài sản của đất nước, vì vậy việc thanh tra, kiểm tra là việc nên làm. Tuy nhiên, chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào?
Sau khi hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, doanh nghiệp đã nhanh chóng triển khai các dự án, công trình xây dựng. Bây giờ nếu tiến hành đình chỉ thi công để kiểm tra thì cũng cần cân nhắc vì nó còn có nhiều mặt xấu chưa khắc phục được, chẳng hạn như ảnh hưởng đến quyền của người mua nhà, ảnh hưởng đến việc làm của người lao động trong các dự án, ảnh hưởng đến cả lợi ích của chủ đầu tư…
Hơn nữa, mặc dù là một hình thức lách luật nhưng không thể phủ nhận các dự án hoàn thành đã giúp cho nhân dân ổn định cuộc sống, nâng cao cơ sở vật chất hạ tầng đô thị, đồng thời tạo ra không ít giá trị và lợi nhuận.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HOREA cho hay, không nên đình chỉ dự án đang thi công để thanh tra. Còn TS Phạm Sỹ Liêm lại cho rằng dự án phải được thi công, bàn giao thì mới tạo ra lợi ích, Nhà nước nên thu lại các giá trị thất thoát từ đó để giải quyết vấn đề.
Trần Giang – Mogi.vn