spot_img
Trang chủTin bất động sảnThông tin quy hoạchTin sáng 8-3: TP.HCM “hụt” nửa tỷ USD, “ôm hận” đất Bắc...

Tin sáng 8-3: TP.HCM “hụt” nửa tỷ USD, “ôm hận” đất Bắc Phong Vân

TP.HCM “hụt” nửa tỷ USD thu ngân sách đất, “ôm hận” đất Bắc Phong Vân…là những nội dung chính trong điểm tin sáng 8-3 trên News Mogi.

Thu ngân sách đất “hụt” nửa tỷ USD tại TP.HCM. Theo báo VietNamNet, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), năm 2017, thu ngân sách từ đất là 27.170 tỷ đồng, chiếm 11,75% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 17.905 tỷ đồng, chiếm 66% tổng nguồn thu về đất.

Năm 2018, tổng thu ngân sách TP.HCM là 378.543 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán. Thu nội địa là 244.772 tỷ đồng tăng 10,48% so với cùng kỳ, nhưng chỉ đạt 95,54% dự toán. Trong đó, thu ngân sách từ đất khoảng 22.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 9,32% tổng thu ngân sách. Trong đó, số thu tiền sử dụng đất dự án là 13.868 tỷ đồng, chỉ còn chiếm 61,3% tổng thu về đất.

So với năm 2017, số thu ngân sách từ đất đã giảm khoảng 4.570 tỷ đồng, giảm 16,8%; số thu tiền sử dụng đất dự án giảm khoảng 4.037 tỷ đồng, giảm đến 22,5%. Tỷ trọng nguồn thu từ đất trong tổng thu ngân sách của thành phố năm 2018 đã giảm 2,43% (Từ 11,75% năm 2017 xuống còn 9,32% năm 2018).

Hiệp hội cho biết, các doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân còn nợ ngân sách nhà nước thành phố về tiền sử dụng đất và tiền thuê đất năm 2017 tổng số nợ là 1.632,6 tỷ đồng, bao gồm: Nợ tiền thuê đất 677,4 tỷ đồng; Nợ tiền sử dụng đất 965,2 tỷ đồng.

Còn năm 2018, tổng số nợ là 2.257,5 tỷ đồng, tăng 38,2% so với năm 2017, bao gồm: Nợ tiền thuê đất 1.526,6 tỷ đồng; Nợ tiền sử dụng đất 730,9 tỷ đồng.

Theo HoREA, nguồn thu ngân sách nhà nước từ đất, từ tiền sử dụng đất dự án bất động sản đã bị sụt giảm trong năm 2018 và có khả năng tiếp tục sụt giảm trong năm 2019.

Bitexco rút lui khỏi dự án Bình Qưới- Thanh Đa. Theo ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TP.HCM cho biết, đối với siêu dự án Bình Qưới- Thanh Đa trước mắt đã có 5 nhà thầu trong và ngoài nước sẵn sàng nhảy vào dự án.

Điều đáng nói ở đây, nếu như ban đầu Bitexco tỏ ra quyết tâm, hiện tại Bitexco đã nhảy ra khỏi dự án này.

Theo báo Tiền Phong, vào năm 1992, TPHCM thông báo ý tưởng quy hoạch khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa là một “Việt Nam thu nhỏ” với mục đích đây sẽ là “khu văn hóa – thể thao – du lịch” nghỉ ngơi, giải trí phục vụ nhân dân thành phố và du khách trong, ngoài nước. Đến tháng 12-2000, thành phố phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết bán đảo Thanh Đa với tính chất là “khu du lịch – văn hóa – giải trí và dân cư gắn với du lịch thành phố”.

Tiếp đến, tháng 6-2004, thành phố ra quyết định thu hồi, tạm giao đất cho Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn để chuẩn bị đầu tư xây dựng khu đô thị mới Bình Quới – Thanh Đa. Tháng 12-2004, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn trình Sở Quy hoạch Kiến trúc nhiệm vụ quy hoạch chi tiết mới cho khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa.

Tháng 6-2005, Sở Quy hoạch Kiến trúc báo cáo UBND TP.HCM nhiệm vụ quy hoạch này. Nội dung chủ yếu của nhiệm vụ quy hoạch: khu bán đảo Bình Quới – Thanh Đa sẽ là một đô thị sinh thái, hiện đại bao gồm chức năng chính là công viên sinh thái cảnh quan thiên nhiên kết hợp chức năng thương mại, công cộng hiện đại nhưng giữ đậm bản sắc dân tộc.

Đầu năm 2006, TP.HCM xác định cụ thể khu Bình Quới – Thanh Đa sẽ là khu đô thị mới với dân số khoảng 80.000 người. Người dân trong khu quy hoạch sẽ được tái định cư tại chỗ hoặc bố trí tái định cư sang quận 9. Nhưng năm 2010, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn bị UBND Tp.HCM thu hồi giấy phép đầu tư vì đã “ngâm” quá lâu mà không tiến hành triển khai đầu tư.

Đến năm 2015, liên doanh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng, thời hạn 50 năm. Tuy nhiên, do gặp khó khăn trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng, đối tác trong liên doanh với Tập đoàn Bitexco đã rút lui khiến dự án đô thị này tiếp tục bị “treo”.

Sài Gòn nắng nóng, nguy cơ cháy chung cư cao. Theo báo Tuổi Trẻ, vào trưa 6-3, người dân sống tại chung cư Hà Kiều, quận Gò Vấp, TP.HCM, phát hiện khói bốc lên tại một căn hộ trên tầng 3.

Khói lửa phát nhanh lan sáng hai căn hộ kế bên. Người dân nhanh chóng hô hoán nhau ôm tài sản chạy thoát. Nhiều người mang bình chữa cháy đến dập đám cháy nhưng không thành.

Ngay sau khi nhận được tin báo, cảnh sát PCCC điều nhiều xe chuyên dụng đến dập tắt đám cháy. Lực lượng chức năng đang điều tra làm rõ sự việc.

Tuy nhiên, cũng qua vụ cháy này, cơ quan chức năng dấy lên hồi chuông cảnh báo cư dân mọi chung cư cần cẩn trọng hơn trong vấn đề phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là vào thời điểm Sài Gòn bước vào đợt nắng nóng khô như hiện tại.

Dân “khóc mếu” khi chung cư Khang Gia Tân Hương đối mặt với xiết nợ. Theo báo Tuổi Trẻ, sáng 7-3, ông Nguyễn Mạnh Hùng – trưởng Ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết người dân chung cư đang rất lo lắng khi Ngân hàng TMCP Nam Á có thông báo về việc thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của chung cư để xử lý nợ của chủ đầu tư.

“Tôi đã liên hệ với ngân hàng và phía ngân hàng cũng đồng ý sẽ làm việc với Ban quản trị chung cư để cung cấp thêm những thông tin quanh vụ việc. Cụ thể, thông tin về thời điểm chủ đầu tư thế chấp, tài sản chủ đầu tư dùng để thế chấp.

Người dân chung cư cần biết thông tin đầy đủ về vụ việc vì liên quan đến tài sản và quyền lợi của họ”, ông Hùng khẳng định.

Theo ông Hùng, khi mua căn hộ người dân chung cư không biết chủ đầu tư đã thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại ngân hàng.

Thời gian gần đây, khi chủ đầu tư bán căn hộ ở các tầng thương mại thì có đại diện ngân hàng đến thu tiền những người mua căn hộ để “trừ nợ”. Khi đó, người dân chỉ đoán rằng chủ đầu tư có nợ ngân hàng chứ không biết rõ tình hình cụ thể.

Dự kiến chiều nay, 7-3-2019, UBND quận Tân Phú sẽ làm việc với phía ngân hàng để giải quyết vụ việc.

Trong khi đó, luật sư Huỳnh Văn Nông – Đoàn Luật sư TP.HCM, cho rằng trường hợp ngân hàng muốn thu hồi xử lý tài sản thế chấp là chung cư đã bán cho khách hàng thì phải khởi kiện ra tòa.

Nếu ngân hàng đơn phương ra thông báo thu hồi xử lý tài sản thì có thể thông báo chỉ có tính chất đánh động dư luận.

Người mua nhà trong trường hợp này là người “ngay tình” và cần được các cơ quan chức năng bảo vệ. Ngân hàng phải chịu rủi ro trong trường hợp này vì lỗi quản lý tài sản thế chấp không chặt chẽ.

Phía ngân hàng không thể không biết việc chủ đầu tư đã bán các căn hộ (trước hoặc sau khi thế chấp) nhưng đã không ngăn cản.

Khía cạnh khác, vào tháng 11-2018, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã ký văn bản quyết định xử phạt hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với Công ty Khang Gia. Cụ thể, Công ty Khang Gia bị xử phạt số tiền 125 triệu đồng vì đã thực hiện hành vi “không bàn giao, bàn giao chậm kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư theo quy định” tại dự án chung cư Khang Gia Tân Hương (quận Tân Phú).

UBND TP.HCM yêu cầu Công ty Khang Gia khắc phục hậu quả bằng việc bàn giao ngay toàn bộ kinh phí bảo trì theo quy định cho ban quản trị nhà chung cư. Nếu doanh nghiệp này không tự giác thực hiện sẽ bị cưỡng chế thi hành bằng hình thức khấu trừ tài khoản, kê biên tài khoản.

Theo phản ánh của cư dân Khang Gia Tân Hương, sau khi thành lập ban quản trị chung cư từ đầu tháng 6-2018 đến nay, ban quản trị đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư hoàn trả lại phí bảo trì cho cư dân nhưng vẫn chưa có kết quả. Trong khi đó nhiều hạng mục chung cư đã hư hỏng xuống cấp nhưng không có kinh phí tu sửa, bảo trì.

Ngay sau đó, chủ đầu tư của Khang Gia đã gởi văn bản đề nghị xin thanh toán phí bảo trì chung cư theo hình thức trả góp 300 triệu đồng/tháng thay vì trả tổng cộng 5,8 tỉ đồng theo quy định của Luật nhà ở.

Chơi chiêu, xây nhà trái phép mong chờ đền bù tại cao tốc Bắc – Nam.

Theo báo Vnexpress, từ cuối tháng 2 đến nay, hàng chục hộ dân ở các thôn Văn Sơn, Hợp Nhất, Thanh Tân thuộc xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) đã tự ý san lấp mặt bằng, thuê thợ xây dựng nhà cửa và công trình phụ như bể nước, khu vệ sinh, chuồng trại… với mục đích chờ đền bù giải phóng mặt bằng.

Khu vực xây dựng chủ yếu nằm trên đất lúa, đất ở gần tuyến đường Nghi Sơn – Bãi Trành, nơi dự kiến có tuyến cao tốc Bắc Nam đi qua. Không chỉ xây mới, một số hộ dân còn cơi nới, xây chồng thêm tầng…

Dọc đường dẫn vào các thôn này, xe chở vật liệu cát đá, xi măng, sắt thép ra vào liên tục. Hầu hết công trình được xây dựng trong thời gian ngắn và thường diễn ra vào ban đêm để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện.

Ông Lê Đức Nam, Chủ tịch UBND xã Phú Lâm thừa nhận thực trạng trên và giải thích, “các công trình được người dân cho xây từ khoảng 0h đến sáng ngày hôm sau nên việc phát hiện gặp khó khăn”.

Theo ông Nam, tính đến ngày 7-3, xã đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu tháo dỡ 18 công trình sai phép. Chính quyền cắt cử lực lượng tuần tra liên tục để tránh tình trạng người dân tái diễn vi phạm.

Lãnh đạo xã Phú Lâm khẳng định, hiện chưa có mốc giới cụ thể về cao tốc Bắc Nam đi qua địa phương, song các hộ dân có công trình xây dựng mới đều nằm trong diện phải di dời khi dự án triển khai. “Có thể người dân nghe ngóng được thông tin nên nảy sinh việc xây cất nhằm trục lợi tiền đền bù”, ông Nam nói.

Ngày 22-11-2017, Quốc hội ra nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc tuyến Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Dự án sẽ đi qua các huyện của tỉnh Thanh Hóa như Tĩnh Gia, Nông Cống, Đông Sơn…. với tổng chiều dài 106 km và có mức đầu tư trên 22.000 tỷ đồng.

Đất ở Bắc Vân Phong
Nhiều người “ôm hận” về đất Bắc Vân Phong.

“Ôm hận” vì đầu tư đất ở Bắc Vân Phong.  Theo báo VietNamNet, gần một năm sau khi UBND tỉnh Khánh Hòa ra văn bản cho tạm dừng chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất ở Bắc Vân Phong, giao dịch bất động sản ở đây gần như đóng băng hoàn toàn.

Gần 1 năm trước, khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh là tâm điểm của cơn bão sốt đất. Thời điểm đó, cùng với thông tin về đặc khu hành chính – kinh tế Bắc Vân Phong, đất ở Vạn Ninh sốt lên từng ngày.

Nhắc về những ngày cơn bão sốt đất đi qua, chị Nguyễn Thị Thanh Hoa, người dân Đầm Môn kể: “Vạn Ninh những ngày đó, đi đâu, ngồi đâu cũng nghe những câu chuyện về đất. Giá đất các khu vực được định giá từ cao đến thấp, theo hướng từ biển lên đất liền; càng gần biển, giá càng cao. Người đi mua đất, bán đất dập dìu”.

Phương thức chung thổi giá đất ở Vạn Ninh thời điểm đó, theo một mô típ: Sẽ có nhiều người từ TP.HCM, Hà Nội đến trả giá ngất ngưởng, không mua, rồi lại đi. Khi đó, đất không bán được nhưng giá trị đất sẽ được đẩy lên đến mức cao nhất. Những ai cần đất thật sự thì không mua được, hoang mang trước giá ảo.

Cũng theo chị Hoa, kể từ ngày quyết định thành lập đặc khu bị hoãn vô thời hạn, cơn sốt đất ở Vạn Ninh cũng giảm nhiệt nhanh chóng. Sau quyết định tạm dừng chuyển nhượng đất của UBND tỉnh Khánh Hòa, vào tháng 5-2018, bất động sản ở Vạn Ninh gần như đóng băng hoàn toàn.

Đất không chuyển nhượng được, kẻ khóc người cười. Một cán bộ địa chính xã Vạn Thọ cho hay: “Có thửa đất diện tích 1.600m2. Giá khởi điểm ban đầu chỉ 400 triệu đồng. Thời điểm mua bán đất sôi sục, lần lượt qua 4 lần sang tay, giá lô đất 1.600m2 này nâng lên đến 8 tỷ đồng”. Cá biệt có những người ôm đôi ba sổ đỏ, giờ bị ách lại là chuyện bình thường ở Vạn Ninh.

Thời điểm đất sốt, giá cao ngất ngưởng, trung tâm môi giới bất động sản ở Vạn Ninh cũng mọc lên như “nấm sau mưa”. Thống kê của UBND huyện Vạn Ninh, đỉnh điểm cơn sốt đất, toàn huyện có đến hơn 40 sàn giao dịch bất động sản.

Không chỉ sàn Bắc Vân Phong, xu hướng chung của các sàn bất động sản ở Vạn Ninh là “đắp mền chờ thời”, tạm đóng cửa, chờ đến thời điểm mở cửa chuyển nhượng đất trở lại. Khi đó, rất có thể Vạn Ninh sẽ lại tiếp tục bùng phát chuyển nhượng đất trở lại.

Cao Chí (tổng hợp)

Xem thêm

Võ Hương
Võ Hương
Minh Hương Pynie - Hiện là Content Marketer Manager của báo Mua&Bán - ấn phẩm thông tin quảng cáo phía nam của báo công thương, Bộ Công Thương Việt Nam.
spot_img

TIN LIÊN QUAN